Nghệ nhân Nguyễn Thị Tam - người 'cầm chầu, giữ phách' ca trù Thượng Mỗ

Vừa làm thầy dạy cho ca nương, vừa hướng dẫn các ngón đàn đáy cho kép đàn, vừa xuất hiện trên sân khấu trong vai kép đàn, vừa là một đào nương với kỹ thuật nhả chữ, buông câu điệu nghệ. Hiếm có ai 'phải' đóng nhiều vai như nghệ nhân Nguyễn Thị Tam trong suốt mấy chục năm như thế. (NB&CL) Vừa làm thầy dạy cho ca nương, vừa hướng dẫn các ngón đàn đáy cho kép đàn, vừa xuất hiện trên sân khấu trong vai kép đàn, vừa là một đào nương với kỹ thuật nhả chữ, buông câu điệu nghệ. Hiếm có ai 'phải' đóng nhiều vai như nghệ nhân Nguyễn Thị Tam trong suốt mấy chục năm như thế.

“Dòng máu” ca trù

Ngày 11/3/2023 là ngày rất đáng nhớ đối với các thành viên CLB ca trù Thượng Mỗ, khi nghệ nhân Nguyễn Thị Tam được chính quyền địa phương tổ chức lễ vinh danh sau khi bà được Nhà nước công nhận danh hiệu Nghệ nhân nhân dân loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian ca trù.

Bà Tam là con cháu dòng họ Nguyễn Duy - một dòng họ hát ca trù nổi tiếng của đất Thượng Mỗ, Hà Tây cũ (nay thuộc TP. Hà Nội). Mẹ bà Tam là cụ Nguyễn Thị Chản từng là ca nương nức tiếng vào những năm 1940.

 Nghệ nhân Nguyễn Thị Tam hướng dẫn các học viên trẻ kỹ thuật giữ nhịp phách.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tam hướng dẫn các học viên trẻ kỹ thuật giữ nhịp phách.

Tài liệu của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho thấy, Thượng Mỗ là một trong những cái nôi của ca trù ở nước ta, nơi nhân dân vẫn lưu truyền câu chuyện về người con của dòng họ Nguyễn Duy là cụ Nguyễn Thị Hồng, nhờ giỏi nghề đàn hát mà được nhà vua vời về cung, phong làm Đệ nhị Cung phi. Ở Thượng Mỗ, hiện còn đền thờ cụ Nguyễn Thị Hồng, người được nhân dân tôn vinh là “Bà chúa Ca trù”.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tam kể, bố mẹ bà đều là những kép đàn, đào nương cự phách nên từ nhỏ bà đã được đắm mình trong những làn điệu ca trù mượt mà, những câu ca sâu lắng mà đầy triết lý. Thừa hưởng “dòng máu” ca trù nên rất nhanh, Nguyễn Thị Tam đã thuộc làu 36 làn điệu cổ từ Thét nhạc, Ngâm vọng, Tỳ bà, Bắc phản đến múa hát Bỏ bộ, Bài bông... Năm 12 tuổi, Nguyễn Thị Tam đã rành rẽ hàng chục thể cách ca trù cổ, rồi được bố mẹ cho đi biểu diễn trong vùng.

“Ca trù cầu kỳ về nhịp phách và giọng hát ca nương chứ không cầu kỳ về nhạc cụ biểu diễn. Người hát phải kết hợp nhuần nhuyễn các giác quan, tai nghe đàn, miệng hát và tay đánh phách. Hát được đã khó, hát giỏi còn khó hơn nhiều. Hát ca trù toàn dùng hơi trong, hơi thật. Để giữ hơi được lâu, ca nương không bao giờ mở to miệng mà phải mím chặt, tiếng nào cũng từ cổ họng phát ra, gằn nén rất công phu. Muốn hay còn phải nhả chữ cho thật giỏi nữa”, nghệ nhân Nguyễn Thị Tam nói.

Người nghệ nhân cao tuổi kể tiếp, đến khi quân đội Mỹ mở rộng chiến tranh, việc đi biểu diễn của gia đình bà đã phải dừng lại. Nhưng dù cho chiến tranh bom đạn, hễ có dịp là gia đình bà lại mang đàn, mang trống ra rèn luyện, vừa cho đỡ mất giọng, vừa cho đỡ nhớ tiếng sênh, tiếng phách. Bà Tam vẫn được bố mẹ tiếp tục truyền dạy những kỹ thuật hát ca trù “gia truyền”, chuyên sâu nhất.

Tuy nhiên, cũng như nhiều loại hình nghệ thuật dân gian khác, sau nhiều năm không có không gian trình diễn, các nghệ nhân không có dịp được thể hiện tài năng, tiếng hát ca trù ở Thượng Mỗ đã vơi dần theo năm tháng. Năm 1999, nghệ nhân Nguyễn Thị Chản qua đời, ở Thượng Mỗ chỉ còn bà Tam và anh trai là ông Nguyễn Duy Sách còn duy trì được truyền thống của gia đình.

“Trước khi mất, mẹ tôi gọi vào đọc cho chép tất cả những làn điệu ca trù cổ rồi trao cho bộ phách đã gắn bó với cụ cả đời. Thế nên, tôi tự nhủ lòng phải giữ lấy vốn cổ mà các cụ để lại vì không giữ được nghề thì thật có lỗi với tổ tiên”, bà Tam chia sẻ.

 Nghệ nhân Nguyễn Thị Tam lên sân khấu trong vai trò một kép đàn, nhường “đất diễn” để lớp trẻ thi thố.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tam lên sân khấu trong vai trò một kép đàn, nhường “đất diễn” để lớp trẻ thi thố.

