Nghệ nhân nhân dân Phạm Hải Hậu - Người đưa nghệ thuật hát Văn gần hơn với công chúng
Với vai trò là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa Chầu văn tỉnh Hà Nam (gọi tắt là CLB), nghệ nhân dân gian Phạm Hải Hậu đã tổ chức hoạt động thu hút trên 150 hội viên, truyền dạy Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt cho gần 1000 người. Năm 2022, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân.
Với vai trò là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa Chầu văn tỉnh Hà Nam (gọi tắt là CLB), nghệ nhân dân gian Phạm Hải Hậu đã tổ chức hoạt động thu hút trên 150 hội viên, truyền dạy Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt cho gần 1000 người. Năm 2022, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân.
Một đời gắn bó với tín ngưỡng Tam phủ
Sinh ra ở một làng quê ven sông Nhị Hà, thuộc xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên, nghệ nhân Phạm Hải Hậu gắn bó cuộc đời mình với cuộc sống thôn quê ăm ắp nghĩa tình và giàu truyền thống văn hóa. Đền Lảnh Giang vốn là địa điểm văn hóa tâm linh nổi tiếng của Hà Nam, gắn bó với những truyền thuyết dân gian về Tam vị Thủy thần (ba vị tướng thời Hùng Vương có công giúp vua Hùng chống lại quân Thục Phán, được vua ban phong vị) và vợ chồng công chúa Tiên Dung - Chử Đồng Tử.
Năm 1987, nghệ nhân Phạm Hải Hậu tham gia Ban quản lý Di tích và thực hành tín ngưỡng tại Đền. Nghệ nhân kể: “Trong thời gian này, tôi theo học thực hành nghi lễ, thụ pháp làm Thầy, trình đồng mở phủ, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt từ cụ đồng Nguyễn Thị Phúc ở Hà Nội. Cụ đồng Phúc là người có 50 năm thực hành tín ngưỡng này, có tiếng trên đất Hà thành. Cụ mất năm 1992. Từ năm 1989 đến nay, nhờ tham gia thực hành tín ngưỡng thờ mẫu, tôi đã đến nhiều di tích khác trong cả nước như: Đền Đông Cuông, Yên Bái; Đền Mẫu Tiên Hương, Vân Cát, Nam Định; Đền ông Hoàng Mười, Nghệ An; đền Chầu Bé, Bắc Giang; đền Trần Thương, Hà Nam; đền Đồng Bằng, Thái Bình... để thực hành và truyền dạy nghi lễ.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ của người Việt có lịch sử lâu đời, biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội, hướng đến cuộc sống thực tại của con người với ước vọng sức khỏe, tài lộc, may mắn. Trong đó, nghi lễ Chầu Văn là một đặc trưng của tín ngưỡng này. Nghi lễ Chầu Văn mang nhiều giá trị của di sản văn hóa phi vật thể như: Giá trị văn hóa, thể hiện ở góc độ diễn xướng; giá trị tâm linh thể hiện ở khả năng nhập thần; giá trị thẩm mỹ thể hiện ở hình thức nghi lễ.
Năm 2012, Nghi lễ Chầu Văn của người Việt ở Hà Nam được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến tháng 12/2016, di sản văn hóa Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nghệ nhân Phạm Hải Hậu chia sẻ: “Hơn 30 năm thực hành nghi lễ và thụ pháp làm thầy, tôi đã nắm bắt đầu đủ tri thức về những nghi lễ và kỹ năng diễn xướng Chầu văn. Nghi lễ Hầu đồng trong diễn xướng Chầu văn là sự kết hợp nhiều yếu tố nghệ thuật, bao gồm ca hát, âm nhạc, nhảy múa, mỹ thuật, diễn xuất trước ban thờ Mẫu Tứ phủ - một khung cảnh linh thiêng, huyền ảo, mang đậm sắc thái tâm linh. Trong không gian, tình cảnh đó, hầu đồng nếu không tạo nên những mối giao cảm tâm linh huyền bí một cách có văn hóa sẽ rất dễ dàng sa đà vào mê tín dị đoan.”
Hầu đồng là nghi thức trong diễn xướng hát Chầu văn, mang đậm tính linh thiêng và bản sắc văn hóa dân tộc, thể hiện quan niệm cầu tài, cầu lộc, đưa thế giới tâm linh du nhập vào đời sống thực tại... Nghệ nhân Phạm Hải Hậu nói: “Gắn với văn hóa thờ Mẫu, lên đồng là cách thể hiện niềm tôn kính, sùng bái Thánh Mẫu. Đây là nét văn hóa đẹp của nhân dân ta, được gìn giữ và tồn tại trong đời sống tâm linh của con người từ bao đời nay. Hầu đồng thực chất chỉ là cách kết nối âm –dương, là cách để con người cầu được sức khỏe, may mắn thuận lợi trong đời sống, công danh. Người ta tin làm thế sẽ linh ứng và điều này tạo nên một sức ảnh hưởng tinh thần rất sâu đậm đối với con người. Ai tu nhân tích đức, sống tốt, sống đẹp trên thế giới này sẽ được hưởng phúc lộc ngay tại trần gian..”
