Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung làm chân dung Bác Hồ từ mây tre đan

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ 'tàn nhưng không phế', Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung (sinh năm 1955) tại thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa (Chương Mỹ, Hà Nội) đã vượt lên nghịch cảnh và gắn bó, gìn giữ, phát triển nghề mây tre đan truyền thống. Với tình cảm đặc biệt dành cho Bác Hồ, ông đã tạo ra những bức chân dung tuyệt đẹp của Người bằng mây tre.

Vào một ngày đầu tháng 8, tôi tìm đến nhà Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung. Gặp ông Trung, tôi không nghĩ rằng ông lại là chủ nhân của rất nhiều giải thưởng lớn, nhỏ, trong và ngoài nước. Bởi cơ thể ông không được lành lặn, một bên chân bị co ngắn khiến ông rất khó khăn trong việc đi lại. Ấy vậy mà, nhiều năm qua ông còn là thầy giáo của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp mỹ nghệ Hoa Sơn. Nơi đây đã giúp cho bao bạn trẻ khuyết tật được học nghề miễn phí và có cái “cần câu cơm”.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung cẩn thận, tỉ mỉ thổi hồn vào từng tác phẩm.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung cẩn thận, tỉ mỉ thổi hồn vào từng tác phẩm.

Vượt lên số phận

Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung sinh ra tại làng quê ở huyện Chương Mỹ có truyền thống đan lát từ hàng trăm năm nay, tính đến đời ông đã là đời thứ 8 gìn giữ nghề truyền thống này. Cũng chính bởi vậy, tuổi thơ của ông luôn gắn liền với những hình ảnh về sợi mây, sợi tre, khung đan. Vốn sinh ra là một đứa trẻ bình thường như bao đứa trẻ khác, năm lên lớp 4, cậu học sinh Nguyễn Văn Trung có những biểu hiện bất thường, khi cha mẹ đưa đi khám đã được chẩn đoán với chứng bệnh viêm xương. Từ đó, cơ thể cậu bé yếu dần và việc học đành dang dở.

“Ba năm liền tôi phải nằm điều trị tại Bệnh viện Việt Đức, chịu đựng những cơn đau kéo dài, triền miên khiến tôi mất hết niềm tin vào tương lai phía trước. Bác sĩ có đề nghị tôi tháo khớp chân bên phải nhưng tôi từ chối bởi sợ nhiều rủi ro”, ông Trung ngậm ngùi bày tỏ khi nhớ về những nỗi đau ngày thơ ấu.

Sau 3 năm nằm viện, ông có biểu hiện của nhiều chứng bệnh khác như đột quỵ, suy tim…, lúc bấy giờ bệnh viện đã trả về. Người thân với tâm lý lo hậu sự, ông Trung cũng nghĩ rằng mình sẽ rời khỏi cõi đời này. Ấy vậy mà, như một phép thần tiên, có thầy lang hay tin ông Trung bị bệnh đã tìm đến cứu chữa tận nhà, miễn phí. Thật may, nhờ những thang thuốc quý, cơ thể của ông đã dần hồi phục.

Khi cơ thể có sự thay đổi tốt hơn, cậu bé Trung đã quay lại trường học để được trau dồi kiến thức như bao bạn bè đồng trang lứa. Rồi mỗi chiều tan học về, cậu bé lại hăng hái phụ giúp cha mẹ làm những sản phẩm mây tre truyền thống của quê hương.

 Với những nỗ lực, cố gắng Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung nhận được nhiều bằng khen, giấy khen từ các cấp.

Với những nỗ lực, cố gắng Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung nhận được nhiều bằng khen, giấy khen từ các cấp.

Năm 1972, các nghệ nhân trong làng Phú Vinh và chính quyền địa phương nhận thấy Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung là một người khuyết tật đầy nghị lực, ý chí nên đã vận động ông vào Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Vinh. Với đôi tay tài hoa, sự tâm huyết với nghề truyền thống của quê hương, chàng trai khuyết tật đã được xã viên hợp tác xã bầu làm Đội trưởng đội kỹ thuật. Cũng trong năm đó, sản phẩm mây tre đan của đội sản xuất do Nguyễn Văn Trung làm đội trưởng đã giành giải nhất “Cuộc thi tay nghề giỏi ở làng Phú Vinh”.

Dấu mốc đặc biệt trong cuộc đời ông Trung đến vào năm 1980, ông đã giành giải “Tuổi trẻ sáng tạo” tại Liên Xô và được nhận vào học tại chức Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội.

 Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung giới thiệu những sản phẩm mới do ông thiết kế.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung giới thiệu những sản phẩm mới do ông thiết kế.

Ban đầu từ những sản phẩm đơn giản, ông Trung đã từng ngày sáng tạo thêm nhiều mẫu mã khác nhau để phát triển nghề. Hiện nay trong căn phòng làm việc của ông có đến gần 300 tấm bằng khen, giấy khen của các cấp tuyên dương trong lĩnh vực nghề mây tre đan.

Đưa chân dung Bác Hồ vào nghề truyền thống

Năm 1976, khi đất nước chuyển mình bước sang một giai đoạn mới, ông Trung nghĩ mình phải làm một điều gì đó lưu giữ lại dấu mốc này. Với một tình cảm đặc biệt và lòng kính trọng đối với Bác Hồ, ông Trung luôn suy nghĩ, trăn trở để có thể đưa chân dung Người vào sản phẩm truyền thống của địa phương. Ông đã dày công tìm tòi, học hỏi và tập luyện để có thể tạo ra bức chân dung về Người đẹp nhất sau nhiều tháng nghiên cứu. Với ông đây cũng chính là việc nâng tầm sản phẩm mây tre đan lên một tầm cao mới.

