Nghệ nhân tạo hình rối nước Đào Thục: Khát khao gìn giữ bản sắc văn hóa

Làng Đào Thục (Thụy Lâm, Đông Anh, Hà Nội) từ lâu đã được biết đến với truyền thống lưu giữ nghệ thuật trình diễn dân gian múa rối nước.

Những con rối nước đều được chính bàn tay nghệ nhân tạo hình. Ảnh: Hoài Ninh

Những con rối nước đều được chính bàn tay nghệ nhân tạo hình. Ảnh: Hoài Ninh

Hiện nay tại làng, nghệ nhân Nguyễn Văn Phi là một trong số ít người lựa chọn tiếp tục gắn bó với kỹ thuật chế tác rối.

Làm nghề bằng cái tâm

Sinh ra và lớn lên ở làng múa rối nước có lịch sử hơn 300 năm, có bố từng là Phó Trưởng Phường múa rối Đào Thục, nghệ nhân Nguyễn Văn Phi từ sớm đã được tiếp xúc và bén duyên với nghề tạo hình con rối.

“Hiện tại, tôi là một trong số ít những người ở làng lựa chọn công việc chế tác rối nước. Tôi có cơ hội được tiếp cận với nghề từ khi còn nhỏ và chính thức gắn bó với công việc đã hơn 10 năm nay. Việc chế tác rối nước không chỉ là một nghề, mà còn là một phần của cuộc sống và tâm hồn tôi”, nghệ nhân Nguyễn Văn Phi chia sẻ.

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, nghệ nhân Nguyễn Văn Phi cho biết, nghề chế tác rối nước không nặng nhọc về thể chất, song đòi hỏi người làm phải có sự tỉ mỉ, chính xác đến từng chi tiết và phải thật sự rất kiên trì. Thách thức lớn nhất chính là làm sao để tạo cho mỗi con rối có được cái “hồn”. Một con rối đẹp không chỉ cần hình dáng cân đối, màu sắc hài hòa, mà quan trọng nhất là phải có “thần”, truyền tải được cảm xúc và câu chuyện của nhân vật.

Những ngày đầu theo nghề, ông Phi có rất nhiều trăn trở. Không được đào tạo bài bản, tất cả kiến thức đều do ông tự mày mò, học hỏi từ những người đi trước và đúc rút kinh nghiệm, bài học qua từng sản phẩm. Ông tâm sự, từng có những đêm mất ngủ chỉ để suy nghĩ làm thế nào để con rối của mình không chỉ đẹp, mà còn linh hoạt, đạt được chuyển động uyển chuyển khi biểu diễn trên mặt nước.

Nghệ nhân khẳng định, lựa chọn con đường nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật dân gian và nghệ thuật tạo hình chưa bao giờ là con đường dễ dàng. Khác với những loại hình sân khấu khác, múa rối nước là loại hình nghệ thuật biểu diễn dưới nước đòi hỏi người nghệ nhân tạo hình phải am hiểu cả về cơ chế hoạt động của rối, cách vận hành, điều chỉnh rối.

Để làm ra một con rối hoàn chỉnh, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn, từ chọn gỗ, tạo hình thô, đến sơn và trang trí. Mỗi bước đều yêu cầu sự tỉ mỉ, cẩn trọng, vì chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể khiến con rối bị lỗi, không đạt yêu cầu.

Nếu một con rối chỉ đẹp nhưng không thể chuyển động uyển chuyển, không thể biểu đạt được câu chuyện thì coi như thất bại. Chính vì vậy, ngoài khả năng điêu khắc, người làm rối nước còn phải hiểu về nghệ thuật trình diễn, về nhịp điệu và sự phối hợp với nghệ nhân biểu diễn.

“Có những con rối đơn giản chỉ mất vài ngày để hoàn thành, nhưng cũng có những nhân vật phức tạp, người thợ phải mất cả tháng trời mới có thể hoàn thiện. Điều quan trọng nhất là mỗi con rối khi ra đời phải có một cái hồn riêng biệt, tạo sự sống động trên sân khấu.