Nhận thức được những giá trị của loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, nghệ nhân Phạm Hải Hậu đã không ngừng truyền bá, phát huy giá trị của Chầu văn trong đời sống xã hội và nhân dân. Ông đã có mặt tham gia các Liên hoan di tích tiêu biểu của tỉnh, Liên hoan diễn xướng Chầu văn khu vực, toàn quốc… giành nhiều giải thưởng.
Ông Phạm Huy Cương, xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên là một trong những học trò được ông truyền dạy Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt nhận xét: “Nghệ nhân Hậu là người tâm huyết, gắn bó với nghệ thuật này thực sự lâu bền. Bằng các hoạt động cá nhân của mình, nghệ nhân chỉ đau đáu một niềm làm sao giữ được Chầu văn, đưa Chầu văn vào đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, giáo dục lòng biết ơn cho mọi người với các đấng siêu linh, thánh thần, có công với nước, với dân, với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc”
Gìn giữ và làm đẹp truyền thống văn hóa người Việt
Những hoạt động của nghệ nhân Phạm Hải Hậu tại đền Lảnh Giang thời gian qua luôn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của các cấp chính quyền, ngành chức năng và nhân dân. Với nỗ lực không ngừng, nghệ nhân Phạm Hải Hậu đã trở thành người có công tạo dựng không gian văn hóa du lịch ấn tượng của Hà Nam, điểm đến hấp dẫn đối với du khách thập phương. Hàng nghìn học trò của nghệ nhân đã theo học Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, thay ông tiếp tục truyền bá các giá trị văn hóa của loại hình nghệ thuật này trong đời sống.
Nghệ nhân cho biết: Năm 2014, tôi được UBND tỉnh Hà Nam bổ nhiệm giữ chức Chủ nhiệm CLB Bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa Chầu văn tỉnh Hà Nam. Cứ vào các ngày Rằm và mồng 1 âm lịch hằng tháng, chúng tôi tổ chức biểu diễn ở nhà văn hóa trung tâm, rạp chiếu bóng Biên Hòa cũ (nay là không gian văn hóa đi bộ của thành phố) bằng kinh phí hoạt động của CLB hoàn toàn được huy động từ nguồn xã hội hóa. Số thành viên của CLB từ chỗ chỉ có 62 người đã phát triển trên 150 người.
Hầu hết những người tham gia Câu lạc bộ hát Văn đều nhận rõ trách nhiệm của mình trong truyền bá và bảo tồn hát Văn. Không những thế, họ còn sáng tạo trong biểu diễn, hát Văn cổ và hát Văn lời mới ca ngợi cảnh đẹp, con người Hà Nam hôm nay. Họ hát vì tình yêu với hát Văn, vì mong muốn được góp một phần nhỏ bé của mình vào việc bảo tồn và phát huy giá trị của hát Văn trong đời sống văn hóa, văn nghệ hiện đại.”
Nhận xét về hoạt động của nghệ nhân nhân dân Phạm Hải Hậu, ông Ngô Thanh Tuân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch nói: Sau khi thấy hiệu quả của việc trình diễn hát Văn trên sân khấu, nghệ nhân Phạm Hải Hậu đã mở rộng phạm vi phục vụ đến các huyện khác. Khi những vấn đề nhạy cảm xung quanh chuyện lên đồng là nghệ thuật hay mê tín di đoan được tranh luận suốt thời gian qua, việc đưa hát Văn đến những sân khấu tách biệt khỏi môi trường tâm linh cũng là cách chứng tỏ giá trị và bản chất thực của hát Văn. Đó là cách đưa hát Văn đến gần với đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân hơn. Bây giờ, hát Văn ở không gian phố đi bộ của thành phố Phủ Lý đã trở thành nét văn hóa đẹp đi vào đời sống nhân dân.
Năm 2015, ông Phạm Hải Hậu được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Năm 2022, ông tiếp tục được phong danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân. Nghệ nhân chia sẻ: “Với cá nhân tôi, sau khi được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý này, tôi càng thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa Chầu văn. Thông qua hoạt động này, tôi muốn cống hiến, đóng góp nhiều hơn nữa trong xây dựng, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, thực hiện công tác từ thiện nhân đạo, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn trong xã hội hiện nay…”