Nghề làm đầu lân xứ Cố Đô

Theo nhịp 'tùng rinh', những chú lân đủ màu tạo nên khung cảnh rộn ràng mùa Trung Thu. Nghề làm đầu lân cũng vì thế mà phát triển không ngừng ở xứ Cố Đô, tạo việc làm và thu nhập không nhỏ cho nhiều người.

Những thăng trầm tồn vong

Là kinh đô cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam, mảnh đất Phú Xuân - Huế là nơi vẫn còn lưu giữ được gần như nguyên bản các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Trong đó, có những “di sản” đã góp phần làm nên diện mạo văn hóa Huế, in đậm trên các công trình kiến trúc, vật thể và trong đời sống tâm linh của con người cố đô như các làng nghề truyền thống Huế. Nghề làm đầu lân cũng như hàng chục nghề truyền thống khác đã tồn tại ở đất này mấy trăm năm qua, dẫu thăng trầm của thời gian có đôi lúc làm phai nhạt, nhưng vẫn được gìn giữ nhiều đời và bây giờ sống lại trong nhịp sống hối hả mới.

Đặc trưng của lân đất Cố Đô nằm ở đôi mắt và bộ râu; thể hiện sự uy quyền.

Đặc trưng của lân đất Cố Đô nằm ở đôi mắt và bộ râu; thể hiện sự uy quyền.

Những ngày cuối tháng 8 đầu tháng 9 dương lịch, khi khắp phố phường bắt đầu rộn ràng những tiếng trống lân, những nhóm lân tập luyện và đi biểu diễn lác đác thì cũng là lúc mà những người làm đầu lân tất bật nhất cho mùa bội thu. Dẫu chưa được công nhận là làng nghề truyền thống, nhưng nghề làm đầu lân ở xứ Huế cũng đã có tuổi đời mấy trăm năm. Có những gia đình “cha truyền con nối” và nghệ thuật làm đầu lân được nhiều gia đình ở Huế gìn giữ, duy trì qua nhiếu thế hệ. Với những người làm đầu lân, dường như họ không chỉ coi là công việc mưu sinh mà còn là nơi để gửi gắm những tình cảm, cảm xúc của mình vào những nguyên vật liệu vốn “vô tri vô giác” nhưng luôn mang lại thú vui cho cả trẻ con và người lớn khi mỗi mùa Trung thu về.

Có những cơ sở làm đầu lân nổi tiếng ở Huế như cơ sở Bảo Anh Đường trên đường Trần Hưng Đạo (TP Huế), cơ sở sản xuất đầu lân Thu Đông ở Phan Đăng Lưu, cơ sở sản xuất đầu lân Thu Lan tại Nguyễn Phúc Nguyên, cơ sở Quốc Khánh ở đường Lê Duẩn, Cơ sở sản xuất lân gia đình bà Trương Thị Kim Chi ở phường Phú Hòa, hay cơ sở của ông Trương Như Rem ở đường Trần Hưng Đạo... những xưởng làm đầu lân ấy cứ tất bật từ sáng đến nửa đêm, người thợ phải làm hết công suất để kịp phục vụ thị trường tết Trung thu đang đến thật gần.

Ông Trương Như Rem, chủ cơ sở làm đầu lân trên đường Trần Hưng Đạo chia sẻ, nghề làm đầu lân ở Huế cũng đã có tuổi đời hàng trăm năm. Để làm hoàn chỉnh một cái đầu lân mất khoảng một tuần và trải qua nhiều công đoạn. Đầu lân thường không có khuôn mẫu cụ thể, do đó quá trình làm phải tự mày mò, suy nghĩ làm sao để tạo ra những hình thù bắt mắt. Làm đầu lân cũng chính là thời điểm để người thợ thỏa sức sáng tạo trên những khuôn mẫu nhất định từ những nguyên liệu có sẵn như khung tre, giấy bồi, giấy màu, các loại vật liệu khác.

Nghề làm đầu lân ở Huế đã có từ lâu đời.

Nghề làm đầu lân ở Huế đã có từ lâu đời.

