Nghề làm bánh pía trở thành di sản văn hóa phi vật thể
Tại lễ kỷ niệm 100 năm nghệ thuật sân khấu Dù kê, tỉnh Sóc Trăng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao 3 bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Tối 30/10, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu Dù kê.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Ngô Hùng cho biết đây là dịp tôn vinh những giá trị đặc sắc của các di sản văn hóa phi vật thể, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của Sóc Trăng.
Nghệ thuật sân khấu Dù kê của đồng bào Khmer Nam Bộ, ra đời vào những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ XX. Năm 1985, Dù kê được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) công nhận là loại hình sân khấu chuyên nghiệp tại Việt Nam và trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2014.
Sau 100 năm hình thành và phát triển, sân khấu Dù kê đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Để bảo tồn phát huy loại hình nghệ thuật đặc sắc này, lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu những đơn vị liên quan và các địa phương có di sản văn hóa cần phối hợp chặt chẽ với ngành VH-TT&DL và các nghệ nhân, cộng đồng tích cực thực hiện có hiệu quả các hoạt động bảo vệ sân khấu Dù kê, nhạc ngũ âm, múa Rom Vong của người Khmer và nghề làm bánh pía của người Hoa.
Đó là cách đưa các di sản văn hóa phi vật thể trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, tạo nên sức hấp dẫn của Sóc Trăng.
Tại buổi lễ, Bộ VH-TT&DL đã trao 3 bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cho tỉnh Sóc Trăng là nghề làm bánh pía của người Hoa, nghệ thuật trình diễn dân gian nhạc ngũ âm và múa Rom Vong của đồng bào Khmer.
Theo Hiệp hội Bánh pía - Lạp xưởng tỉnh Sóc Trăng, tỉnh này có trên 30 lò bánh pía. Làng nghề truyền thống này hình thành và phát triển tại Sóc Trăng khoảng 50 năm, bánh pía xuất khẩu đến thị trường của 14 nước.