Ca trù Thượng Mỗ “hồi sinh”

Theo lệ xưa, ca trù chỉ được truyền trong dòng họ. Nhưng bây giờ, nhiều người trong làng không còn mặn mà với ca trù. Bọn trẻ thì chỉ thích mấy thứ nhạc xập xình, nhạc thị trường... Không muốn một loại hình nghệ thuật độc đáo của cha ông bị lãng quên, năm 2003 bà Tam đề xuất và được chính quyền xã Thượng Mỗ ủng hộ thành lập CLB ca trù. Những ngày đầu đó biết bao khó khăn, nhọc nhằn. Bà Tam phải đi vận động từng nhà để họ đồng ý cho con em tham gia học hát ca trù, bỏ tiền túi để cho lớp học hoạt động. Thế rồi CLB cũng quy tụ được 18 thành viên. Bà Tam mạnh dạn phá lệ, truyền dạy nghề cho tất cả những ai đam mê, yêu thích loại hình ca hát này.

Đến nay, sau 20 năm, thống kê lại, bà Tam đã dạy gần 100 học trò, trong đó 45 người trở thành ca nương, có thể hát, biểu diễn nhiều lối hát ca trù cổ. CLB luôn duy trì trên 30 thành viên, độ tuổi trải rộng từ 6 đến 50. Cứ vào tối thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, nhà bà Tam lại rộn ràng tiếng hát. Mấy năm nay, người dạy kép đàn là ông Sách đã mất, bà Tam lại thay ông trực tiếp hướng dẫn học viên kỹ thuật đánh đàn, cầm trống chầu, giữ nhịp phách.

“Ngày xưa phải đi từng nhà vận động, nay có nhiều người đến xin vào học, có khi phải “xét”, phải cam kết theo hết khóa, không bỏ ngang mới cho vào. Mừng lắm chứ”, bà Tam bộc bạch.

Cuối tháng 12/2022, nghệ nhân Nguyễn Thị Tam dẫn đầu CLB Ca trù Thượng Mỗ tham gia Liên hoan Ca trù Hà Nội lần thứ III. Tại Liên hoan, bà Tam lên sân khấu gần như tất cả các tiết mục của CLB, nhưng không với vai trò của một thí sinh. Người nghệ nhân cao tuổi xuất hiện trên sân khấu trong vai trò một kép đàn, cho dù xuất thân bà vốn là một đào nương và danh tiếng đến với bà cũng ở vai trò này. Bà nhường “đất diễn” để lớp trẻ thi thố, trải nghiệm. Sự xuất hiện của bà trên sân khấu cũng một phần là để động viên các đào nương trẻ của CLB Thượng Mỗ thêm phần tự tin.

 Nghệ nhân Nguyễn Thị Tam.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tam.

Sự tưởng thưởng xứng đáng

Theo đánh giá của chính quyền địa phương, trong việc khôi phục loại hình hát ca trù ở Thượng Mỗ thì “công đầu” phải kể đến nghệ nhân Nguyễn Thị Tam. Nhờ tâm sức của bà Tam, đến nay nòng cốt của CLB ca trù Thượng Mỗ đều là người trẻ, có em chỉ 10-12 tuổi, điều mà chỉ ít năm trước, khó ai hình dung được.

Trong số những người trẻ ấy, có hai em Nguyễn Thị Thúy, Nguyễn Thị Lụa đã bộc lộ tài năng, có thể tiếp bước các thế hệ đi trước, gìn giữ và phát huy giá trị di sản ca trù trên mảnh đất được coi là cái nôi của ca trù cổ này. Danh hiệu Nghệ nhân nhân dân Nhà nước trao tặng, chính là sự tưởng thưởng xứng đáng cho tài năng và những cống hiến không mệt mỏi của bà.

Còn theo bà Phạm Thị Lan Anh - Trưởng phòng Quản lý Di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội), tại Liên hoan ca trù lần thứ III vừa qua, CLB ca trù Thượng Mỗ đã có sự tiến bộ rất nhiều, đặc biệt là một số ca nương trẻ, họ “được cả thanh và sắc”.

Bà Lan Anh cho biết thêm, năm 2009, nghệ thuật ca trù đã được UNESCO đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Sau 12 năm, ca trù đã có sự trở lại mạnh mẽ, nhờ sự chung tay của cả cộng đồng. Nghệ thuật trình diễn ca trù đã có những khởi sắc hơn, thể hiện qua mức độ thực hành di sản được duy trì thường xuyên, sự mở rộng về số lượng người tham gia và số lượng các CLB. Hiện nay, Hà Nội đã có gần 20 nhóm, CLB ca trù sinh hoạt, biểu diễn đều đặn, lưu giữ được trên 30 thể cách, điệu múa cổ và phát triển thêm hàng chục làn điệu mới; hơn 50 người có khả năng truyền dạy cùng hàng trăm người theo học.

“Việc CLB ca trù Thượng Mỗ cùng với các nhóm, câu lạc bộ ca trù trên địa bàn đang hoạt động tích cực, cho thấy ca trù Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng mừng. Chúng tôi tự tin di sản ca trù sẽ được bảo tồn vững chắc trong thời gian tới, từ đó góp phần từng bước đưa ca trù từ danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp” sang danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, bà Lan Anh chia sẻ.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nghe-nhan-nguyen-thi-tam--nguoi-cam-chau-giu-phach-ca-tru-thuong-mo-post241414.html