Nghề lặt lá mai vào mùa
Hiện nay, các nhà vườn trồng mai ở tỉnh Long An tất bật lặt lá để bảo đảm hoa mai nở đúng dịp tết. Đây cũng là khoảng thời gian nhiều lao động thời vụ có cơ hội kiếm thêm thu nhập mua sắm tết.
Để có những cành mai vàng rực rỡ, khoe sắc trong những ngày Tết Nguyên đán, công đoạn lặt lá mai rất quan trọng, vừa phải tỉ mỉ, vừa phải chọn đúng thời điểm.
Anh Trần Minh Huy (SN 1970, ngụ huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) gắn bó với nghề lặt lá mai hơn 10 năm, nói: “Ngày xưa, nhà tôi trồng nhiều cây mai, từ đó tôi học được không ít kinh nghiệm. Mọi người trong vùng biết nên mỗi dịp tết lại kêu tôi lặt lá, uốn cành. Dần dần, nghề này trở thành công việc quen thuộc vào mỗi dịp tết của tôi”.
Chị Nguyễn Thị Lan (SN 1969, ngụ TP.Tân An) chia sẻ: "Năm nào cũng thế, cứ độ ngày 12 tháng Chạp, tôi sẽ bắt đầu lặt lá mai thuê cho các hộ ở đây với thu nhập khoảng 200.000 đồng/ngày, lặt đến khoảng 17-18 tháng Chạp sẽ xong".
Lặt lá mai tưởng như công việc dễ dàng nhưng thực tế lại đòi hỏi kỹ thuật và sự kiên nhẫn.
Chị Võ Thị Tư (huyện Châu Thành) cho biết: “Lặt lá mai không đơn giản. Mỗi cành, mỗi lá đều phải được xử lý tỉ mỉ. Chỉ cần một va chạm mạnh cũng có thể làm gãy cành, rụng nụ”. Để lặt những tán lá trên cao, chị phải kê ghế, bắc thang, làm việc cẩn thận từng chút, vừa lặt lá mai, vừa quan sát thật kỹ.
Chị Trần Thị Chín - chủ vườn mai ở xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, chia sẻ: “Vào khoảng ngày 12 tháng Chạp hàng năm, tôi thuê nhân công đến giúp lặt lá mai vì chỉ có vợ chồng tôi làm không xuể. Hơn nữa, tôi cũng muốn tạo thêm việc làm cho người dân địa phương để có thu nhập trong những ngày cuối năm”.
Đối với những người gắn bó với lặt lá mai, công việc này không chỉ là nghề mưu sinh mang lại thu nhập trong dịp tết mà còn góp phần mang đến sắc xuân cho nhiều gia đình./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nghe-lat-la-mai-vao-mua-a188799.html