Lắng nghe chuyện của món
Ngay từ cái tựa “Chuyện của món” (Nhà xuất bản Lao động, năm 2024) với trang bìa minh họa một đôi tay phụ nữ đang khéo léo chế biến thực phẩm trong gam màu dĩ vãng, người tinh ý sẽ nhận ra ngay hồn cốt cuốn sách dày dặn và trang trọng này của Đào Thị Thanh Tuyền hoàn toàn không phải là một cẩm nang dạy nấu ăn hay khảo cứu hướng dẫn. Vậy đó có phải là những câu chuyện nhớ thương từ các món ăn trong ký ức, hay lắng nghe các món ăn hiện đại kể chuyện ngày xưa?
Ai cũng có một quê hương, một ngôi nhà tuổi thơ, một người mẹ với căn bếp xưa cũ và những mâm cơm gia đình. Những hình ảnh quá bình thường, vốn là chuyện cơm bữa mà khi còn ở trong nó chẳng mấy ai nhận ra cho đến khi rời xa, hoặc mãi đến lúc tự tay nấu nướng làm một mâm cơm cho người thương của mình. Có gì đâu, chỉ là nồi cơm nóng, xoong cá kho, tô canh chua, ngọn rau luộc và chén mắm kho quẹt… mà đem theo cả ký ức tới cùng trời cuối đất. Biến những điều thường tình và có tính riêng tư ấy thành một câu chuyện có lớp lang, trải rộng trên khắp đất nước, rồi đọng lại thẳm sâu trong lòng mỗi người là điều không hề dễ dàng.
“Chuyện của món” với hơn 300 trang in phần nào giải tỏa được nỗi niềm này, dù tác giả khiêm tốn viết rằng “là câu chuyện chung trên nền tảng kỷ niệm riêng của từng người, từng gia đình, có thể giống hay khác nhau nhưng đều có cùng ký ức để hồi tưởng khi gặp lại món ăn ngày xưa mẹ nấu. Chuyện của món là câu chuyện mẹ kể, mẹ làm… đó là những điều thật hạnh phúc”. Tuy nhiên, cuốn sách này không chỉ dừng lại ở đó mà đã vượt rất xa ra khỏi sự đơn điệu kể lể nhớ nhung. Người viết đã dụng công rất nhiều và mất không ít thời gian công sức sưu tầm biên soạn để tránh bị cảm tính và sa vào “Mùi của mùa xưa”.
Tác giả Đào Thị Thanh Tuyền là một nhà báo, nhà văn và còn là một kỹ sư, nên mọi thứ chị tiếp cận đều rõ ràng, mạch lạc và rất khoa học. Viết về con cá nục kho chị cũng tỉ mẩn đi tìm bóng dáng nó ở các bến cá từ Bali tới Phan Rang, Phan Thiết, Nha Trang…, xếp vô nồi kiểu gì, ướp tẩm ra sao, để đầu hay bỏ đầu, kho cùng nước mía hay nước dừa… Chuyện “Ăn bông ăn hoa” nghe như đùa mà ai ngờ đâu lại là nét đặc sắc trong kho tàng ẩm thực, mang tính vùng miền rất cao. Bông bí, mướp, thiên lý, hành hẹ, điên điển… vốn quen thuộc đã đành mà còn ăn được cả bông quỳnh, ban, huệ, phượng… Ngay như chuyện “Gì cũng cuốn”, nếu thiếu óc quan sát và sự kết nối quá khứ hiện tại trên cả 3 miền đất nước cũng khó có được sự tổng kết thú vị như vậy. Tác giả sinh trưởng ở đất Thành thuộc Diên Khánh và làm việc ở Nha Trang, nên đương nhiên ẩm thực quê nhà được thiên vị đậm đà. Con sứa chắc cũng ngon, giòn, đẹp đẽ hơn trên tô bún cá Nha Trang, chiếc bánh căn lên rừng xuống biển gì cũng về chợ Chụt ăn với nước cá kho nấu mẳn, bánh xèo mực thì xuống Cửa Bé, bún đầu nước ngọt thanh chỉ có ở Thành… Chân đi nhiều, tác giả cũng không quên ghi lại “Những món ăn dọc đường gió bụi”, “Thực đơn dã ngoại”… đầy ắp kinh nghiệm mà ai đã từng trải đều có thể dễ dàng kiểm chứng. Và, nếu chưa từng sống chậm thì có lẽ khó lòng cảm nhận được “Tiếng bằm thịt, tiếng chày giã chả và mùi vani” mà ngày nay chắc cũng đang dần mất hút ở những căn bếp gia đình.
Tác giả cũng khéo vận dụng ca dao tục ngữ như thêm minh chứng, không biết ông bà ngày xưa có phải cố tình thi vị hóa công việc bếp núc truyền đời cho con cháu hay không mà nay đọc lại vẫn thấy mới và thiết thực: Canh chua điên điển cá linh/Ăn chỉ một mình nên chẳng biết ngon. Hoặc Rau cải nấu với cá rô/Gừng thêm một lát cho cô giữ chồng. Măng mai nấu với gà đồng/Chơi nhau một mẻ xem chồng về tay ai. Thiệt là biết nói chơi cho quên nhọc nhằn.
Tôi thích câu kết trong “Lời mở đầu sách” của Đào Thị Thanh Tuyền: “Giữ lại ký ức làm nên chuyện của món, coi như tôi nấu giùm cho bạn một bữa cơm, đãi bạn một món bánh, đưa bạn đi ăn một món ngày xưa…”. Và tôi ước gì tất cả chúng ta đều có ký ức đẹp về những bữa cơm gia đình, về hương vị những món ăn quê hương, và được tận hưởng hạnh phúc của sự quan tâm sẻ chia ấm áp.
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/sang-tac/202412/lang-nghe-chuyen-cua-mon-921242d/