Nghệ nhân đam mê với những làn điệu hát đúm

Yêu hát đúm từ khi còn rất nhỏ, lớn lên bà còn được liền anh, liền chị và đặc biệt là người bà yêu quý của mình truyền dạy hát đúm. Những câu hát, làn điệu cứ ngấm dần vào máu, trong trái tim của bà. Để rồi lúc về già, nghệ nhân Vũ Thị Bấc, ở khu 2, phường Phong Cốc, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh càng thấm thía, càng mến yêu hơn nghệ thuật truyền thống của cha ông mình để lại.

Bà Vũ Thị Bấc cùng bạn hát biểu diễn nghệ thuật hát đúm. Ảnh: Long Vũ

Bà Vũ Thị Bấc cùng bạn hát biểu diễn nghệ thuật hát đúm. Ảnh: Long Vũ

Những ngày tháng 9, thời khắc giao mùa, chúng tôi có dịp về thăm làng đảo Hà Nam, nằm ven con sông Bạch Đằng, thị xã Quảng Yên. Đây được xem là nơi phát tích của những câu hát đúm cổ vùng đồng bằng ven biển. Chúng tôi tìm gặp nghệ nhân Vũ Thị Bấc – người được coi là “linh hồn” của những câu hát đúm ở vùng đảo nhỏ này. Mặc dù ở tuổi “thất thập cổ lai hi”, nhưng bà Bấc vẫn rất minh mẫn và nhanh nhẹn. Thấy có khách đến chơi, bà liền đon đả mời chào. Ngồi bên chén trà nóng, bà Bấc tâm sự: “Tôi được sinh ra trong gia đình có truyền thống hát đúm nên ngay từ ngày còn nhỏ, thông qua lời ru, tiếng hát của bà, của mẹ đã hun đúc cho tôi tình yêu hát đúm. Lên 4 tuổi, tôi bắt đầu tập hát những làn điệu hát đúm cổ bên canh hát thâu đêm của bà, của mẹ. Khi lên 7 tuổi, tôi đã thuộc nhiều bài hát đúm và được mang ra làm gương cho bạn cùng trang lứa trong làng học tập”.

Bà Bấc kể, khuôn mặt ánh lên niềm tự hào: "Ngày đó, bà ngoại tôi có dạy một số người trong làng về hát đúm, trong đó, có một số bạn của tôi cũng được bà truyền dạy. Bấy giờ, bạn của tôi có nhiều người mải đùa vui nên quên mất lời hát. Bà tôi mắng họ và đem tôi ra làm gương. Hôm sau có người bảo tôi là: "Cậu nhớ dai vừa thôi chứ nhớ quá làm chúng tớ bị mắng. Mặc dù nhỏ tuổi nhất trong nhóm học, nhưng vốn là gia đình có truyền thống, bà ngoại dạy câu nào là tôi thuộc câu đó. Những câu khó nhất bà cũng chỉ học trong vòng 3 buổi tối". Lên 9 tuổi, bà Bấc đã thuộc, hát rành mạch hơn 20 làn điệu hát đúm cổ. Năm 18 tuổi, bà Bấc xây dựng gia đình. Những năm tháng đó, bà vẫn chú tâm ôn luyện những làn điệu, các bài hát đúm để đỡ quên.

Nhận thấy, những làn điệu cổ của quê hương dần mai một đi, bà Bấc cùng các bà, các cụ trong làng thành lập Câu lạc bộ hát đúm, với mong muốn bảo tồn, phát triển nghệ thuật hát đúm của cha ông. Thời gian đó, bà Bấc rất nhiệt tình tham gia các hoạt động của Câu lạc bộ hát đúm Hà Nam. Ngoài việc hát những câu hát đúm cổ trong các buổi tập, sinh hoạt hay trong các lễ hội; bà Bấc còn sưu tầm, truyền dạy cho những lớp trẻ ở làng những câu hát đúm cổ. Dù nay tuổi cao nhưng bà Bấc vẫn giữ được chất giọng kim và thổ là hai chất giọng đặc biệt quan trọng của những câu hát đúm. Bà Bấc cho biết thêm: “Hát đúm là một nghệ thuật có từ xa xưa. Hiện nay, những làn điệu hát đúm không còn mấy người hát. Hát đúm từ xưa, đến nay vẫn không có nhạc cụ. Chỉ cần có nam, có nữ hát là được. Những câu hát đúm trầm bổng tha thiết, dặt dìu. Tôi mong sao, những lớp học sinh của tôi và những thế hệ sau này, sẽ mãi mãi được bảo tồn và dành tình yêu cho nghệ thuật hát đúm cổ này”.

Bà Phạm Thanh Quyết, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát đúm Quảng Yên cho biết: Hát đúm là một loại hình nghệ thuật hát cổ của cha ông, nó có rất nhiều thể loại như hát nông nghiệp, hát cưới, hát chào, hát đi lính, hát chài lưới... Mỗi thể loại hát đều cần có chất giọng tốt, người hát chú ý nhấn nhá và quan trọng nhất là cách đối ứng trong khi hát. Đặc biệt, hát đúm là phải có nam và có nữ. Bởi lẽ, khi người nam hát, thì trong đầu của người nữ phải ứng biến sao cho câu hát của người nam hát với câu hát của người nữ phải ăn khớp với nhau và đối ứng đúng nhịp và đúng vần. Như vậy mới là hát. Nhiều năm nay, bà Bấc là một hội viên rất nhiệt tình trong Câu lạc bộ của chúng tôi. Bà thường xuyên hát với người bạn hát là cụ Ngô Đăng Nhuận trong các ngày hội làng, lễ hội mùa Xuân, hay gặp mặt...

Nhận định về hát đúm, ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Văn học dân gian Quảng Ninh cho biết: Hát đúm là một hình thức nghệ thuật cổ của người Việt, lối hát này gần giống với lối hát ví của dân ca miền Trung. Nhưng mỗi làn điệu được biến tấu và cách tân thành những làn điệu mới mẻ và mang đậm chất hát đối của đại đa số những người dân vùng đồng bằng Bắc bộ. Nhiều năm qua, ở Quảng Yên đã gìn giữ và bảo tồn phát triển loại hình nghệ thuật này rất tốt, đặc biệt là nghệ nhân Vũ Thị Bấc.

Với những đóng góp trong việc bảo tồn di sản, nghệ thuật hát đúm, tháng 12-2017, bà Bấc được phong tặng Nghệ nhân dân gian Việt Nam. Danh hiệu đầy vinh dự này chính là động lực giúp bà Bấc không ngừng nỗ lực, nêu cao trách nhiệm của mình trong việc truyền dạy nghệ thuật hát đúm cho thế hệ trẻ hôm nay.

Long Vũ

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nghe-nhan-dam-me-voi-nhung-lan-dieu-hat-dum/