Nghề làm đẹp: Đừng học lỏm rồi... mở lớp
Chỉ cần vài năm, thậm chí vài tháng đi làm, một số người đã tự phong cho mình chức danh thầy, cô giáo và bắt đầu tuyển sinh, đào tạo nghề làm đẹp.

Sinh viên Trường Đại học Công nghệ TPHCM học thực hành, sử dụng các thiết bị hiện đại để phân tích tình trạng da. Ảnh: NTCC
Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở này không có giấy phép hoạt động.
Đào tạo nghề tự phát
Ngành làm đẹp đang trên đà phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo bạn trẻ lựa chọn theo đuổi như hướng đi nghề nghiệp hấp dẫn. Tuy nhiên, đi kèm với cơ hội rộng mở là không ít rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh chất lượng đào tạo hiện nay chưa được kiểm soát chặt chẽ. Một trong những vấn đề đáng lo ngại là sự nhầm lẫn phổ biến giữa đào tạo chính quy bài bản và hình thức học nghề “tay ngang” truyền miệng, thiếu hệ thống.
Trường hợp của N.H.V. (22 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) là minh chứng điển hình. Sau khi tốt nghiệp lớp 12, V. không theo học cao đẳng hay đại học mà lựa chọn học nghề tại tiệm spa của người thân ở quê. Tại đây, dù cung cấp nhiều dịch vụ làm đẹp như tiêm filler, lăn kim, phi kim…, nhưng quy trình thực hiện không đảm bảo các nguyên tắc an toàn cơ bản.
V. không được hướng dẫn về quy trình sát khuẩn, không phân biệt được các loại chất làm đầy, càng không có kiến thức để xử lý phản ứng sốc thuốc - những yếu tố tối quan trọng trong lĩnh vực làm đẹp có yếu tố xâm lấn. Ban đầu, V. vừa học vừa làm theo hướng dẫn của dì, thậm chí được dặn phải nói với khách mình đã học nghề bài bản.
“Sau khi chứng kiến những vụ tai biến thẩm mỹ do người không có chuyên môn gây ra, em cảm thấy áy náy vì đã nói dối khách hàng. Bản thân em không ý thức được đâu là giới hạn an toàn trong nghề. Chính vì vậy, em quyết định đăng ký học một khóa đào tạo dài hạn tại trường nghề”, V. chia sẻ.
Bàn về thực trạng này, ông Mai Hoàng Lộc - Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành (quận Gò Vấp, TPHCM) khẳng định: Lựa chọn một chương trình đào tạo bài bản và chuyên nghiệp là yếu tố then chốt để xây dựng sự nghiệp vững chắc và an toàn trong ngành làm đẹp - lĩnh vực đầy tiềm năng nhưng không ít thách thức.
Đào tạo ngắn hạn có thể trang bị cho người học kỹ thuật cơ bản, đủ để thực hiện một số công việc nhất định. Tuy nhiên, điểm yếu cốt lõi của hình thức này là thiếu nền tảng kiến thức chuyên môn, thời gian rèn luyện kỹ năng và ý thức nghề nghiệp chưa hình thành đầy đủ. Ngược lại, đào tạo dài hạn mang đến quá trình học tập có chiều sâu, nơi học viên không chỉ biết “cách làm”, mà còn hiểu rõ “tại sao phải làm như vậy”.
Ví dụ, với nghề tạo mẫu và chăm sóc sắc đẹp, khi tham gia đào tạo dài hạn, học viên được trang bị kiến thức về giải phẫu, sinh lý da, hóa mỹ phẩm, an toàn y tế, pháp luật ngành, kỹ năng giao tiếp và quản lý dịch vụ.
“Ngành nghề này tác động trực tiếp đến sức khỏe và niềm tin khách hàng, do đó, nếu thiếu nền tảng vững chắc và kinh nghiệm thực tiễn, rủi ro gây ra không chỉ là sai sót kỹ thuật, mà còn có thể dẫn đến hậu quả tâm lý và tổn hại uy tín nghề nghiệp khó khắc phục”, ông Lộc nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ThS Huỳnh Kim Phụng - giảng viên ngành Công nghệ Thẩm mỹ, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Ứng dụng, Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH), cho rằng, đào tạo dài hạn chính quy giúp xây dựng nền tảng kiến thức vững chắc và kỹ năng toàn diện, trong khi đào tạo ngắn hạn thường chỉ tập trung vào tay nghề tức thời.
Chương trình đào tạo ngành Thẩm mỹ chính quy cung cấp kiến thức từ khoa học nền tảng đến thực hành chuyên sâu. Sinh viên được học về sinh lý, hóa học, dinh dưỡng, da liễu thẩm mỹ và rèn luyện kỹ thuật chăm sóc sắc đẹp một cách hệ thống. Ngược lại, các khóa ngắn hạn tự phát thường đào tạo cấp tốc, thiên về mẹo vặt và kỹ năng thực hành cơ bản, thiếu chiều sâu về kiến thức chuyên môn cũng như kỹ năng quản lý và phát triển sự nghiệp lâu dài.

