Nghề 'hồi sinh' laptop tại Ấn Độ

Người dùng tại Ấn Độ không quan tâm đến những thiết bị đời mới nhất. Thay vào đó, những chiếc laptop được tân trang với mức giá rẻ bất ngờ lại đang trở thành xu hướng mua sắm.

Trong những xưởng sửa chữa mờ ảo, chật chội ở New Delhi, Ấn Độ là nơi những chiếc laptop "Frankenstein" đang được hồi sinh.

Frankenstein là quái vật xấu xí ghê rợn trong cuốn tiểu thuyết của nữ văn sỹ người Anh Mary Shelley đầu thế kỷ 19, là hình tượng kinh dị luôn có mặt trong các lễ hội hóa trang ở phương Tây dịp Halloween.

Trong ngành công nghệ, thuật ngữ này được dùng để mô tả những thiết bị có ngoại hình xuống cấp trầm trọng. Tuy nhiên, nhờ sự kết hợp của các bộ phận từ nhiều thương hiệu khác nhau, chúng lại "hồi sinh" và được bán cho sinh viên, người làm tự do và các doanh nghiệp nhỏ, mang lại cơ hội tiếp cận công nghệ cho những người không đủ khả năng mua máy mới.

Chợ tân trang laptop phế liệu

Sushil Prasad, một kỹ thuật viên 35 tuổi, miệt mài lắp ráp các bộ phận cũ kỹ, tạo ra những cỗ máy hoạt động với giá rẻ bất ngờ.

"Hiện tại, nhu cầu về loại laptop tân trang này rất lớn. Mọi người không quan tâm đến việc sở hữu model mới nhất. Họ chỉ cần một thứ hoạt động được và không quá đắt đỏ", Prasad vừa nói vừa thay thế một bo mạch chủ bị hỏng.

Từ khu chợ Nehru Place ở Delhi đến Lamington Road ở Mumbai, các kỹ thuật viên như Prasad đang tận dụng những chiếc laptop hỏng hóc, lỗi thời mà nhiều người coi là rác thải để biến chúng thành một thiết bị hoạt động được cùng mức giá rẻ.

 Prasad nghiên cứu một bo mạch chủ để lựa chọn lắp vào những chiếc máy laptop tân trang. Ảnh: The Verge.

Prasad nghiên cứu một bo mạch chủ để lựa chọn lắp vào những chiếc máy laptop tân trang. Ảnh: The Verge.

"Chúng tôi lấy các linh kiện còn dùng được từ các hệ thống cũ hoặc bị loại bỏ để tạo ra một thiết bị hoạt động mới. Ví dụ, chúng tôi tận dụng các bộ phận từ bo mạch chủ laptop cũ, như tụ điện, bàn di chuột, transistor, diode và một số IC. Sau đó, chúng sẽ được sử dụng trong những chiếc máy đã được tân trang", Prasad giải thích.

Manohar Singh, chủ cửa hàng kiêm xưởng sửa chữa nơi Prasad làm việc, mở một chiếc laptop đã được tân trang. Màn hình nhấp nháy rồi sáng lên rõ nét. Anh mỉm cười — một dấu hiệu cho thấy một cỗ máy khác đã được "cứu sống" thành công.

"Chúng tôi thực sự làm chúng từ phế liệu! Ngoài ra, cửa hàng của tôi cũng thu mua laptop cũ và rác thải điện tử từ các quốc gia như Dubai và Trung Quốc, sửa chữa chúng và bán với giá bằng một nửa giá máy mới", Singh nói.

Theo chủ cửa hàng này, một sinh viên đại học hoặc một người làm nghề tự do có thể dễ dàng mua được một chiếc máy tốt với giá khoảng 110 USD, thay vì phải bỏ ra khoảng 800 USD cho một chiếc máy mới. "Đối với nhiều người, sự khác biệt đó có thể giúp họ làm việc hoặc học tập", Singh giải thích.

Cuộc chiến lớn hơn

Tuy nhiên, thị trường đang bùng nổ này không tồn tại độc lập. Theo The Verge, nó liên quan đến một cuộc chiến lớn hơn nhiều, giữa các kỹ thuật viên sửa chữa nhỏ lẻ và các gã khổng lồ công nghệ toàn cầu.

Mặc dù những chiếc laptop "Frankenstein" này là cứu cánh cho nhiều người, nhưng ngành công nghiệp sửa chữa nói chung phải đối mặt với những rào cản đáng kể.

