Nghệ nhân Phan Thị Thuận: Độc đáo kỹ thuật dệt lụa tơ sen

Từ những cuống sen già xù xì tưởng như chỉ bỏ đi, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã làm nên những chiếc khăn lụa tơ sen mềm mại, thơm mát, vươn tầm quốc tế.

Trong bối cảnh nghề dệt lụa truyền thống Việt Nam đứng trước nhiều thách thức từ công nghiệp hóa, nghệ nhân Phan Thị Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội đã làm nên dấu ấn đặc biệt với việc sản xuất lụa tơ sen – một sản phẩm độc đáo, mang giá trị văn hóa và kinh tế cao. Đây không chỉ là sự khẳng định tài năng và sự sáng tạo của bà, mà còn mở ra một hướng đi mới đầy tiềm năng cho nghề dệt thủ công Việt Nam.

 Nghệ nhân Phan Thị Thuận bên sản phẩm tranh lụa từ tơ sen. Ảnh: Mai Loan.

Nghệ nhân Phan Thị Thuận bên sản phẩm tranh lụa từ tơ sen. Ảnh: Mai Loan.

Người đầu tiên dệt lụa tơ sen ở Việt Nam

Năm 2016, nghệ nhân Phan Thị Thuận bắt đầu nghiên cứu và thử nghiệm việc tạo sợi từ cuống sen – một việc mà trước bà chưa từng có ai làm. Từ ý tưởng ban đầu, bà nhận thấy rằng cuống sen – một phần thường bị bỏ đi sau thu hoạch – chứa chất xơ dai và mềm, có tiềm năng để tạo ra những sợi tơ tự nhiên. Tuy nhiên, việc khai thác tơ từ cuống sen không hề đơn giản. Khác với việc nuôi tằm lấy tơ, quá trình sản xuất lụa từ tơ sen đòi hỏi nhiều công sức, sự tỉ mỉ và kiên nhẫn qua hàng chục công đoạn.

 Rửa cuống sen già, trước khi đưa vào lấy tơ. Ảnh: Mai Loan.

Rửa cuống sen già, trước khi đưa vào lấy tơ. Ảnh: Mai Loan.

Trò chuyện với PV Tri thức và Cuộc sống, nghệ nhân Phan Thị Thuận cho hay, mới đầu, khi nghe ý tưởng này từ bà, nhiều người đã không khỏi ngần ngại, tỏ ý can ngăn.

Thực sự, để làm ra lụa tơ sen, phải trải qua một quy trình phức tạp. Đầu tiên, bà chọn những cuống sen già, dẻo dai để đảm bảo chất lượng sợi tơ. Cuống sen sau khi được cắt ra từng đoạn sẽ được rạch dọc để lấy lớp sợi mịn bên trong. Đây là công đoạn đòi hỏi sự khéo léo, vì nếu không cẩn thận, sợi tơ có thể bị đứt hoặc không đều.

Mỗi ngày, một người thợ lành nghề chỉ có thể xử lý khoảng 200-250 cuống sen để tạo ra lượng tơ đủ dệt một đoạn ngắn. Sau khi thu sợi, các công đoạn tiếp theo như kéo sợi, xe sợi và dệt đều được thực hiện thủ công, đảm bảo giữ được tính tự nhiên và độ mềm mịn của lụa tơ sen. Để sản xuất một chiếc khăn lụa tơ sen dài 1,7 mét, bà cần sử dụng khoảng 4.800 cuống sen và mất hơn một tháng làm việc liên tục, trong đó có 7 ngày thêu họa tiết.

 Khăn lụa tơ sen. Ảnh: Mai Loan.

Khăn lụa tơ sen. Ảnh: Mai Loan.

Điểm đặc biệt của lụa tơ sen là sự nhẹ nhàng, mềm mại nhưng vẫn rất bền. Lụa giữ được hương thơm dịu dàng, thanh khiết của sen, đồng thời có màu sắc tự nhiên. Đây chính là giá trị độc đáo khiến lụa tơ sen trở thành một sản phẩm sang trọng và đẳng cấp.

“Cây sen vốn thanh cao, rễ cắm xuống bùn mà hoa lại tỏa hương thơm ngát. Hiếm có loài hoa nào mà dù cả cánh đồng nở hoa dày đặc, nhưng hương thơm lại vô cùng dễ chịu, thư giãn, không hề gây cảm giác khó chịu vì nồng đượm. Chiếc khăn lụa tơ sen như mang theo cả hồn quê hương trong từng sợi tơ, mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát, hương sen thoang thoảng, vương vấn trên vai người quàng", nghệ nhân Phan Thị Thuận chia sẻ.

Sản phẩm lụa tơ sen của bà Thuận nhanh chóng được đánh giá cao trong và ngoài nước. Ngoài khăn quàng cổ, còn có áo choàng làm từ lụa tơ sen. Những sản phẩm này không chỉ được xem là sản phẩm thời trang cao cấp mà còn mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Lụa tơ sen là kết tinh của thiên nhiên và trí tuệ, thể hiện sự hòa quyện giữa con người và môi trường.

Không dừng lại ở việc tạo ra sản phẩm, bà Phan Thị Thuận còn biến lụa tơ sen thành biểu tượng của sự bền vững và thân thiện với môi trường. Quy trình sản xuất hoàn toàn thủ công, không sử dụng hóa chất hay máy móc hiện đại, đảm bảo giảm thiểu tối đa tác động đến thiên nhiên.

Mời quý độc giả xem video: Nghệ nhân Phan Thị Thuận giới thiệu về tơ sen. Thực hiện: Mai Loan.

Mai Loan

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/tri-thuc-viet-toan-cau/nghe-nhan-phan-thi-thuan-doc-dao-ky-thuat-det-lua-to-sen-2072148.html