Nghệ nhân nhân dân Chu Mạnh Chấn: Người du hành xuyên thời gian, đánh thức những vẻ đẹp 'đã chết'
Họa sĩ, nghệ nhân nhân dân Chu Mạnh Chấn có thể coi như một người du hành xuyên thời khi ông đang sống trong thời hiện đại nhưng những tác phẩm của ông hầu như chỉ vẽ về một đời sống của quá khứ. Hay nói đúng hơn là ông là người đi phục dựng lại những vẻ đẹp văn hóa Việt đã bị lãng quên.
Họa sĩ Chu Mạnh Chấn sinh năm 1933 tại làng Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội. Với các văn nghệ sĩ xứ Đoài, ông thuộc thế hệ đàn anh, là thầy của những người nghệ nhân giỏi tại các làng nghề thủ công mỹ nghệ. Sở dĩ có điều này là vì, ông làm giảng viên Trường Mỹ nghệ Hà Tây, đào tạo các thợ thủ công khảm chai, mây tre đan, dạy cho họ biết hình họa để sáng tạo trong công việc.
Bên cạnh mảng thiết kế và giảng dạy mỹ thuật ứng dụng, Chu Mạnh Chấn còn là một họa sĩ sơn mài. Vốn là một người con của xứ Đoài mây trắng, ông sáng tác nhiều về làng quê với phong cảnh hữu tình, nên thơ, những buổi lễ hội mang màu sắc truyền thống... Có thể nói, những bức tranh mang màu sắc sâu thẳm của son, của quỳ vàng, quỳ bạc ấy, đã cất giữ những vẻ đẹp xưa cũ. Đó là cây đa làng Cả đã mất, ao múa rối trước đình giờ chỉ còn là ao bèo đặc kín, cổng làng Mã Sổ cũng biến mất hoàn toàn.
Sau khi rời bục giảng, có nhiều thời gian dành cho hội họa, ông bắt tay vào khôi phục những vẻ đẹp đã lãng quên. Chu Mạnh Chấn nghĩ, khi thế hệ ông mất đi, con cháu sẽ thiệt thòi biết bao vì không được sống, được cảm nhận những nét đẹp truyền thống của quê hương một cách toàn diện, đầy đủ về những giá trị tinh thần mang bản sắc văn hóa riêng của mỗi làng quê, làm nên bản sắc văn hóa người Việt.
Bức tranh sơn mài "Lễ hội chùa Thầy" đã được ông tư duy trong 4-5 năm. Bức tranh khổ lớn tới 4m x 2,5m đã tái hiện một lễ hội lớn nhất vùng xứ Đoài xưa với một không khí hội hè, dòng người trẩy hội tấp nập, những trò chơi dân gian truyền thống. Khung cảnh khoáng đạt của một vùng sơn thủy hữu tình. Bức tranh này đã được nhà sưu tập trả giá tới 5 tỷ đồng nhưng gia đình ông từ chối bán.
Là một người bạn của nghệ sĩ múa rối Chu Lượng (con trai họa sĩ Chu Mạnh Chấn), nhà văn Nguyễn Quang Thiều trong một khoảnh khắc nhìn họa sỹ Chu Mạnh Chấn ngồi vẽ trước một bức tranh lớn đã mang cảm giác, ông chính là một phần của bức tranh mà ai đó đã vẽ vào trong đó.
"Tôi thấy ông từ hiện tại bước vào quá khứ để gọi tên những vẻ đẹp đã chìm sâu trong quên lãng thức dậy. Những lễ hội, những cảnh sinh hoạt văn hóa xưa hiện ra như chính nó đang tồn tại song song cùng chúng ta mà chưa từng biến mất. Rồi ông lại từ quá khứ trở về hòa vào đời sống hiện tại. Và khi vẽ một bức tranh mới, ông lại bước vào quá khứ. Ông giống như người đi xuyên thời gian", nhà văn Nguyễn Quang Thiều nói.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều còn cho rằng, những bức tranh với hơi thở nóng hổi của quá khứ và kỹ thuật sơn mài truyền thống điêu luyện, đã mang tới cho họa sĩ Chu Mạnh Chấn một quyền năng, làm sống lại những vẻ đẹp đã chết hoặc bị vùi vào quên lãng của con người hiện đại. Với cách sống của con người đương đại thì biết bao vẻ đẹp văn hóa truyền thống đang bị giết chết. Và họa sỹ Chu Mạnh Chấn là một trong những người cứu vớt và bảo vệ những vẻ đẹp ấy.
Người du hành xuyên thời gian ấy đã vẽ hàng trăm bức tranh về xứ Đoài với niềm thương mến và nhớ nhung của một người con nặng tình với quê hương. Nhà thơ Lương Tử Đức nhận xét, xem tranh ông như nghe thấy tiếng đàn cổ cầm vang lên giữa đất trời, sông núi của một miền sơn thủy hữu tình. Từ cuối thế kỷ 20 ông đã nhiệt tình tham gia gần 20 cuộc triển lãm Mỹ thuật tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) và khu vực Đồng bằng sông Hồng.... Tuy nhiên, một triển lãm cá nhân riêng thì nay mới thực hiện được.
Triển lãm "Miền ký ức" trưng bày hơn 30 tác phẩm của ông sẽ khai mạc vào ngày 26-3 và kéo dài đến ngày 3/4 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Năm 2020, Chu Mạnh Chấn đã vinh dự được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân. Trong một lần tới thăm nhà ông, GS Trần Lâm Biền đã thắc mắc, sao ông không làm hồ sơ phong tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT mà chỉ xin phong danh hiệu Nghệ nhân.
Họa sĩ Chu Mạnh Chấn cho biết, cả đời ông gắn bó với làng quê, với những người nông dân chất phác. Ông mang ơn họ đã cho ông nguồn cảm hứng để sáng tạo và truyền dạy nghề. Vì thế, được ghi danh Nghệ nhân nhân dân đã là vinh dự với cá nhân ông.