Nghệ nhân Ưu tú Kim Loan: Một đời đau đáu với thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu

Cùng với cố Giáo sư Ngô Đức Thịnh, Nghệ nhân Ưu tú Kim Loan (hiện là Phó Chủ nhiệm Thường trực Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa đạo Mẫu Việt Nam - trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn tín ngưỡng Việt Nam) là người có tiếng nói mạnh mẽ trong việc giúp xã hội hiểu đúng về giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu.

Từ khi toàn tâm toàn ý phụng sự Mẫu, dù phải trải qua bao cay đắng chông gai, điều tiếng thị phi nhưng chị vẫn chẳng từ bởi chị tin Mẫu luôn bên cạnh tiếp sức cho mình vì hạnh phúc của bách gia trăm họ.

Kim Loan sinh ra là để phụng sự cửa đình, thờ Tam, Tứ phủ, là con của Mẫu như một định mệnh, bởi vì sự ra đời của chị đã như một "huyền thoại" trong dòng tộc.

Khi đó, mẹ chị đang là lãnh đạo đội du kích Hoàng Ngân ở quê nhà Hưng Yên. Bà thường ẩn nấp trong đền Mẫu Tân La (nay thuộc thành phố Hưng Yên), lúc thì nấp trên nóc đền, lúc lại nấp dưới những đống chiếu trong đền để chỉ đạo chị em đánh giặc. Khi bà mang bầu chị đến tháng thứ ba thì có một đêm bà mơ thấy một con mèo đen từ trên nóc đền Tân La rơi vào lòng bà.

Sau đó, bà sinh ra chị đúng giờ Sửu, ngày 17 tháng 3 năm Kỷ Hợi (tức ngày 24 tháng 4 năm 1959), trùng với Mẫu giáng đền Tân La. Lớn lên, chị cũng đã có thời gian sống trong chùa Bà Bẩy ở Kiến An, Hải Phòng gần nơi cha làm việc, khi đó cha chị là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 363 pháo cao xạ với nhiệm vụ bảo vệ thành phố Cảng thân yêu. Những đêm nằm trong chùa, chị thường mơ đến đầu trâu mặt ngựa mà sau này khi đã nghiên cứu về đạo Mẫu, chị mới nghe những người đồng già nói là tâm linh đưa linh vật trông coi chị.

Cái tên Kim Loan thực sự được biết đến vào năm 2013, khi chị đứng ra tổ chức hội thảo khoa học có quy mô và mức độ lan tỏa rộng khắp ở đền Tân La để nói về sức mạnh của Tân La, để khẳng định với công chúng rằng, đạo Mẫu không phải là mê tín dị đoan.

Đồng thời cũng trong năm ấy chị đã chuyển hệ điện từ Hồng Đức linh điện chuyển sang Tân La vọng từ. Khi ấy, Giáo sư Ngô Đức Thịnh đã tặng chị một cây tính tẩu (đàn tính) và dặn: "Từ khi tôi bước vào nghiên cứu đạo Mẫu, một người dân tộc đã tặng tôi cây đàn này và nói là: Ông hãy cầm đàn này để nghe tiếng rừng núi nói".

Cũng chính từ sự tin tưởng của vị giáo sư đáng kính này, Kim Loan hiểu rằng, trách nhiệm đặt lên vai mình là phải giúp cộng đồng nói chung và các thanh đồng nói riêng có cái nhìn đúng về tín ngưỡng thờ Mẫu, để tín ngưỡng thờ Mẫu được lan tỏa trong cộng đồng trong nước và quốc tế.

Năm 2014, chị là một trong 13 người của Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn tín ngưỡng Việt Nam (do Giáo sư Ngô Đức Thịnh làm trưởng đoàn) đã lần đầu tiên mang tín ngưỡng thờ Mẫu đến với bạn bè quốc tế trong Liên hoan Văn hóa thế giới được tổ chức tại thành phố Gannat (Cộng hòa Pháp), với sự tham gia của 16 quốc gia. Khi ấy, ngoài đoàn của Giáo sư Ngô Đức Thịnh, Việt Nam có thêm một đoàn nữa của Cồng chiêng Tây Nguyên (có 25 người) tham gia.

"Chúng tôi xác định chuyến đi này là để lan tỏa giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu ra toàn bộ cộng đồng quốc tế, để tăng sức mạnh cho sự xét duyệt di sản, vì thế ai nấy đều rất cố gắng, nỗ lực. Giáo sư Ngô Đức Thịnh đã giới thiệu cụ thể, chi tiết về đạo Mẫu trong hội trường với sự tham gia của hơn 100 nhà khoa học của Pháp và các nước lân cận, trong đó có những người có mặt trong Hội đồng xét duyệt di sản của UNESCO. Còn tôi là người đại diện cho 7 thanh đồng trong chuyến đi này, khoác áo hầu Thánh để minh chứng cho vấn đề tâm linh tiếp vô của con người như thế nào", nữ nghệ nhân chia sẻ.

