Nghệ nhân Rơ Châm Tih: Cả đời gắn bó với văn hóa dân tộc
Gần 20 năm xa ruộng rẫy, nghệ nhân Rơ Châm Tih (làng Jut 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) sống được với nghề chế tác nhạc cụ dân tộc, ngay cả khi các sản phẩm văn hóa bản địa thiếu sức hút với giới trẻ.
Cách đây hàng chục năm, nghệ nhân Rơ Châm Tih đã là Chủ nhiệm Hợp tác Chế tác nhạc cụ dân tộc và Đồ thủ công mỹ nghệ ở phường Thắng Lợi, TP. Pleiku. Đây cũng là mô hình đầu tiên của tỉnh lúc bấy giờ. Danh tiếng của nghệ nhân lan xa, nhiều bạn trẻ người bản địa ở các tỉnh Tây Nguyên tìm đến ông xin học nghề. Dù “dốc hết gan ruột” để truyền nghề nhưng sống được với nghề như ông lại không có mấy người.
Nghệ nhân Rơ Châm Tih chia sẻ: “Mới đây, sau đêm nhạc của Nghệ sĩ Nhân dân Rơchăm Phiang tại Pleiku, 1 giảng viên Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã đặt tôi làm 5 bộ đàn t’rưng cỡ đại với giá 3,5 triệu đồng/bộ. Đây không phải lần đầu tôi nhận đơn đặt hàng như vậy. Một số trường đào tạo âm nhạc và sinh viên đang theo học chuyên ngành nhạc dân tộc cũng thường xuyên đặt hàng, chủ yếu là đàn t’rưng”.
Sự tin tưởng của khách hàng chuyên nghiệp là sự xác tín đối với các loại nhạc cụ do nghệ nhân Rơ Châm Tih chế tác. Ngoài nhạc cụ truyền thống có giá trị sử dụng, nhiều năm nay, nghệ nhân tài hoa này còn làm các loại nhạc cụ, mô hình nhà rông, tạc tượng gỗ dân gian thu nhỏ thành sản phẩm làm quà lưu niệm.
Trong nhiều sự kiện văn hóa của tỉnh, trưng bày sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu hay các hội chợ, ông miệt mài mang sản phẩm đi giới thiệu. Các sản phẩm văn hóa mang tính thẩm mỹ cao, làm thủ công có khi chỉ bán với giá trên trăm ngàn đồng. Sản phẩm đắt nhất có lẽ là những cây đàn t’rưng cỡ đại 3 tầng cũng chưa tới 4 triệu đồng. Đây vừa là sản phẩm có giá trị trang trí, vừa có giá trị sử dụng nên cũng là mặt hàng thường xuyên được khách đặt mua.
Hàng ngày, quầy hàng mang tính văn hóa của nghệ nhân Rơ Châm Tih thu hút không nhiều người tham quan, mua sắm. Nhưng ông cho đó là thành công bởi ít ra, sản phẩm văn hóa còn có sức hút, khơi gợi sự thích thú tìm hiểu. Đôi khi không bán được sản phẩm nào trong suốt sự kiện, ông vẫn sẵn sàng biểu diễn nhạc cụ, say sưa giới thiệu đến du khách. Những lần quảng bá văn hóa vô tư như vậy lại có sự hữu duyên với khách hàng.
Nghệ nhân Rơ Châm Tih kể: “Có người ở các tỉnh, thành gọi điện đặt mình làm đàn t’rưng, làm một số nhạc cụ truyền thống khác dù mình không biết họ là ai. Họ nói tin tưởng mình vì đã thấy sản phẩm ở hội chợ, các sự kiện hoặc được bạn bè giới thiệu. Nhờ vậy mà mình có đơn hàng lai rai”.
Sau những lần tham gia sự kiện, gian hàng của nghệ nhân Rơ Châm Tih thường phong phú hơn, nhiều sản phẩm hơn. Ông cho biết: “Ngoài chế tác nhạc cụ dân tộc, mình còn làm các sản phẩm thủ công truyền thống của người Tây Nguyên và giới thiệu chúng như những sản phẩm văn hóa. Khi nào mình còn khỏe, mình sẽ kể về vùng đất này, về cuộc sống người Tây Nguyên thông qua sản phẩm làm ra. Chính từ trong lao động và sinh hoạt văn hóa, người bản địa đã sáng tạo ra những giá trị độc đáo như: gùi, đàn gió, đàn goong… Kho tàng nhạc cụ lẫn đồ thủ công của người Tây Nguyên hay và phong phú lắm, mỗi sản phẩm đều có lý do ra đời, có một câu chuyện gắn với cuộc sống”.
Tại Tuần lễ Văn hóa ẩm thực do Bảo tàng tỉnh tổ chức mới đây, nghệ nhân Rơ Châm Tih cũng có 1 quầy hàng trưng bày và bán các sản phẩm văn hóa do ông chế tác. Đó là một không gian Tây Nguyên thu nhỏ, chạm vào đồ vật đều cảm nhận thấy nhịp sống hài hòa của con người với tự nhiên. Hay nói cách khác, ông mang cả thế giới tự nhiên thu vào từng đồ vật. Nghệ nhân Rơ Châm Tih cho hay, gần 20 năm xa ruộng rẫy, chỉ sống bằng nghề truyền thống nhưng trong ông, sợi dây kết nối với mạch sống cội nguồn chưa bao giờ đứt đoạn.
“Mình dự định xây dựng một nhà trưng bày các sản phẩm về Tây Nguyên. Đó là những sản phẩm do mình làm ra để giúp thế hệ con cháu hiểu về truyền thống văn hóa của ông bà. Qua tham gia các hoạt động, mình thấy khách du lịch rất thích sản phẩm văn hóa bản địa nên đây cũng là cách để quảng bá văn hóa-du lịch, lại vừa giúp mình kiếm sống”-nghệ nhân Rơ Châm Tih chia sẻ.