Nghệ nhân nặng lòng với văn hóa Tày Nùng
Mặc dù tuổi đã cao nhưng Nghệ nhân Hoàng Hóa vẫn miệt mài đóng góp vào việc gìn giữ và phát huy vốn văn hóa cổ của ông cha để lại.
Nghệ nhân Hoàng Hóa là người đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân. Ông đã có hàng chục công trình nghiên cứu và hàng trăm bài viết về văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng. Mặc dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn miệt mài đóng góp vào việc gìn giữ và phát huy vốn văn hóa cổ của ông cha để lại.
Ngôi nhà nhỏ của nghệ nhân Hoàng Hóa nằm trong một con ngõ nhỏ tại thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn. Ông đang bộn bề với ngổn ngang tài liệu, bản thảo nghiên cứu về gốc tích ngôi đền Slấn Slảnh, nơi khởi phát của lễ hội Lồng Tồng truyền thống Phủ Thông. Ở cái tuổi 89 nhưng ông vẫn còn minh mẫn và nhanh nhẹn. Là người con dân tộc Tày, sinh ra giữa núi rừng Việt Bắc, dường như tình yêu của ông với văn hóa Tày Nùng chưa bao giờ vơi cạn.
"Văn hóa Dân tộc Tày Nùng có rất nhiều điều đặc biệt, vừa phong phú vừa đa dạng. Tiếp xúc với nền văn hóa 2 dân tộc Tày Nùng, dịch tài liệu về tế lễ của ông Tào tôi thấy vô cùng thú vị và cần phải giới thiệu cho cộng đồng. Hát Then cũng rất hay và độc đáo nên tôi sẽ giới thiệu cội nguồn của mình, dân tộc mình cho các dân tộc khác biết", Nghệ nhân Nhân dân Hoàng Hóa chia sẻ.
Nghệ nhân nhân dân Hoàng Hóa bắt đầu công tác sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian Tày Nùng từ khoảng 60 năm trước, khi đó ông còn đang là cán bộ phụ trách Đoàn văn công Bắc Kạn. Càng đi sâu trong dân gian sưu tầm, phục dựng tiết mục cho đoàn, kiến thức về các điệu hát then, sli, lượn, những bài múa, nghi lễ truyền thống của người Tày- Nùng càng dày hơn trong ông.
Đến nay, ông đã có tới vài chục công trình sưu tầm, nghiên cứu, biên dịch về văn hóa, nghi lễ, các điệu hát của người Tày Nùng. Có thể kể đến như Tác phẩm Dân ca tục ngữ Tày Nùng trong lĩnh vực tình yêu, Then Tày bắc Bạch Thông, Những nghĩa lễ vòng đời của dân tộc Tày Bắc Kạn, Thơ đám cưới nét đẹp trong văn hóa nghi lễ hôn nhân, Một số lệ tục và lễ thức trong đám tang dân tộc Tày –Nùng, Đôi chương Pụt Doòng Chợ Đồn, nghiên cứu về Lễ kỳ yên bảo phúc….Hiện các tác phẩm này đã được bảo tàng tỉnh Bắc Kạn tiếp nhận như một nguồn dữ liệu quý về văn hóa dân tộc tại địa phương.
Ông còn sáng tác nhiều tác phẩm kịch, thơ bằng tiếng Tày, trong đó một số kịch bản đã đoạt giải vàng tại Liên hoan truyền hình toàn quốc. Những công trình, tác phẩm của ông đều được ông tự nguyện bỏ công sức từ đồng lương hưu ít ỏi của mình. Công trình nghiên cứu về thơ đám cưới, hay còn gọi là thơ lẩu hoàn thành từ khoảng năm 90 của Thế kỷ trước, được ông tìm tòi, góp nhặt trong suốt 2 năm.
Ông đã phải đến từng đám cưới, gặp từng ông Quan làng, bà Pá Mè để ghi từng vần thơ, điệu hát. Đến bây giờ, ông vẫn coi đó là tác phẩm ưng ý nhất của mình…. Sau khi hoàn thành tác phẩm về ngôi đền Slấn Slảnh, ông sẽ tiếp tục phục dựng lại Thơ Lẩu của người Tày và nghiên cứu về điệu hát Sli của đồng bào Nùng vùng Xuân Dương, huyện Na Rì.
"Sáng tác tác phẩm là cuộc sống của tôi nên không thể thiếu được. Bây giờ văn hóa dân tộc có nhiều cái có thể đã mai một, nếu không bảo tồn không được thì cũng đừng để nó mất mát, phôi phai đi nên khi nào còn sức lực sẽ vẫn cố gắng làm", Nghệ nhân Hoàng Hóa tâm sự.
Nhà thơ Dương Khâu Luông, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Kạn cho rằng, những nghiên cứu của Nghệ nhân Nhân dân Hoàng Hóa có giá trị to lớn, đóng góp vào kho tàng quý giá về văn hóa dân tộc Tày – Nùng trong khu vực.
"Hiện nay, truyền thống văn hóa bản sắc văn hóa dân tộc Tày - Nùng mai một đi rất rõ, nên việc làm của Nghệ nhân Hoàng Hóa có nhiều cố gắng trong việc lưu giữ, truyền lại vốn bản sắc văn hóa dân tộc sẽ có ý nghĩa giáo dục, truyền lại tình yêu, ý thức gìn giữ vốn văn hóa truyền thống của dân tộc cho các thế hệ trẻ", ông Luông nói.
Mới đây, Nghệ nhân Hoàng Hóa đã được vinh dự nhận danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, phần thưởng cao quí ghi nhận của Đảng, Nhà nước với những đóng góp to lớn của ông cho văn hóa dân tộc. Nghệ nhân Nhân dân Hoàng Hóa xứng đáng với tên gọi mà mọi người dành cho là người giữ hồn cho văn hóa Tày - Nùng vùng cao Việt Bắc./.