Khai thác, phát triển du lịch tâm linh, về nguồn
Tại Quảng Ngãi, sản phẩm du lịch tâm linh, về nguồn đã và đang thu hút nhiều du khách tham quan, trải nghiệm. Việc khai thác các sản phẩm du lịch này gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa, phát triển du lịch bền vững là một trong những hướng đi hiệu quả, góp phần đa dạng sản phẩm du lịch của tỉnh.
Quảng Ngãi được biết đến là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời với nhiều di tích lịch sử, kho tàng văn hóa phi vật thể, các cơ sở đình, chùa... Đây là điều kiện thuận lợi để khai thác phát triển du lịch tâm linh, về nguồn.
Các sản phẩm du lịch này là hành trình văn hóa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Du khách không chỉ được tham quan, giải trí, mà còn có cơ hội trải nghiệm, hiểu biết thêm nhiều kiến thức về lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương nói riêng và của dân tộc nói chung.
Quảng Ngãi hiện có 2 di tích quốc gia đặc biệt; 33 di tích cấp quốc gia; trên 170 di tích cấp tỉnh; 4 bảo vật quốc gia; 9 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia... Hệ thống di tích lịch sử, di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh chính là nguồn tài nguyên quý tạo nên sức hút của du lịch trong tỉnh. Để phát huy lợi thế này, thời gian qua, các cấp, ngành đã quan tâm bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các điểm di tích, lập hồ sơ đề nghị xếp hạng, công nhận di tích, di sản; khôi phục và nâng tầm các lễ hội truyền thống; đưa một số điểm du lịch tâm linh, về nguồn vào các tour, tuyến trải nghiệm trong hành trình khám phá Quảng Ngãi.
Theo số liệu của Sở VH-TT&DL, trong 9 tháng năm 2024, các điểm đến như Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, Khu chứng tích Sơn Mỹ, Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, các nhà trưng bày chuyên đề... đã đón tiếp trên 94 nghìn lượt khách đến tham quan, học tập, nghiên cứu. Riêng Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh, hằng năm đón trên 18 nghìn lượt du khách đến tham quan.
Nhiều đơn vị lữ hành đã tổ chức các tour trải nghiệm về nguồn cho học sinh trong tỉnh đến với di tích lịch sử - văn hóa, các “địa chỉ đỏ”. Đồng thời, các tour trải nghiệm này cũng kết hợp tham quan ở những địa điểm du lịch nổi tiếng trong tỉnh. Giám đốc Công ty Du lịch Thanh Phú (TP.Quảng Ngãi) Trần Đình Thăng cho biết, vài năm trở lại đây, đơn vị tổ chức nhiều tour du lịch về nguồn, trong đó có nhiều đoàn khách là học sinh, giáo viên. Riêng năm 2024, công ty tổ chức gần 50 tour du lịch về nguồn với hơn 5.000 lượt du khách.
Theo Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) Đặng Thị Trang, ngoài chương trình dạy và học, nhà trường phối hợp với các đơn vị kinh doanh du lịch tổ chức nhiều hoạt động giáo dục ngoại khóa để khuyến khích tinh thần học tập của các em. Trong đó, đẩy mạnh hoạt động về nguồn tại các “địa chỉ đỏ” nhằm giáo dục học sinh về truyền thống cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước, hiểu biết về lịch sử. Các hoạt động này giúp các em biết trân trọng những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc, từ đó có ý thức giữ gìn những di tích lịch sử, văn hóa.
Các cơ sở văn hóa tâm linh trên địa bàn tỉnh cũng thu hút hàng nghìn du khách đến tham quan mỗi năm. Trong đó, phải kể đến Khu văn hóa tâm linh Thiên Mã, với điểm nhấn là chùa Minh Đức, ở xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi). Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều điểm đến tâm linh khác cũng thu hút nhiều du khách như chùa Thiên Ấn (TP.Quảng Ngãi), chùa Ông (Tư Nghĩa), điện Trường Bà (Trà Bồng); các đình làng, cơ sở thờ tự, nhà trưng bày 2 bộ xương cá voi (cá Ông) lớn nhất Việt Nam ở huyện Lý Sơn...
Du lịch tâm linh, về nguồn không chỉ là sản phẩm du lịch đơn thuần mà còn mang “giá trị kép”, vừa thúc đẩy phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, vừa góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử, giá trị di sản. Để loại hình du lịch này phát triển đúng hướng, thực sự tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, đòi hỏi sự quan tâm đầu tư của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp kinh doanh du lịch.