Nghề nguy hiểm với các nữ bác sĩ ở Ấn Độ

Chính quyền bang Tây Bengal, Ấn Độ 5 năm trước đã cam kết sẽ trấn áp tình trạng bạo lực đối với bác sĩ. Nhưng không có biện pháp nào được thực hiện tính đến thời điểm một nữ bác sĩ trẻ ở thủ phủ Kolkata bị tấn công và thiệt mạng vào ngày 9-8 gây ra sự phẫn nộ trên khắp nước này.

Mọi người tham gia buổi cầu nguyện bên ngoài khuôn viên trường Đại học Jadavpur sau vụ bác sĩ thực tập bị sát hại tại bệnh viện ở Kolkata, Ấn Độ

Mọi người tham gia buổi cầu nguyện bên ngoài khuôn viên trường Đại học Jadavpur sau vụ bác sĩ thực tập bị sát hại tại bệnh viện ở Kolkata, Ấn Độ

Theo thông báo của Sở Y tế tiểu bang Tây Bengal ngày 17-6-2019, chính quyền hứa sẽ cung cấp cho các bệnh viện công thiết bị an ninh tốt hơn, hỗ trợ bảo vệ các bác sĩ nữ và kiểm soát các điểm ra - vào. Quyết định được đưa ra khi 2 bác sĩ tại một bệnh viện công bị người thân của bệnh nhân tấn công. Nhưng cho tới nay, tại trường Cao đẳng Y khoa và Bệnh viện R.G. Kar, nơi xảy ra sự việc chấn động mới nhất, chỉ có 2 nam bảo vệ và một vài camera an ninh không thể bao quát toàn bộ khuôn viên rộng lớn.

Hôm 9-8, nữ bác sĩ người Kolkata 31 tuổi, được đồng nghiệp tìm thấy trong tình trạng bán khỏa thân, cơ thể bị bầm dập. Cô dự định kết hôn với một bác sĩ cùng học vào cuối năm nay và chưa từng phàn nàn về các vấn đề an toàn tại nơi làm việc. Nơi bác sĩ trẻ nghỉ ngơi trong ca làm việc kéo dài 36 giờ rồi bị tấn công này là một phòng không có khóa. “Nếu những biện pháp đó được thực hiện, sự cố này có thể không bao giờ xảy ra”, Tiến sĩ Riya Bera, một thực tập sinh sau đại học tại R.G. Kar, nói về cái chết của đồng nghiệp.

Khi được hỏi về những cam kết đưa ra năm 2019, Bộ trưởng Y tế Tây Bengal N S Nigam cho biết, đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn quá trình cải thiện trong hai năm nhưng nhiều việc đã được thực hiện kể từ năm 2021, bao gồm tăng cường phạm vi phủ sóng của camera và thuê an ninh tư nhân tại các bệnh viện. “Chúng tôi cam kết thực hiện công việc còn lại và lấp đầy những khoảng trống xuất hiện sau sự cố ở bệnh viện R.G. Kar”, ông cho biết. Vào ngày 28-8, lãnh đạo hàng đầu của bang Tây Bengal cũng tuyên bố chi 12 triệu USD cho việc cải thiện các cơ sở y tế về thiết bị chiếu sáng, không gian nghỉ ngơi và an ninh cho nhân viên nữ.

Nhiều bác sĩ nữ tại các bệnh viện công ở Ấn Độ họ phải làm việc trong môi trường kém, phải ngủ trên băng ghế trong hành lang thiếu ánh sáng do không có chỗ nghỉ riêng, chưa kể luôn bị người nhà bệnh nhân hăm dọa. Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Ấn Độ (IMA) RV Asokan nói với Reuters rằng, mặc dù vụ việc hôm 9-8 có vẻ là vụ tấn công hy hữu nhưng “thực tế là bất kỳ ai cũng có thể thấy sự dễ bị tổn thương của những nơi này và điều này xảy ra khi ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào ngành y”.

Khoảng 60% bác sĩ ở Ấn Độ là nữ và 3/4 trong số họ từng là nạn nhân của những lời lăng mạ, tấn công và các hành vi quấy rối khác trong khi làm việc. Vụ tấn công bác sĩ ở Kolkata gợi lại ký ức về vụ hiếp dâm tập thể năm 2012 đối với một bác sĩ vật lý trị liệu trên xe buýt ở Delhi, khiến người dân Ấn Độ phẫn nộ và xuống đường biểu tình trong nhiều ngày. Ấn Độ đã ban hành luật nghiêm khắc hơn sau vụ đó nhưng tình hình vẫn ảm đạm. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, gần 450.000 tội ác chống lại phụ nữ đã được báo cáo vào năm 2022 - tăng 4% so với năm 2021. Hơn 7% các hành vi tội phạm bị cáo buộc có liên quan đến hiếp dâm.

Một số chuyên gia cho rằng, nguyên nhân là do sự yếu kém trong công tác điều tra của cảnh sát và các vấn đề văn hóa rộng hơn. “Điều rất đáng lo ngại là nạn nhân bị tấn công ngay ở nơi làm việc. Thật không ổn với một xã hội khi mà hành vi như vậy lại quá phổ biến”, luật sư và nhà hoạt động vì quyền Vrinda Grover nói.

Tòa án Tối cao Ấn Độ trong phán quyết ngày 20-8 ra lệnh thành lập một lực lượng đặc nhiệm chịu trách nhiệm về an toàn của nhân viên y tế. Còn Tiến sĩ Gauri Seth, một thực tập sinh sau đại học tại Cao đẳng Y khoa Kolkata tiết lộ, sau vụ việc ngày 9-8, mỗi khi đi làm cô lại mang theo bình xịt hơi cay hoặc dao mổ để tự vệ.

Theo Reuters

Yên Vũ

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nghe-nguy-hiem-voi-cac-nu-bac-si-o-an-do-post588319.antd