Nghệ nhân Thu Ba - Người 'giữ lửa' đờn ca tài tử
Hơn 43 năm qua, nghệ nhân Thu Ba (tên thật Nguyễn Hồng Tâm (SN 1963) ngụ Khóm 3, Phường 6, TP Cao Lãnh) gắn bó, cống hiến hết mình cho nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT). Không chỉ trọn niềm đam mê nghệ thuật, nghệ nhân Thu Ba còn dành tâm huyết cả đời truyền dạy nghệ thuật ĐCTT cho thế hệ trẻ.
Trọn vẹn niềm đam mê
Xuân Giáp Thìn 2024, nghệ nhân Thu Ba bước sang tuổi 61 nhưng giọng ca, ngón đờn của ông vẫn ngọt ngào, đầy truyền cảm như ngày nào. Đối với nghệ nhân Thu Ba, ĐCTT dường như trở thành người bạn đồng hành, thấm vào máu thịt, là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của ông.
Chia sẻ về tình yêu nghệ thuật của mình, nghệ nhân Thu Ba cho rằng, đó là cái duyên ông đã ươm mầm từ khi còn nhỏ. Ngày xưa, ông có thói quen chăm chú lắng nghe cha của mình và những người bạn đàn, hát giải trí sau những giờ lao động mệt nhọc. Những giai điệu trầm bổng cùng sự đồng điệu trong tâm hồn đã nuôi dưỡng cho tình yêu nghệ thuật của ông lớn dần theo năm tháng. Từ những buổi ngồi nghe đàn, hát, nghệ nhân Thu Ba được cha, các chú dạy đàn, ca tài tử. Nhờ có năng khiếu nên đến năm 18 tuổi, ông sử dụng thành thạo đàn kìm, đàn cò, đàn guitar phím lõm và ca được 20 bài bản tổ ĐCTT.
Với niềm đam mê nghệ thuật, năm 1980, nghệ nhân Thu Ba “đầu quân” cho Đoàn Cải lương Sen Hồng (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp). Từ đó, ông được trau dồi kỹ năng đàn, ca nên tài năng nghệ thuật của ông ngày càng được phát huy. Năm 1990, nghệ nhân Thu Ba trở về quê sinh sống và tham gia Câu lạc bộ ĐCTT thị xã Cao Lãnh (nay là TP Cao Lãnh). Nghệ nhân Thu Ba tập hợp, dẫn dắt nhiều thế hệ tài tử gắn bó với nghệ thuật ĐCTT. Đặc biệt, ông nhiệt tình tham gia biểu diễn tại các sự kiện, lễ hội văn hóa của TP Cao Lãnh, của tỉnh, góp phần quảng bá nghệ thuật ĐCTT đến du khách. Ngoài ra, nghệ nhân Thu Ba từng tham gia và đạt nhiều giải thưởng tại các liên hoan ĐCTT cấp thành phố, tỉnh, khu vực, Quốc gia.
Nghệ nhân Thu Ba bộc bạch: “Lúc nào tôi cũng yêu mến nghệ thuật ĐCTT và luôn trau dồi, học tập để ngày càng tiến bộ hơn. Có những lúc tôi gặp trắc trở trong cuộc sống vì kinh tế gia đình khó khăn, tưởng chừng như phải bỏ nghề. Tuy nhiên, chính tình yêu, niềm đam mê cháy bỏng dành cho nghệ thuật giúp tôi tiếp tục bám trụ, gắn bó với ĐCTT đến ngày hôm nay”.
“Truyền lửa” đờn ca tài tử
Cùng với niềm đam mê nghệ thuật, nghệ nhân Thu Ba còn nỗ lực truyền dạy nghệ thuật ĐCTT cho nhiều thế hệ tài tử, góp phần đào tạo đội ngũ kế thừa bộ môn nghệ thuật ĐCTT.
Với những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được, nghệ nhân Thu Ba truyền đạt lại cho các thế hệ tài tử trong và ngoài TP Cao Lãnh; hướng dẫn cho các tài tử tham gia các cuộc liên hoan ĐCTT cấp thành phố, tỉnh, khu vực, đem về nhiều giải thưởng cho địa phương. Riêng từ năm 2022 đến nay, nghệ nhân Thu Ba còn tổ chức dạy ĐCTT miễn phí cho thiếu nhi trên địa bàn TP Cao Lãnh. Đến hẹn lại lên, mỗi sáng Chủ nhật hàng tuần, một góc Quán Cà phê Music (Phường 4, TP Cao Lãnh) lại vang lên những tiếng đàn ngọt ngào cùng giọng ca mùi mẫn của nghệ nhân Thu Ba. Đó là buổi học ĐCTT của hơn 10 tài tử “nhí” ở TP Cao Lãnh. Nghệ nhân Thu Ba vừa dạo đàn, vừa ca tài tử cho các em thiếu nhi ca theo. Ca xong một đoạn, nghệ nhân dừng lại để phân tích, chỉ cho các tài tử về cách phát âm, luyến láy, nhấn nhá... để các em ca đúng nhịp và hay hơn.
Không chỉ nỗ lực trong công tác truyền dạy ĐCTT, nghệ nhân Thu Ba còn tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ ĐCTT Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh và đảm nhận vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ ĐCTT TP Cao Lãnh. Nghệ nhân luôn trăn trở phải góp sức, làm sao cho phong trào ĐCTT của TP Cao Lãnh và của tỉnh phát triển. Từ đó, nghệ nhân Thu Ba lên ý tưởng, kế hoạch tổ chức tốt hoạt động sinh hoạt Câu lạc bộ tạo điều kiện cho các tài tử tập dợt đàn, ca để giọng ca, ngón đờn ngày càng trau chuốt, điêu luyện hơn. Truyền dạy, hướng dẫn kinh nghiệm, kỹ năng đàn, ca cho các tài tử, qua đó phát hiện bồi dưỡng các tài tử có tài năng cho phong trào ĐCTT TP Cao Lãnh. Đồng thời, nghệ nhân Thu Ba thường xuyên tham dự các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ ĐCTT tại xã, phường của TP Cao Lãnh nhằm động viên, truyền lửa đam mê nghệ thuật cho các tài tử “miệt vườn” để tài tử gắn bó với nghệ thuật, góp phần duy trì, phát triển phong trào tài tử ở địa phương, phục vụ tốt đời sống tinh thần cho người dân.
Với nhiều tâm huyết dành cho nghệ thuật, hiện nay, nghệ nhân Thu Ba vẫn âm thầm từng ngày lan tỏa niềm đam mê nghệ thuật đến nhiều thế hệ tài tử trong tỉnh. Ghi nhận những cống hiến cho sự nghiệp ĐCTT, nghệ nhân Thu Ba được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú”. Nghệ nhân Thu Ba chia sẻ: “Được nhận danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” là niềm vinh dự, tự hào đối với tôi. Đó là động lực để tôi tiếp tục truyền “lửa” đam mê nghệ thuật cho thế hệ trẻ, góp phần lưu giữ bộ môn nghệ thuật đặc sắc này”.