Những người thợ làm đầu Lân ở Huế cho biết, những chiếc đầu lân ở đây không chỉ nổi tiếng vì sự tỉ mỉ, tinh tế, mà còn bởi nhiều chi tiết sáng tạo và đẹp mắt. Nam Anh, một chàng trai trẻ cũng làm đầu lân hơn 5 năm cho biết, để làm ra được những đầu lân đẹp, hợp ý khách hàng cũng khá vất vả, qua nhiều công đoạn và đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận, tỉ mẩn của người làm; đến từng chi tiết vẽ hoa văn. Có như thế mới kết hợp hài hòa màu sắc giữa các bộ phận của chiếc đầu lân để thể hiện được sự dũng mãnh, uy vũ của lân.

Làm đầu lân có 2 cách, một là làm bằng khuôn xi măng rồi bồi giấy lên khuôn. Hai là làm bằng khung sườn được tạo hình bằng những thanh tre lồ ô và mây rừng. Sau khi hoàn thành công đoạn này, đầu lân được thợ dán lên một lớp vải, lớp giấy rồi đem phơi nắng. Tiếp đó là công đoạn vẽ, trang trí cho sản phẩm, từ râu và đuôi đầu lân được may bằng vải. Qua bàn tay của những nghệ nhân tài hoa, hình đầu lân xuất hiện với hình thái uy nghiêm mà sống động.

Những chiếc đầu lân uy nghiêm, oai vũ giương cao dũng mãnh trong lúc biểu diễn là sự miệt mài không mệt mỏi của các nghệ nhân làm đầu lân. Nhưng điều đặc biệt, và cũng là điểm nhấn của đầu lân xứ Huế là nét khác biệt nằm ở đôi mắt và bộ râu con lân. Những họa tiết trang trí ở đôi mắt con lân cùng với kỹ thuật công phu sẽ tạo nên sức sống động, với những chuyển động như thật và phát ra ánh sáng lộng lẫy, tạo nên sự thu hút với người xem. Để tạo được điểm nhấn là mắt của lân, điều này khá vất vả và qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Đảm nhận công đoạn này thường là thợ cả lành nghề mới có thể tạo ra đôi mắt lân đầy thần thái, có lúc uy nghi dũng mãnh, lại có lúc dịu dàng e ấp, khi thì ngây ngô, lúc lại giễu cợt khiến người xem ấn tượng.

Từ sức sống trăm năm

Hiện nay, biểu diễn múa lân hay nghệ thuật biểu diễn lân sư rồng ở Huế không chỉ diễn ra vào dịp Tết Trung Thu hay Tết Nguyên đán mà còn xuất hiện trong nhiều hoạt động văn hóa, xã hội của địa phương. Những năm gần đây, tỉnh Thừa Thiên Huế đã dành nhiều sự quan tâm với việc tổ chức các sự kiện như: Ngày hội lân Huế, lễ hội Quảng diễn lân sư rồng…

Làm một cái đầu lân mất khoảng một tuần và trải qua nhiều công đoạn.

Làm một cái đầu lân mất khoảng một tuần và trải qua nhiều công đoạn.

Cứ thế, những dịp Tết Trung thu hay Tết Nguyên đán, những lúc mừng khai trương hay các hội làng, từ những đường làng nhỏ đến mỗi tuyến phố lớn ở cố đô Huế, cũng như các đô thị khác, đâu đâu cũng rộn ràng tiếng trống và từng đoàn múa lân biểu diễn phục vụ du khách cùng người dân địa phương thưởng lãm. Các câu lạc bộ lân sư rồng trên địa bàn Thừa Thiên Huế cũng được duy trì và phát triển mạnh mẽ. Đây không chỉ là hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc phục vụ người dân và du khách mà còn nhằm góp phần duy trì, bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật múa dân gian đường phố của Việt Nam.

