Nghề mới ở Trung Quốc: Giao hàng hộ shipper
Dịch vụ giao hàng hộ bắt đầu bùng nổ giúp các shipper giải quyết các vấn đề như thời gian chờ đợi quá lâu hay địa điểm giao hàng quá khó tìm.
Cứ đến giờ ăn trưa, dưới tầng trệt của tòa nhà SEG Plaza thuộc khu Hoa Cường Bắc, thành phố Thâm Quyến lại có hàng chục người phụ nữ đứng chờ để nhận hàng từ các "shipper" (người giao hàng) và chuyển đến cho khách hàng. Những người này được gọi với biệt danh là "dì giao hộ" hoặc "dì giao chặng cuối".
Sau khi đưa hàng đến địa điểm dự kiến, các shipper sẽ quét mã QR của dì giao hộ và trả cho họ một mức phí là 2 nhân dân tệ (gần 7 nghìn đồng). Những người giao hộ sẽ tích đủ số đơn hàng và nhanh chóng bước vào tòa nhà giao cho các khách hàng đang chờ đợi.
Người làm dịch vụ giao hàng chặng cuối gần đây đã trở thành một hiện tượng mới tại các khu trung tâm thương mại ở Thâm Quyến. Hầu hết họ là những người làm việc bán thời gian và trong lúc rảnh rỗi sẽ đến SEG Plaza để kiếm thêm thu nhập với công việc giao hàng hộ.
Như Huang Xiumei quê gốc Hồ Nam, hiện đang làm nhân viên dọn dẹp ở Thâm Quyến. Bà cho biết các shipper tìm người giao hàng hộ vì thời gian chờ thang máy trong các trung tâm thương mại thường rất lâu, họ cũng gặp khó khăn trong việc tìm đến tận điểm giao hàng.
SEG Plaza là tòa nhà chọc trời cao 71 tầng ở khu Hoa Cường Bắc với hơn 3.000 căn hộ với cách bố trí phức tạp. Trong giờ ăn trưa đông người, thời gian chờ thang máy ít nhất là năm phút, phải mất ít nhất 15 phút để đi từ tầng cao nhất xuống đến tầng trệt của tòa nhà, bao gồm cả việc dừng ở mỗi tầng để người khác vào và ra thang máy.
Vì đã quá quen với cấu trúc tòa nhà, cô Huang có thể nhanh chóng giao 20 đơn hàng trong vòng 30 phút.
Dù là một lĩnh vực mới nhưng công việc giao hàng hộ cũng ngày càng trở nên cạnh tranh hơn. Cô Huang cho biết, vì công việc này không cần bằng cấp nên bất kỳ ai cũng có thể đến đây kiếm tiền. Năm 2023, có đến 50 - 60 người đến khu vực này cùng một lúc để nhận giao hàng hộ, thậm chí có cả người trẻ tuổi.
Số lượng cung nhiều hơn cầu khiến thu nhập của cô Huang bị ảnh hưởng đáng kể trong năm qua. Cô chia sẻ mình chỉ có thể nhận tối đa 30 đơn hàng vào mỗi giờ ăn trưa, tương đương khoảng 1.000 - 2.000 nhân dân tệ (khoảng 3,5 - 7 triệu đồng) mỗi tháng.
Mặc dù chỉ kiếm được khoảng 4 - 7 nhân dân tệ (khoảng 14 - 25 nghìn đồng) mỗi đơn hàng, hầu hết những shipper hoạt động ở khu vực các tòa nhà văn phòng tại Thâm Quyến cho biết họ đành phải lựa chọn chia sẻ thu nhập của bản thân với những người giao hàng hộ, bởi nếu hàng được giao chậm thì lương của họ cũng sẽ giảm hoặc bị đánh giá không tốt. Và việc chờ thang máy ở các tòa cao ốc như SEG Plaza quá tốn thời gian, có thể mất đến 20 phút để giao một đơn hàng.
Tuy nhiên, việc nhờ người giao hàng hộ đôi lúc sẽ gặp vướng mắc về vấn đề trách nhiệm. Có những trường hợp "dì giao hộ" giao hàng sai hoặc bị chậm trễ thì các tài xế phải chịu trách nhiệm và họ phải bồi thường cho khách hàng.
Li Xianliang, luật sư tại công ty luật Hebei Shidai Jingdian, đã chỉ ra rằng về cơ bản, những người giao hàng hộ này không khác một "trạm trung chuyển". Điểm khác biệt duy nhất là họ có thể di chuyển và không có giấy phép hoạt động.
Ông nói thêm, nếu không nhận được sự chấp thuận của khách hàng, các shipper thực tế đang vi phạm thỏa thuận giao hàng khi chuyển đơn đặt hàng của khách cho người giao hàng hộ. Nếu đơn hàng bị mất, người bán, nền tảng và đặc biệt là shipper chính đều phải chịu trách nhiệm.