Nghề làm lọp cá linh cồn Cóc

'Gần hết tháng 8 (âm lịch) mà nước vẫn chưa lên khỏi mé sông. Mùa nước nổi năm nay coi như mấy hộ dân trong làng nghề lọp cá linh lại bị thất thu' - đây là tâm sự của chú Nguyễn Văn Tòng (hay còn gọi là chú Út Tòng), khi được hỏi về tình hình hoạt động của nghề làm lọp cá linh ở cồn Cóc (ấp Phước Khánh, xã Phước Hưng, An Phú, An Giang).

Ký ức mùa nước nổi

Về cồn Cóc những ngày này, không còn nghe những thanh âm quen thuộc của tiếng cưa, cắt tre, tiếng trò chuyện rộn ràng như trước đây. Thay vào đó là bầu không khí bình yên, êm đềm của một vùng quê bên sông. Trong ký ức của chú Út Tòng, mùa làm lọp cá linh ở cồn Cóc bắt đầu từ giữa tháng 5 và kéo dài đến cuối tháng 8 (âm lịch).

“Thời điểm mùa nước nổi những năm trước, lọp cá linh làm không đủ cung cấp cho khách hàng. Do đó, chúng tôi phải làm cả ngày lẫn đêm mới đủ số lượng cung cấp cho khách hàng. Trung bình khoảng 2 tuần, bạn hàng sẽ đặt từ 1.000-1.500 cái lọp. Số lượng đặt nhiều và gấp nên tôi phải gom hàng của những hộ sản xuất khác mới đủ số lượng giao cho khách hàng” - chú Út Tòng chia sẻ.

Theo chú Út Tòng, lọp cá linh được tiêu thụ mạnh ở thị trường Campuchia, số ít tiêu thụ ở những địa phương khác như xã Phú Hữu (An Phú). Bình quân mỗi chiếc lọp có bán giá 45.000 đồng. Trung bình mỗi người có thu nhập từ 90.000-100.000 đồng/ngày. “Người dân ở khu vực cồn Cóc chủ yếu canh tác rau màu. Vào mùa lũ, bà con có thêm thu nhập thêm từ nghề làm lọp cá linh. Mỗi mùa nước nổi đi qua, các hộ gia đình trong tổ hợp tác đem về cho gia đình khoảng 15 triệu đồng” - chú Út Tòng nhớ lại.

Lọp cá linh không bán được phải treo trong nhà

Những lúc cao điểm, để đủ số lượng hàng giao cho khách, chú Út Tòng phải thuê những người ở lân cận phụ làm những công việc như: uốn vòng sườn, vót hom, đan vỉ, bện hom… mới chạy hàng. Đây là những công việc đơn giản mà người già cho đến trẻ em đều làm được. Trẻ em sau giờ học, ngồi vót hom cũng kiếm được 30.000 đồng/ngày. Còn những người trưởng thành làm công việc khó hơn như: bện hom, đan vỉ… thu nhập từ 80.000-90.000 đồng/ngày.

Mỗi chiếc lọp cá linh có đường kính 20cm, cao 30cm. Phía trên có miệng để đổ cá ra ngoài, phía dưới có hom để cá có thể chui vào nhưng chui ra không được. Còn 2 bên hông lọp có 2 thanh tre nhọn để cố định lọp không bị nước cuốn đi. Cũng nhờ làm lọp cá linh mà nhiều hộ gia đình đã có được nguồn thu nhập khá trong những lúc nông nhàn.

Tìm kế sinh nhai mới

Từ năm 2012 đến nay, lũ về nhưng mực nước lên không cao làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và thu nhập của nhiều bà con làm nghề lọp cá linh ở cồn Cóc, nhiều gia đình “khăn gói ” lên Bình Dương, Đồng Nai hay TP. Hồ Chí Minh để tìm kế sinh nhai. Từ khoảng 80 hộ sản xuất lúc còn hưng thịnh, hiện nay, số hộ làm nghề lọp cá linh chỉ có thể đếm “trên đầu ngón tay”. Nhiều hộ “đánh cược” với con nước, làm sẵn các sản phẩm “chờ” nước lên để bán cho khách hàng, tuy nhiên cho đến giờ vẫn chưa tìm được “đầu ra” của sản phẩm.

Anh Nguyễn Minh Ngà (sinh năm 1981, một trong những hộ làm lọp cá linh ở khu vực cồn Cóc) cho biết, mỗi năm, vào mùa khô, gia đình anh trồng các loại rau màu như: bắp, ớt... để tạo thêm nguồn thu cho gia đình. Năm nào nước “tràn đồng”, phần đất ruộng không canh tác được, anh Ngà đặt lọp cá linh để kiếm “đồng ra, đồng vào” nhằm trang trải chi phí sinh hoạt gia đình hàng ngày và nuôi 2 người con đang ở tuổi ăn học.

Năm 2018, nước lên cao anh Ngà làm khoảng 50 cái lọp để đặt quanh nhà. Mỗi lần thăm có thể kiếm được khoảng 20kg cá, có ngày không đúng luồng chỉ được khoảng 10kg cá. Thu hoạch cá xong đem về nhà rọng lại, hôm sau đem ra chợ bán. Đầu mùa lũ, giá cá linh bán tại chợ từ 60.000-120.000 đồng/kg. Năm nay lũ cạn, gần cuối mùa nước nổi mà nước chỉ mấp mé bờ sông. Phần diện tích đất ruộng những năm trước bị nước ngập trắng xóa giờ được anh Ngà tận dụng để canh tác bắp. Theo anh Ngà, việc làm rẫy so với đánh bắt cá linh cho thu nhập khá hơn và ổn định hơn, lại không gặp nhiều nguy hiểm.

Nhiều nghề sản xuất ngư cụ có thể “kiếm ăn được” khi mùa lũ không về, nhưng đối với nghề làm lọp cá linh thì ngược lại. Tuy nhiên, người dân ở đây đã quen “sống chung với lũ” nên khi nước lũ không về, bà con vẫn còn những công việc khác để mưu sinh.

ĐỨC TOÀN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nghe-lam-lop-ca-linh-con-coc-a286686.html