Nghệ thuật múa lân, biểu diễn lân sư rồng có đất dụng, qua đó cũng giúp những người gắn bó với nghề làm đầu lân ở Huế có được việc làm ổn định, tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình. Mấy năm trở lại đây, khi nhiều lễ hội được tổ chức hơn, nghề làm đầu lân dần tìm lại được chỗ đứng. Nhiều người làm đầu lân ở Huế phấn khởi vì sống được và sống tốt nhờ giữ được nghề và sáng tạo với nghề. Những kỹ năng và bí quyết nghề nghiệp tiếp tục được những người làm nghề lâu năm chuyển giao cho các thợ học việc. Đây cũng là một trong những yếu tố giúp cho nghề thủ công truyền thống tiếp tục được duy trì, phát triển, góp phần làm đa dạng ngành nghề và sản phẩm.

Ông Nguyễn Sinh Anh, chủ cơ sở sản xuất đầu lân Quốc Khánh cho biết: “Rất mừng là hiện nay có nhiều lễ hội được tổ chức, các hoạt động múa lân cũng diễn ra nhiều hơn nên nghề có cơ hội phát triển. Hiện tại, cơ sở của tôi cũng tạo công ăn việc làm cho nhiều người, nhiều người trẻ cũng mong muốn theo học nghề này!”.

Các sản phẩm có giá từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng, đáp ứng nhiều đối tượng khách hàng.

Các sản phẩm có giá từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng, đáp ứng nhiều đối tượng khách hàng.

Thương hiệu của đầu lân xứ Huế ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường cả nước. Không chỉ sản xuất và bán trên địa bàn, mà nhiều khu vực khác ở miền Trung, hay các tỉnh thành khác như Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Tây Nguyên cũng có nhiều khách hàng; đầu lân xứ Huế cũng đã xuất ngoại phục vụ bà con Việt kiều trong mỗi dịp lễ lớn. Để kịp nguồn hàng phục vụ nhu cầu của khách, các cơ sở phải bắt tay vào làm từ sau Tết Nguyên đán. Những ngày cận kề, nhiều cơ sở phải thuê thêm nhân công làm thời vụ. Với sự đa dạng trong nhu cầu, những cơ sở sản xuất đầu lân cũng đã tạo ra nhiều sản phẩm đầu lân tinh tế, đáp ứng thị hiếu của khách hàng.

Với sự sáng tạo và sức sống của nghề, những cơ sở làm đầu lân ở Huế đã xuất ra những lô hàng cho thị trường trong và ngoài tỉnh với mẫu mã, kích thước khác nhau. Thị trường lân đã đa dạng hơn với nhiều sắc màu từ xanh lá, xanh dương, cam, hồng cho đến tím. Có nhiều loại đầu lân có kích cỡ nhỏ dành cho thiếu nhi, đến cỡ trung bình và cỡ lớn. Giá thành của mỗi đầu lân cũng dao động từ vài chục ngàn, vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. Đối với những sản phẩm được khách đặt làm riêng, có yêu cầu cao, thì giá thành có thể lên đến vài chục triệu đồng. Có những cơ sở hàng năm sản xuất và tiêu thụ tới gần 3.000 đầu lân các loại, thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ngoài làm đầu lân, những phụ kiện đi kèm cũng được các cơ sở cung cấp như trống, chũm chọe, thanh la, bộ đồ ông địa, chú tễu, các loại trang phục múa lân...

Những ngày này, tiếng cười nói rộn ràng của những người thợ miệt mài bên những chiếc đầu lân khiến mọi người cảm nhận không khí Tết Trung thu đang đến gần. Với lịch sử hàng trăm năm, các làng nghề truyền thống xứ Huế chính là nơi hội tụ của dòng chảy văn hóa cung đình và văn hóa dân gian, là niềm tự hào của người dân cố đô. Với sự đa dạng và phong phú trong các làng nghề ở Thừa Thiên Huế, các giá trị văn hóa dân gian và văn hóa cung đình ở mảnh đất cố đô vừa có sự rạch ròi, vừa có sự giao thoa, kết hợp rất độc đáo. Đó là ẩm thực, là trang phục, là kiến trúc, là lễ nghi... Tất cả đều gói gọn lại và phản chiếu từ các nghề truyền thống vừa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, vừa hiện đại theo nhịp sống mới bây giờ.

Tiêu Dao - Bảo Anh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/nghe-lam-dau-lan-xu-co-do-i743171/