Sinh viên Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành được đào tạo từ lý thuyết đến thực hành. Ảnh: NTCC
Tránh quan niệm sai lầm
Theo ông Mai Hoàng Lộc, hiện nhiều người chỉ học nghề từ chủ tiệm spa rồi tự mở tiệm và tiếp tục đào tạo thế hệ kế tiếp. Đây là vòng lặp tiềm ẩn nhiều rủi ro, khi người học tiếp cận nghề theo kiểu truyền tay, thực hành theo thói quen và rồi truyền dạy lại những điều chưa chuẩn xác.
Theo ông Lộc, một chủ tiệm spa có thể có tay nghề tốt, nhưng điều đó không đồng nghĩa họ có đủ chuyên môn sư phạm, năng lực xây dựng chương trình đào tạo hay kiến thức pháp lý để giảng dạy một cách hệ thống. Khi dạy nghề chỉ dựa trên kinh nghiệm cá nhân, thiếu giáo trình chuẩn, không được kiểm định hay giám sát, quá trình đào tạo sẽ tiềm ẩn nguy cơ sai lệch và gây ra hệ lụy khó lường cho cả người hành nghề lẫn khách hàng.
Nhiều người quan niệm việc tiêm, chích các sản phẩm làm đẹp vào cơ thể đơn giản và không quá khó. Đây là suy nghĩ vô cùng nguy hiểm, vì chỉ một mũi tiêm sai vị trí có thể gây hoại tử da, mù mắt, thậm chí tử vong. Thẩm mỹ không chỉ là nghệ thuật làm đẹp bề ngoài, mà còn là khoa học liên quan đến cơ thể sống và sự cẩu thả trong nghề này có thể phải trả giá bằng cả tính mạng.
“Các bạn trẻ muốn theo nghề làm đẹp hãy chọn nghề không chỉ bởi thấy dễ kiếm tiền, mà phải thực sự yêu cái đẹp, mong muốn gìn giữ vẻ đẹp bằng chuyên môn thực sự. Hãy bắt đầu đúng cách, học bài bản, rèn luyện kỹ năng nghiêm túc và đừng “vượt rào” kiến thức nếu không muốn trả giá đắt. Nghề này có vẻ hào nhoáng bên ngoài nhưng đòi hỏi sự chính trực và khiêm tốn bên trong. Lời khuyên chân thành là đừng vội mở tiệm, hãy học nghề thật giỏi trước đã”, ông Lộc nhấn mạnh.
Trong khi đó, ThS Huỳnh Kim Phụng đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ đam mê ngành làm đẹp: Cần đầu tư nghiêm túc cho việc học, lựa chọn con đường đào tạo chính quy, bài bản thay vì theo đuổi các khóa học cấp tốc thiếu nền tảng.
Không thể phủ nhận ngành thẩm mỹ giàu tiềm năng, nhưng cơ hội chỉ thực sự rộng mở cho những ai được trang bị kiến thức vững vàng và kỹ năng chuyên nghiệp. Học bài bản không chỉ giúp nắm vững chuyên môn kỹ thuật, mà còn hiểu rõ về an toàn sức khỏe, tâm lý khách hàng và xu hướng thị trường, từ đó tạo sự tự tin và dễ dàng thăng tiến trong ngành.
ThS Phụng nhấn mạnh, những người non tay nghề mà đã mở lớp dạy người khác nên nhìn nhận rõ trách nhiệm của mình. “Đào tạo trong lĩnh vực làm đẹp đồng nghĩa chịu trách nhiệm trực tiếp với an toàn và tương lai nghề nghiệp của học viên, cũng như sắc đẹp, sức khỏe của khách hàng mà họ sẽ phục vụ.
Những người này nên ưu tiên trau dồi tay nghề và kiến thức của bản thân trước khi nghĩ đến việc mở lớp đào tạo, bởi làm đẹp là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, và người dạy nghề cần đặt yếu tố an toàn, đạo đức lên hàng đầu”, bà Phụng nói.
Ông Mai Hoàng Lộc - Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành nhận định: Sử dụng thuốc mà không có kiến thức y học, không hiểu rõ dược lý, không nắm được quy trình vô khuẩn hay kỹ năng xử trí phản ứng sốc, chẳng khác nào “canh bạc” đánh cược trên sức khỏe người khác. Nhiều ca biến chứng không được xử lý kịp thời chỉ vì người hành nghề thiếu kiến thức sơ cứu cơ bản và không có liên kết với cơ sở y tế, khiến khách hàng thậm chí không còn cơ hội để “hối hận” vì đã đặt niềm tin sai chỗ.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nghe-lam-dep-dung-hoc-lom-roi-mo-lop-post730527.html