Nghề làm bánh ú nước tro ở xã Phú Tâm

Tại xã Phú Tâm, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) có nhiều hộ dân làm nghề bánh ú nước tro. Việc giữ gìn nghề truyền thống này không chỉ giúp nhiều hộ gia đình ở đây có thêm nguồn thu nhập ổn định mà còn góp phần giữ gìn, phát huy nét văn hóa ẩm thực lâu đời của từ xưa truyền lại.

Bình quân mỗi ngày, hộ gia đình anh Trương Kiến Bình, ấp Phú Hữu, xã Phú Tâm, huyện Châu Thành gói bán ra thị trường khoảng 700 - 1.000 cái bánh ú nước tro. Năm nay, vào dịp tết Đoan ngọ, gia đình anh Bình bán tăng hơn nhiều lần so với ngày thường. Theo anh Bình, từ lâu bánh ú nước tro đã xuất hiện trên các mâm cúng ngày tết Đoan ngọ cũng như là món ăn quen thuộc của nhiều người trong dịp Tết này. Khách hàng tìm đến đặt mua ngoài địa phương còn có ở các huyện Kế Sách, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng), tỉnh Tây Ninh, Hậu Giang và Thành phố Hồ Chí Minh. Để làm ra chiếc bánh ú nước tro dai và thơm ngon, bánh giữ được 2 - 3 ngày thì phải sử dụng tro than đước, lấy nước trong đem ngâm nếp. Anh Bình chia sẻ bí quyết: “Nếp làm bánh ú nước tro là loại nếp sáp ngỗng (Long An), đem ngâm 3 ngày rồi vớt ra để ráo. Nguyên liệu làm bánh phải chuẩn bị như: lá, nếp, dây lát để buộc bánh và nhân đậu xanh. Tết Đoan ngọ, mồng 5 tháng 5 âm lịch này tôi làm khoảng 5.000 - 7.000 cái bánh cung cấp ra thị trường”.

Tại xã Phú Tâm, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) nhiều hộ làm bánh ú nước tro với số lượng lớn để cung cấp ra thị trường. Ảnh: DƯƠNG VÕ

Tại xã Phú Tâm, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) nhiều hộ làm bánh ú nước tro với số lượng lớn để cung cấp ra thị trường. Ảnh: DƯƠNG VÕ

Lá tre được gói bánh ú nước tro thường là tre tứ quý, do loại lá tre này có bảng bự dễ gói bánh và lá có màu xanh tươi khi gói bánh trông rất ngon. Để chiếc bánh ú nước tro ngon, bắt mắt thì trước khi gói bánh, lá tre đem về cắt, rửa sạch, ướp nước đá. Bánh khi gói xong được cho vào nồi nước sôi và nấu khoảng 2,5 - 3 tiếng, khi bánh chín vớt ra ngâm nước lạnh để cho bánh dễ tháo lá khi ăn.

Còn hộ chị Ngô Thị Hoa Nhi, ấp Phú Thành B, xã Phú Tâm cũng có khoảng 20 năm làm nghề gói bánh ú nước tro. Ngày thường, chị Nhi gói bánh ú nước tro bán khoảng 1.000 cái, bán sỉ ở thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng), Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh. Dịp tết Đoan ngọ vừa qua, chị đã bán khoảng 20.000 cái bánh. Chị Nhi cho biết: “Tôi làm bánh hơn 20 năm rồi, nghề này thấy vui vì giải quyết việc làm cho chị em phụ nữ địa phương. Ngoài bán bánh ú nước tro nhân ngọt, tôi có làm thêm bánh ú nhân mặn bán mỗi ngày. Ở đây có đầu tư thêm máy cụi đậu và cuộn đậu, từ lúc đầu tư máy móc đến giờ đỡ vất vả hơn”.

Nghề làm bánh ú nước tro ở xã Phú Tâm chẳng biết có từ bao giờ nhưng được trao truyền từ đời này tới đời khác, trở thành nét đặc trưng về ẩm thực của địa phương. Nhiều chị em rành cách gói bánh, mỗi ngày gói nhiều nhất khoảng 2.000 cái, cũng kiếm thu nhập khoảng 200.000 đồng/ngày. Chị Châu Ngọc Hạnh, ấp Phú Hữu, xã Phú Tâm chia sẻ: “6 giờ sáng, tôi đi gói bánh, đến khoảng 5 giờ chiều về. Mỗi ngày, tôi gói kiếm thu nhập khoảng 200.000 đồng. Nghề này thấy vui và lại nhàn nữa”.

Nghề làm bánh ú nước tro truyền thống không chỉ giúp nhiều hộ gia đình ở xã Phú Tâm có thêm nguồn thu nhập ổn định mà còn góp phần giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa ẩm thực lâu đời của ông bà xưa truyền lại cho thế hệ sau…Và nghề này còn tạo việc làm cho nhiều phụ nữ nông thôn với mức thu nhập ổn định từ việc gói bánh.

DƯƠNG VÕ

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/xa-hoi/nghe-lam-banh-u-nuoc-tro-o-xa-phu-tam-74064.html