 Một trong những con phố sửa máy tính xách tay tại Nehru Place. Ảnh: The Verge.

Một trong những con phố sửa máy tính xách tay tại Nehru Place. Ảnh: The Verge.

Để đối phó với máy tân trang, nhiều nhà sản xuất toàn cầu cố tình gây khó khăn cho việc sửa chữa bằng cách hạn chế quyền truy cập vào phụ tùng thay thế, sử dụng ốc vít độc quyền và triển khai các loại khóa phần mềm buộc khách hàng phải mua thiết bị mới thay vì sửa chữa thiết bị cũ.

Satish Sinha, phó giám đốc tại Toxics Link, một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực quản lý chất thải, tin rằng các kỹ thuật viên sửa chữa như Prasad và Singh đang ở trong một cuộc chiến lớn hơn.

"Ấn Độ luôn có văn hóa sửa chữa. Từ việc sửa chữa radio đến điện thoại di động đời cũ. Tuy nhiên, các công ty đang thúc đẩy sự lỗi thời có kế hoạch, khiến việc sửa chữa trở nên khó khăn hơn và buộc mọi người phải mua thiết bị mới", Sinha nói.

Sinha cho rằng cần khuyến khích việc tái sử dụng vật liệu như vậy. Những thiết bị "lai" được sửa chữa hoặc làm mới này giảm thiểu chất thải bằng cách kéo dài tuổi thọ của sản phẩm và giảm lượng chất thải ra thị trường nói chung.

Bên cạnh đó, việc tái sử dụng các bộ phận cũng làm giảm nhu cầu về vật liệu mới, giảm sử dụng năng lượng, khai thác tài nguyên và tác động đến môi trường.

Lấy cảm hứng từ các nỗ lực tương tự ở Liên minh châu Âu và Mỹ, chính phủ Ấn Độ đã bắt đầu thảo luận về luật "quyền được sửa chữa".

Tuy nhiên, The Verge cho rằng tiến độ vẫn còn chậm, và các cửa hàng sửa chữa sẽ phải tiếp tục hoạt động trong tình trạng pháp lý không rõ ràng. Điều này khiến họ buộc phải tìm kiếm các bộ phận khác nhau từ các thị trường không chính thức và thị trường rác thải điện tử.

Do đó, nhiều kỹ thuật viên sửa chữa không có lựa chọn nào khác ngoài việc dựa vào chuỗi cung ứng không chính thức, với các khu chợ như Seelampur ở Delhi — trung tâm rác thải điện tử lớn nhất Ấn Độ. Hiện tại, Seelampur xử lý khoảng 30.000 tấn rác thải điện tử mỗi ngày, tạo việc làm cho gần 50.000 lao động tự do, những người khai thác các vật liệu có giá trị từ đó.

 Thay vì phải bỏ ra khoảng 800 USD cho một chiếc máy mới, người dùng tại Ấn Độ có thể mua một chiếc máy laptop tân trang vẫn còn hoạt động tốt với giá khoảng 110 USD. Ảnh: The Verge.

Thay vì phải bỏ ra khoảng 800 USD cho một chiếc máy mới, người dùng tại Ấn Độ có thể mua một chiếc máy laptop tân trang vẫn còn hoạt động tốt với giá khoảng 110 USD. Ảnh: The Verge.

Khu chợ là một mê cung hỗn loạn của các thiết bị điện tử bị loại bỏ, nơi các công nhân sàng lọc qua hàng núi bo mạch chủ hỏng, dây điện rối và màn hình vỡ, tìm kiếm các bộ phận có thể sử dụng được.

Mặc dù vậy, trong khi việc thu hồi rác thải điện tử cung cấp vật liệu sửa chữa giá rẻ, nó cũng đi kèm với một cái giá đắt. Không có các biện pháp an toàn phù hợp, các công nhân hàng ngày phải xử lý các vật liệu độc hại như chì, thủy ngân và cadmium.

"Tôi ho rất nhiều. Nhưng tôi có thể làm gì? Công việc này nuôi sống gia đình tôi", Farooq Ahmed, một người buôn phế liệu 18 tuổi đã dành 4 năm qua để tìm kiếm linh kiện laptop cho các kỹ thuật viên như Prasad thừa nhận với một nụ cười ngượng nghịu.

Anh Tuấn

Nguồn Znews: https://znews.vn/nghe-hoi-sinh-laptop-tai-an-do-post1545271.html