Múa rối là nghệ thuật dân gian, mỗi một khúc gỗ thể hiện cho tâm hồn của một con người, nó phải có giá trị. Để có thể theo đuổi nghề, ngoài sự kiên trì, tâm huyết, người nghệ nhân còn cần một tình yêu lớn với nghệ thuật truyền thống”, nghệ nhân Nguyễn Văn Phi trải lòng.

 Nghệ nhân Nguyễn Văn Phi - phụ trách kỹ thuật của Phường múa rối nước Đào Thục. Ảnh: Hoài Ninh

Nghệ nhân Nguyễn Văn Phi - phụ trách kỹ thuật của Phường múa rối nước Đào Thục. Ảnh: Hoài Ninh

Khát khao giữ lửa nghề

Chia sẻ với phóng viên, nghệ nhân Nguyễn Văn Phi bày tỏ sự lo lắng về tương lai của loại hình nghệ thuật này khi mà sự quan tâm của công chúng còn hạn chế. Theo ông, khi loại hình nghệ thuật này không còn thu hút được khán giả thì số lượng người theo nghề chế tác cũng sẽ ít dần đi.

“Có lúc, tôi cũng chạnh lòng, tự hỏi rằng nếu không có người kế thừa thì nghề này sẽ đi về đâu. Mặc dù, hiện nay tại địa phương cũng có những người trẻ theo học nghề, nhưng để thành công thì không nhiều vì từ việc biết nghề đến việc thạo nghề, tạo ra được linh hồn cho nhân vật thực sự cần lòng kiên trì và thật sự yêu nghề. Có nhiều bạn đang theo học thì bỏ cuộc giữa chừng vì cảm thấy không đáp ứng được công việc”, nghệ nhân Nguyễn Văn Phi trăn trở.

Hơn 10 năm qua, nghệ nhân Nguyễn Văn Phi đã âm thầm đóng góp, gìn giữ kỹ thuật tạo hình rối nước và sự phát triển của nghệ thuật trình diễn dân gian múa rối nước Đào Thục. Những năm gần đây, loại hình nghệ thuật này đón nhận được nhiều sự quan tâm hơn không chỉ khách trong nước, khách quốc tế cũng tìm đến nhiều hơn.

Đặc biệt, năm 2023, di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật trình diễn dân gian múa rối nước Đào Thục được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điều đó khiến người nghệ nhân của làng Đào Thục càng khát khao giữ lửa nghề.

“Giữ nghề không chỉ là duy trì việc tạo hình rối nước, mà còn phải truyền dạy cho thế hệ sau. Một làng nghề chỉ có thể tồn tại lâu dài khi có sự tiếp nối giữa các thế hệ. Tôi luôn mong mỏi có sự tiếp nối từ thế hệ tương lai của đất nước. Đã có rất nhiều bạn trẻ cả trong và ngoài nước đến để học hỏi, trải nghiệm. Có những sinh viên ngành điêu khắc từ Mỹ xa xôi về Đào Thục tìm tôi nhờ hướng dẫn”, nghệ nhân Nguyễn Văn Phi bày tỏ.

Con rối Việt Nam không chỉ là món đồ chơi dân gian, mà là một nghệ thuật sống động, chứa đựng hồn cốt văn hóa dân tộc. Nghệ nhân Nguyễn Văn Phi vẫn luôn tự hào, bản thân đã giữ được ngọn lửa đam mê để nghề rối được gìn giữ và phát triển. Sắp tới, nghệ nhân dự định sẽ mở lớp dạy múa rối nước cho con em trong làng với hy vọng tìm kiếm thêm được những tài năng tâm huyết với nghề truyền thống của cha ông. Đồng thời, ông cũng bày tỏ mong muốn làng Đào Thục và các làng múa rối khác không chỉ là làng nghề mà sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách.

Hà Trang - Hoài Ninh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nghe-nhan-tao-hinh-roi-nuoc-dao-thuc-khat-khao-gin-giu-ban-sac-van-hoa-post725890.html