Nghệ nhân Lâm Quy - Người góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer

Suốt gần 30 năm qua, với đôi bàn tay điêu khắc khéo léo của mình, nghệ nhân Lâm Quy, phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đã 'thổi hồn' làm đẹp những công trình kiến trúc trong ngôi chùa Khmer, góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer Nam Bộ.

Chùa Chrôi Tưm Chắs, phường 10 (thành phố Sóc Trăng) đang được đầu tư xây dựng các công trình kiến trúc, hạng mục ngôi chánh điện mới. Đang chăm chút đường nét điêu khắc hoa văn con rồng, nghệ nhân Lâm Quy tâm sự: “Để có tác phẩm hoa văn đẹp, nghệ nhân khắc họa thật có “hồn” rồi bắt đầu đổ khuôn. Những sản phẩm đó mới có chất lượng và đẹp mắt. Muốn làm được điều đó, người thợ phải có “máu” đam mê và đòi hỏi am hiểu về các loại hoa văn…”.

Sinh ra trong gia đình nông dân Khmer, ngụ khóm Biển Trên A, phường Vĩnh Phước (thị xã Vĩnh Châu), anh Lâm Quy có thời gian theo phụ việc cho nghệ nhân Huỳnh Reng. Thấy anh có năng khiếu và đam mê với nghề điêu khắc, nghệ nhân Reng đã nhận anh làm học trò và truyền dạy nghề điêu khắc từ cơ bản đến nâng cao chủ yếu bằng xi măng. Nhờ chăm chỉ, siêng năng với năng khiếu bẩm sinh, tay nghề điêu khắc và hội họa của anh Lâm Quy đã có bước tiến bộ.

Nghệ nhân Lâm Quy "thổi hồn" làm đẹp công trình kiến trúc. Ảnh: PON LƯ

Nghệ nhân Lâm Quy "thổi hồn" làm đẹp công trình kiến trúc. Ảnh: PON LƯ

Từ năm 1998, anh Lâm Quy cùng với người thầy của mình được nhiều người biết đến và nhận được lời mời từ sư sãi, ban quản trị các chùa, như: Serey Kandal, Đơm Thnôt, Đôn Tru, Ta Sêk, Pro Lean… của thị xã Vĩnh Châu và một số chùa của tỉnh Bạc Liêu. Hiện nghệ nhân Lâm Quy đang điêu khắc hoa văn ngôi chánh điện mới tại chùa Chrôi Tưm Chắs, phường 10, thành phố Sóc Trăng. Những tác phẩm điêu khắc hình tượng, như: rồng, chim thần Krud, Key-nor, chằn… và hoa văn luôn mang đậm dấu ấn bản sắc văn hóa Khmer Nam Bộ.

Khi hỏi về hoa văn kiến trúc, nghệ nhân Lâm Quy chia sẻ: “Đối với người Khmer, điêu khắc là một nghệ thuật truyền thống gắn liền với các kiến trúc làm tăng thêm giá trị thẩm mỹ, ý nghĩa của công trình trong ngôi chùa. Chính vì vậy, nhiều ngôi chùa Khmer được các nghệ nhân chăm chút khắc họa độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc. Có nhiều loại hoa văn chạm chìm, chạm nổi bằng gỗ hay bằng đá, loại đổ khuôn bằng xi măng hay đắp khắc trực tiếp… Nói chung, nghệ nhân Khmer thường vận dụng tất cả mọi phương tiện, chất liệu để trang trí ngôi chùa làm sao cho thêm đẹp, thêm lộng lẫy”.

Nghệ nhân Lâm Quy không chỉ khắc họa hoa văn trong chùa, mà còn tiếp nhận làm “trọn gói” ngôi tháp theo nhu cầu của các gia đình. Hiện nghệ nhân cũng đào tạo được cậu con trai theo “nghiệp” điêu khắc. Nghệ nhân Lâm Quy vui vẻ cho biết: “Thấy con trai khắc được những hoa văn, tôi cũng rất mừng”.

Thượng tọa Lý Đen - Trụ trì chùa Chrôi Tưm Chắs nhận xét: “Dù chỉ chất liệu bằng xi măng, nhưng qua đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân Lâm Quy đã khắc lên những hoa văn thật sống động. Nhà báo thấy đó, những hoa văn ngọn tháp cao chót vót của ngôi chánh điện mới là do nghệ nhân Lâm Quy đảm nhận. Tác phẩm của nghệ nhân, không chỉ sư trong chùa mà bà con phật tử cũng đánh giá cao về tài năng nghệ thuật. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer”.

Việc các nghệ nhân khắc họa, trang trí các công trình kiến trúc cho ngôi chùa Nam tông Khmer đã góp phần tô điểm những giá trị văn hóa, giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc.

PON LƯ

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/hoa-no-bon-mua/nghe-nhan-lam-quy-nguoi-gop-phan-bao-ton-va-phat-huy-ban-sac-van-hoa-dan-toc-khmer-58332.html