Dẫn tôi tới bên bức chân dung của Bác Hồ, ông Trung cho biết: “Tạo ra một bức chân dung về Người là một điều không hề đơn giản. Để những bức chân dung có hồn, tôi đã phải nhờ người thân đưa đến trường Đại học Mỹ Thuật Công nghiệp Hà Nội để tìm hiểu và nhờ thầy Lê Quốc Lập, hiệu trưởng nhà trường giải đáp mọi khúc mắc về kỹ thuật. Bên cạnh đó, tôi cũng cố gắng sưu tầm tranh ảnh về Người để nghiên cứu”.

 Đôi mắt Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung ánh lên niềm tự hào khi giới thiệu bức chân dung Bác Hồ.

Đôi mắt Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung ánh lên niềm tự hào khi giới thiệu bức chân dung Bác Hồ.

Chau chuốt từng sợi mây, sợi tre mảnh mai, sử dụng kết hợp tới 15-16 lối đan để sáng tác. Từ bức chân dung đầu tiên về Người, đến nay ông Nguyễn Văn Trung đã đan được hơn 200 bức ảnh chân dung Bác Hồ như cách bày tỏ tấm lòng trân quý gửi gắm đến vị Cha già kính yêu của dân tộc. Bức nhỏ nhất kích thước 40x60cm, bức lớn nhất đã hoàn thành vào dịp kỷ niệm 115 năm Ngày sinh của Bác có kích thước 1,6x2m.

Bức tranh lớn nhất ông làm có sự góp sức của con trai Nguyễn Văn Sơn. Anh Sơn cho biết: “Mình là đời thứ 9 theo nghề cha ông truyền lại, với mình đây chính là cái nghề tạo nguồn thu nhập mà bố mẹ đã nuôi mình ăn học suốt nhiều năm qua. Thấy bố say sưa, tâm huyết với nghề nên mình quyết định học tập bố để gìn giữ và phát triển nghề truyền thống”.

Những bức chân dung Bác Hồ do ông Trung tạo ra được khách hàng gần xa đánh giá cao. Bức chân dung có giá thành cao nhất ông bán được là 80 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông dành tặng các cơ quan Nhà nước, tổ chức quốc tế nhân những sự kiện quan trọng của đất nước. Một số bức ông để tham gia các triển lãm, hội chợ, trưng bày tại bảo tàng để giới thiệu về làng nghề truyền thống, quảng bá đất nước và con người Thủ đô. Và hiện nay bức chân dung Bác Hồ ông đan đầu tiên đã được gửi tặng tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lan tỏa nghề truyền thống tới mọi người

Trung tâm giáo dục nghề nghiệp mỹ nghệ Hoa Sơn đã được xây dựng tại tư gia của ông Trung năm 2007. Hằng năm, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung đã hỗ trợ đào tạo, truyền nghề cho 300 đến 500 học viên, trong đó có nhiều học viên khuyết tật được theo học miễn phí. Có những học viên ở xa như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh… phải theo học từ 3 đến 6 tháng, ông đã tạo điều kiện cho sinh hoạt, ăn ở tại trung tâm miễn phí.

Không những vậy, ông Trung còn đem nghề truyền thống đi giảng dạy cho thế hệ trẻ trong huyện. Nhiều lớp học về mây tre đan của ông đã thu hút đông đảo các bạn trẻ tham gia. Nghề vừa rèn tính tỉ mỉ, kiên nhẫn, khéo léo và giúp các bạn trẻ biết thêm một nghề để có thể kiếm sống sau này.

 Ông Nguyễn Văn Trung lan tỏa nghề truyền thống đến các bạn trẻ huyện Chương Mỹ.

Ông Nguyễn Văn Trung lan tỏa nghề truyền thống đến các bạn trẻ huyện Chương Mỹ.

Em Phạm Thị Hoa, đoàn viên thanh niên thôn Bài Trượng (Hoàng Diệu, Chương Mỹ) cho biết: “Thời gian vừa qua em và các bạn đoàn viên trong xã đã được theo học “Lớp đào tạo nâng cao mây tre giang đan” do ông Nguyễn Văn Trung giảng dạy. Qua những buổi học em thấy thêm yêu nghề truyền thống của huyện mình và em biết cách tạo ra các sản phẩm mới lạ, sáng tạo từ những sợi mây, sợi tre”.

Dưới sự giúp đỡ, dìu dắt của ông Nguyễn Văn Trung, đến nay đã có nhiều người thành đạt, làm giàu từ nghề mây tre đan truyền thống. Đó cũng là niềm hạnh phúc lớn lao của nghệ nhân ưu tú tài hoa, tâm huyết, một đời “giữ lửa” cho nghề truyền thống ở miền quê Phú Vinh.

Với sự cố gắng vượt lên số phận của mình, ông Nguyễn Văn Trung đã đạt được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế: “Giải thưởng tuổi trẻ và sáng tạo quốc tế”, “Bàn tay vàng Đông Dương”, “Giải thưởng sản phẩm thủ công tinh xảo tại Nhật Bản”, “Giải thưởng vàng Ngôi sao Việt Nam”. Ông cũng được trao 6 Huy chương vàng, bạc trong danh hiệu “Bàn tay vàng Việt Nam”, 4 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua và nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp chính quyền.

Bài, ảnh: DIỆU HUYỀN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/nghe-nhan-nguyen-van-trung-lam-chan-dung-bac-ho-tu-may-tre-dan-738337