Nghề điêu khắc tượng Công giáo

Từ lâu, tượng Công giáo là nét đẹp văn hóa không thể thiếu, góp phần làm các buổi cầu kinh trong nhà thờ hay trong các gia đình giáo dân trở nên thiêng liêng hơn. Một mùa Noel nữa lại về, các cơ sở tạc tượng Công giáo trên địa bàn tỉnh lại tất bật phục vụ nhu cầu khách hàng.

Người thợ “thổi hồn” trong mỗi đường nét của bức tượng.

Người thợ “thổi hồn” trong mỗi đường nét của bức tượng.

Những ngày cuối năm, đặc biệt khi Lễ Giáng sinh gần kề thì các cơ sở tạc tượng gỗ Công giáo tại xã Xuân Phúc (Xuân Trường) lại càng náo nhiệt, tất bật hơn, những tiếng đục đẽo, tiếng máy mài, tiếng máy cắt liên tục vang lên khắp các xưởng. Tại xưởng điêu khắc tượng Công giáo của anh Lương Công Định, hơn 20 công nhân đang hối hả làm việc để hoàn thành các hợp đồng cho các nhà thờ và tư gia đã đặt hàng từ trước đó. Anh Định là đời thứ 3 giữ gìn nghề truyền thống của gia đình. Để tiện ký kết hợp đồng với các đơn vị và khẳng định uy tín của gia đình, từ năm 2002 anh Định đã thành lập cơ sở sản xuất Định Thư. Với hơn 20 năm kinh nghiệm cùng với đội ngũ thợ lành nghề, cơ sở sản xuất tượng công giáo của anh hiện lớn nhất trong tỉnh, được nhiều giáo dân và các nhà thờ trong và ngoài tỉnh biết đến.

Từng chi tiết nhỏ đều được người thợ chạm một cách tỉ mỉ.

Từng chi tiết nhỏ đều được người thợ chạm một cách tỉ mỉ.

Theo anh Định, để hoàn thiện một bức tượng phải bắt đầu từ việc chọn gỗ. Loại gỗ để chế tác tượng ở cơ sở của anh là gỗ dổi và gỗ vàng tâm, là loại gỗ có vân đẹp, nhẹ và không bị mối mọt. Sau khi chọn gỗ, từ hình mẫu, người đục đo thể tích để cắt, từ chiều cao, chiều ngang và bề dày, sau đó vẽ phác thảo. Sau khi đục đến khâu chi tiết, người thợ tiếp tục vẽ phác thảo rồi đục, tỉa theo đường vẽ và hoàn thiện các chi tiết. Khâu cuối cùng là sơn tượng, mỗi tượng được sơn 6 lượt, trong khoảng thời gian 1 tuần để sơn đủ độ khô. Hiện nay ở một số khâu xử lý phần thô đã có máy móc hỗ trợ giúp tiết kiệm 70% sức lao động, nhưng từng chi tiết chạm đục để hoàn thiện sản phẩm vẫn là bàn tay và cảm xúc của người thợ.

Hiện nay ở một số khâu xử lý phần thô đã có máy móc hỗ trợ giúp tiết kiệm 70% sức lao động.

Hiện nay ở một số khâu xử lý phần thô đã có máy móc hỗ trợ giúp tiết kiệm 70% sức lao động.

Quy trình chế tác được chia làm nhiều khâu khác nhau, chính vì vậy mà mỗi nhóm thợ tại xưởng lại có một nhiệm vụ khác nhau để luôn chú tâm làm tốt nhất, không chỉ làm bằng tay mà còn phải “thổi hồn” vào mỗi chi tiết để tạo ra những tác phẩm đẹp, đem lại ý nghĩa thiêng liêng đối với người sở hữu. Bức tượng cao nhất là 4m, nhỏ nhất là 10cm. Dù ở chất liệu gỗ hay kích thước lớn, nhỏ nhưng sản phẩm đều phải bảo đảm thẩm mỹ, chất lượng. Tất cả các bức tượng Chúa Giêsu với chiều cao từ 1m - 4m anh Định đều trực tiếp đục, chạm để luôn giữ được “hồn” trong mỗi đường nét.

Mỗi bức tượng đều được phủ 6 lớp sơn, trong khoảng thời gian một tuần để sơn đủ độ khô.

Mỗi bức tượng đều được phủ 6 lớp sơn, trong khoảng thời gian một tuần để sơn đủ độ khô.

Khách hàng của anh Định chủ yếu là các nhà thờ, tu viện, giáo dân trong và cả ngoài nước. Nhiều hợp đồng làm tượng kéo dài hơn một năm mới hoàn thiện xong. Hiện nay, xưởng của anh tạo công ăn việc làm cho hơn 20 lao động với mức lương trên 10 triệu đồng/tháng. Noel 2024, anh Định chú trọng đến những bộ tượng chuyển động, dù phức tạp, khó khăn hơn rất nhiều tượng bình thường nhưng anh cũng dốc tâm làm tốt để phục vụ giáo dân.

Từng chi tiết chạm đục hoàn thiện sản phẩm phụ thuộc vào đôi bàn tay khéo léo và cảm xúc của người thợ.

Từng chi tiết chạm đục hoàn thiện sản phẩm phụ thuộc vào đôi bàn tay khéo léo và cảm xúc của người thợ.

Anh Lương Công Định hoàn thiện các chi tiết cuối cùng của bức tượng.

Anh Lương Công Định hoàn thiện các chi tiết cuối cùng của bức tượng.

Toàn tỉnh có gần 600 nhà thờ, trên 140 giáo xứ, hơn 500 giáo họ, toàn tỉnh có trên 470 nghìn giáo dân, chiếm khoảng 25% dân số. Trên địa bàn tỉnh có khoảng 40 cơ sở chế tác tượng công giáo, phục vụ nhu cầu về tượng cho các nhà thờ hay trong các gia đình công giáo, tạo việc làm cho hàng trăm lao động với mức thu nhập trung bình khoảng 10 triệu đồng/người/tháng. Trong đó riêng xã Xuân Phúc (giáo xứ Kiên Lao) có khoảng 20 cơ sở. Có nhiều loại nguyên liệu khác nhau để tạo được bức tượng đẹp như: Gỗ, thạch cao, đá... Dù ở bất kỳ chất liệu nào thì những tượng được chế tạo thành tượng Công giáo đều đẹp, trang trọng, được trang trí trong nhà, hang đá, trong nhà thờ với tất cả sự thành kính, trang nghiêm với các bậc tôn kính.

Bài và ảnh: Hồng Minh

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/multimedia/202412/nghe-dieu-khac-tuong-cong-giao-fc97d96/