Nhưng vấn đề là trong hội trường biểu diễn lại không cho đốt hương để đảm bảo phòng ngừa cháy nổ, hơn nữa người Pháp lại chỉ nghe đàn hát mộc mà không nghe qua loa.

Nghệ nhân Kim Loan kể: "Hát vo, đàn nhạc không có loa, hương khói cũng không, quả thật lúc đầu chúng tôi hơi hoang mang, liệu Mẫu có lên không? Nhưng rồi, khi tôi vừa hầu song kiếm xong (tích của bà Bát là vừa song kiếm vừa song cờ) thì tự dưng ở hàng ghế dưới sân khấu có một thanh niên Việt kiều Pháp ở Paris rút giày ra và đi lên sân khấu. Cậu ấy cầm hai kiếm khua, còn tôi thì khua cờ trước sự vỗ tay nồng nhiệt của mọi người. Chỉ khi ấy, người ta mới tin được rằng: Tâm linh đã chuyển từ người này sang người khác tạo ra bóng đồng mà không hề có khói hương. Người ta nói phi vật thể là ở đây".

Nghệ nhân Ưu tú Kim Loan trong một lần hầu đồng.

Nghệ nhân Ưu tú Kim Loan trong một lần hầu đồng.

Cũng chính từ cuộc biểu diễn thành công ngoài mong đợi ấy mà mỗi năm chị và các thành viên của Trung tâm lại bỏ tiền túi mang tín ngưỡng thờ Mẫu đi giới thiệu ở nhiều nước trên thế giới, như: Canada, Cu Ba, Hy Lạp, Myanmar, Singapore, Ấn Độ… Và với sự lan tỏa của những hoạt động như thế năm 2016, tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam đã là di sản thứ 11 được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Có được vinh dự này, có lẽ không thể không nhắc đến công lao của Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn tín ngưỡng Việt Nam, nhắc đến cá nhân Giáo sư Ngô Đức Thịnh, nghệ nhân Kim Loan. Với những đóng góp không nhỏ cho đạo Mẫu Việt Nam, năm 2019, chị đã được Nhà nước công nhận là Nghệ nhân Ưu tú (cùng đợt với 16 nghệ nhân trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể thờ Tam phủ của người Việt).

Sau khi tín ngưỡng thờ Mẫu dân gian được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì chính nó lại biến tướng, bị thương mại hóa.

"Khác với trước đây các thanh đồng được ăn, được nói, được thể hiện mình ở khắp mọi nơi. Tín ngưỡng thờ Mẫu từ việc bị coi là mê tín dị đoan giờ đây đã trở thành di sản thế giới, vậy thì nó đã lên một tầng cao mới là người Việt Nam bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nhưng điều đó lại làm các thanh đồng sa đà vào việc kiếm tiền. Nguy hiểm hơn là nhiều thế lực đã lợi dụng những người làm tâm linh để chống phá Đảng, Nhà nước, phá nền tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo ngàn đời của đất nước ta. Song song với đó tín ngưỡng này bị biến tướng bởi đồng bóng đang tràn ngập khắp mọi nơi với tốc độ không thể kiểm soát được", nữ nghệ nhân trăn trở.

Với góc nhìn của người nghiên cứu đạo Mẫu lâu năm, nghệ nhân Kim Loan cho biết, phải quản lý lại hoạt động của các thanh đồng. Bởi hiện nay có quá nhiều thanh đồng chưa có trình độ chuyên môn, chưa có cái tâm trong sáng.

Đó là chưa kể nhiều hiệp hội trá hình nổi lên, có hiệp hội đúng, hiệp hội sai, nên việc đầu tiên cần làm là phải quy tụ lại, cái gì xứng đáng thì giữ lại để duy trì, phát triển, cái gì không xứng đáng thì xóa bỏ, tránh phiền hà cho nhân dân bởi vì do chính điều đó mà nhân dân, cộng đồng đã hiểu sai về sự thanh tú của thanh đồng.

Tức là làm việc nhà Thánh nhưng thanh đồng vẫn là công dân Việt Nam nên phải chịu quản lý và sự điều tiết của pháp luật Việt Nam. Chính vì vậy, chị luôn đau đáu về việc mở lớp bồi dưỡng bổ túc kiến thức cho các thanh đồng để họ có thể tiếp cận với các nghị định, chính sách của Đảng, Nhà nước, từ đó nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu.

Ở tuổi 61 nhưng Nghệ nhân Ưu tú Kim Loan không cho phép mình nghỉ ngơi, chị vẫn đắm say, nhiệt huyết, trăn trở với tín ngưỡng thờ Mẫu dân gian. Chị luôn ý thức được trách nhiệm của mình là phải bảo tồn và phát triển đạo Mẫu, ra sức lan tỏa tín ngưỡng dân gian này sao cho xứng đáng với sự vinh danh của cộng đồng quốc tế.

Ngô Khiêm

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/sau-nua-tieng-bat-duoc-hung-thu-sat-hai-nguoi-tinh-cuop-tai-san-610120/