Nghệ nhân Nguyễn Xuân Lương: 'Xuân Phả là cuộc sống của tôi'
Là một trong những nghệ nhân có công trong việc khôi phục và gìn giữ trò Xuân Phả, đến nay dù đã 60 tuổi nhưng NNƯT Nguyễn Xuân Lương vẫn giữ được niềm đam mê bất tận và tay vẫn dẻo để biểu diễn, chỉ dạy trò Xuân Phả.
Bồi hồi nhớ lại những năm tháng đầu tiên tham gia đội trò, NNƯT Nguyễn Xuân Lương kể: “Năm 1990 là mốc thời gian đáng nhớ, vì trước đó rất nhiều lần khôi phục trò nhưng không thành công. Đội trò được thành lập gồm 20 thanh niên, tôi là một trong những thành viên đầu tiên của đội trò, cùng với sự tham gia của cụ Đỗ Đình Tạ, nghệ nhân Bùi Văn Hùng… Dù trước đó đã biết đến Xuân Phả nhưng khi tham gia đội trò, gánh vác trách nhiệm khôi phục trò diễn, tôi tìm hiểu sâu hơn về trò diễn thông qua sự chỉ dạy của các cụ cao niên trong làng”.
Lúc tham gia đội trò, chàng thanh niên Nguyễn Xuân Lương mới 28 tuổi - thời điểm vừa đi bộ đội về, còn nặng gánh lo toan đời sống, kinh tế gia đình. Tuy nhiên, tham gia đội trò thì thời gian dành cho gia đình, phát triển kinh tế bị ảnh hưởng nhưng vì “trách nhiệm với cha ông”, Nguyễn Xuân Lương sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân cùng đội khôi phục lại trò Xuân Phả. Ông nhớ lại: “Thời kỳ đó kinh tế gia đình khó khăn, chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Tuy nhiên, thời gian đầu khôi phục trò diễn, đội trò phải dành toàn thời gian tập luyện, công việc đồng áng đành để mình vợ lo toan, tôi chỉ có thể tranh thủ thời gian nghỉ tập để làm thêm các công việc khác”. Kể cả đến hiện tại, mỗi khi tham gia chương trình ở huyện, tỉnh, khi đội trò phải tập luyện thì công việc đồng áng ông lại phải bỏ dỡ, nhiều lần lỡ thời vụ, phải đợi đến năm sau.
Sự vất vả, hi sinh của anh thanh niên Lương cùng các thành viên đội trò được đền đáp ngay trong lần lên sân khấu biểu diễn đầu tiên. Sự độc đáo, thú vị của trò diễn đã ngay lập tức chinh phục khán giả, những tràng vỗ tay vang dội cất lên không ngừng. Cảm xúc lần đầu tiên đó, ông Lương vẫn còn nhớ mãi, thậm chí đến bây giờ mỗi lần nhớ lại giây phút đó, ông vẫn bồi hồi xúc động: “Tôi không thể ngờ rằng trò diễn lại thành công như vậy. Giây phút đó chúng tôi thầm cảm ơn cha ông đã để lại một trò diễn độc nhất vô nhị như vậy và chúng tôi cũng tự hứa với lòng sẽ tiếp tục cống hiến, hy sinh vì trò diễn”. Sau lần biểu diễn đầu tiên thành công, những chương trình, hội diễn về sau, đội trò đã tự tin và mạnh dạn hơn nhiều, cùng với đó kỹ thuật diễn cũng điêu luyện và hay hơn. Mọi người diễn trò với niềm tự hào, tự tôn và một đam mê mãnh liệt".
Đã 32 năm gắn bó với Xuân Phả, cùng Xuân Phả trải qua những thăng trầm, biến cố, đến nay NNƯT Nguyễn Xuân Lương rất vui vì Xuân Phả đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tuyệt vời hơn nữa khi người dân trong làng coi Xuân Phả là nét văn hóa đặc trưng đáng tự hào, từ đó có ý thức giữ gìn và phát huy. Mỗi năm vào lễ hội Thành Hoàng làng 10-2 âm lịch, làng trên xóm dưới lại rộn ràng chuẩn bị trò diễn, lúc này những nghệ nhân như ông Lương, ông Hùng… nhường “đất diễn” cho thế hệ trẻ. Không những để “truyền nhân” hiểu và giữ trò, đội trò đã phân công từ 2-3 nghệ nhân phụ trách một thôn và dạy một trò diễn, cầm tay chỉ dạy giống như lúc nghệ nhân Đỗ Đình Tạ và các cụ cao niên trong làng chỉ dạy cho những thanh niên như ông Lương, ông Hùng. Cứ như vậy, sự tiếp nối, kế thừa được thế hệ sau gìn giữ và phát huy, để tinh thần cha ông, tinh thần Xuân Phả luôn sống mãi trong lòng người dân Xuân Trường.