Nghệ nhân Ưu tú Ngô Văn Đảm: 'Kho tư liệu sống' của âm nhạc dân tộc
Nếu có cuộc bình chọn người cao tuổi nhất ở Hà Nội đang hoạt động âm nhạc dân tộc sôi nổi thì không thể không nhắc đến Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Ngô Văn Đảm. Ở tuổi 93 nhưng bất cứ cuộc biểu diễn nào của Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam (thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam), nơi NNƯT Ngô Văn Đảm là Trưởng ban Nghiên cứu, ông đều có mặt. Thông thạo đàn bầu, đàn đáy, đàn nhị, đàn nguyệt và có vốn hiểu biết sâu sắc về ca trù, chèo, xẩm, quan họ, chầu văn, ông được Giám đốc Trung tâm - nhạc sĩ Thao Giang đánh giá là 'kho tư liệu sống' của âm nhạc dân tộc.
Nghệ nhân Ưu tú Ngô Văn Đảm.
1. Người dân Thủ đô hẳn đã quen thuộc với hình ảnh ca nương Vân Mai hát ca trù trên tuyến phố đi bộ và một số đình, đền, thế nhưng ít người biết rằng người đánh trống chầu cho cô trong suốt mấy chục năm qua là NNƯT Ngô Văn Đảm. Thực ra, biểu diễn trống chầu chỉ là một phần trong công việc của ông, bởi ông còn tham gia dạy học và hoạt động như một nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc. Năm 2005, khi Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam được nhạc sĩ Thao Giang và Giáo sư Phạm Minh Khang thành lập với mục đích giảng dạy âm nhạc dân tộc miễn phí và xây dựng đội ngũ những người tâm huyết với âm nhạc dân tộc thì cái tên Ngô Văn Đảm được “nhắm” đầu tiên.
Am hiểu các loại hình âm nhạc dân tộc là thế nhưng NNƯT Ngô Văn Đảm lại chưa từng trải qua trường lớp chính quy nào. Tất cả kiến thức có được ngày hôm nay đều do ông chăm chỉ học từ các nghệ nhân ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào. Ông kể, ngày nhỏ nhà rất nghèo, không có điều kiện đi học nhưng lại được ông ngoại dạy chữ Nho. Ông thường theo bà ngoại đi làm thuốc ở nhiều miền quê nên có điều kiện tiếp xúc với xẩm trước năm 1945. Hơn nữa, ở làng ông - thôn Cao Bạt, xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình - khi ấy, nghề thủ công phát triển kéo theo nhiều loại hình âm nhạc dân tộc phát triển theo. Năm lên 6 tuổi, ông đã tiếp xúc với trống cơm, 8 tuổi đã kéo được nhị, lên 9 tuổi thạo trống chầu.
“Ngày ấy thương lái và quan lại thường về làng tôi nghe hát cô đầu. Những hôm trời nóng bức là có cánh lính đứng quạt nên tôi thường “nháy nháy” họ ra ngoài để tôi quạt cho. Họ có biết đâu là tôi đứng quạt nhưng đầu thì tập trung vào lời ca, tiếng hát, nhịp điệu, chú ý từng động tác và cách chơi các loại nhạc cụ để học lỏm, và đó là trường học lớn nhất của đời tôi. Càng tự học, tự tìm hiểu, đọc nhiều loại sách, tôi thấy ca trù là sân chơi của tầng lớp quý tộc, và dù là con nhà nghèo nhưng tôi rất mê nó. Vì thế, khi về Hà Nội sinh sống, tôi thường đến nhà Nghệ sĩ Nhân dân Quách Thị Hồ - một bậc thầy về ca trù - để học. “Món” xẩm thì tôi được lĩnh giáo từ Nghệ sĩ Ưu tú Hà Thị Cầu, và sau đó được ông “trùm” Nguyên nổi tiếng hát xẩm ở Hà Nội những năm 50 - 60 của thế kỷ trước truyền nghề”, NNƯT Ngô Văn Đảm nhớ lại.
2. Nhiều lần ghé qua nhà NNƯT Ngô Văn Đảm ở phố Quan Nhân (Hà Nội), tôi thấy ông vẫn cặm cụi sáng tác trên trang giấy cũ mèm. Khi thì thấy ông soạn lời mới cho bài chèo “Lới lơ” phục vụ cho công việc dạy học tại Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, khi lại thấy ông làm thơ với niềm lạc quan phơi phới. Nét chữ thật rắn rỏi, nắn nót và bay bổng như con người và tính cách của ông vậy.
Căn phòng ông đang ở rộng chừng 15m2, phần lớn để tài liệu và các loại nhạc cụ, còn đồ dùng sinh hoạt thì hết sức đơn giản. Có lẽ tấm bằng của Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu NNƯT “vì đã có cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc” là nổi bật nhất, được đặt trang trọng trong căn phòng. Mùa xuân này, ông đang đợi thêm niềm vui nữa khi trong năm 2020 ông là NNƯT cao tuổi nhất trong bộ môn ca trù được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ III - năm 2021.
Không ít người thắc mắc tại sao một người lớn tuổi như ông vẫn tham gia biểu diễn thường xuyên trong các địa điểm tâm linh ở Hà Nội. Ông giải thích: “Cùng lứa với tôi nhiều bạn bè đã về với tiên tổ, còn tôi may mắn vẫn được trời cho sống và còn sức khỏe. Bởi thế, không có lý do gì để tôi dừng lại. Việc Thành phố mở tuyến phố đi bộ là đã trao cho những nghệ nhân ca trù như chúng tôi cơ hội tiếp cận với khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, thế hệ chưa có nhiều điều kiện để hiểu về ca trù. Hơn nữa, việc nhìn thấy một ông cụ ở tuổi U100 vẫn biểu diễn ca trù sẽ có tác dụng khích lệ, động viên những người trẻ tìm hiểu cái hay, cái đẹp của loại hình âm nhạc dân tộc đặc sắc này".
3. Hơn nửa thế kỷ sinh sống tại Thủ đô, NNƯT Ngô Văn Đảm từ lâu đã coi đây chính là quê hương thứ hai của mình. Ông luôn mong muốn ca trù ở Hà Nội sẽ phát triển rực rỡ như thời vàng son từ thế kỷ XIX. Theo ông quan sát, những năm gần đây di sản ca trù ở Hà Nội tuy đã được hồi sinh, phát triển, song còn thiếu tính bền vững. Để bảo tồn và phục hưng môn nghệ thuật bác học kén người học, người nghe này, đòi hỏi các ngành chức năng đề ra giải pháp mang tính chiến lược nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị của ca trù, xứng đáng là “cái nôi” của nghệ thuật ca trù cả nước. “Hiện nay, ở một số câu lạc bộ ca trù, giáo viên phải đi vận động chứ số người tự nguyện đến xin học rất ít. Số giáo viên dạy ca trù cũng không nhiều bởi họ không sống được bằng nghề. Họ yêu nghề nên dạy thêm thôi, còn phải làm nghề khác để kiếm sống”, ông trăn trở.
Nỗi trăn trở ấy nặng trĩu trên đôi vai ông, và dù biết rằng “một cánh én không làm nên mùa xuân” nhưng ông vẫn cố gắng nhất có thể để không hổ thẹn với tổ nghề. Tự nhận mình là một nghệ sĩ đường phố, ông luôn tin vào sự phát triển và hồi sinh của ca trù nói riêng và các loại hình âm nhạc dân tộc nói chung. Bởi với ông đó là lẽ sống, là “vũ khí tinh thần” để ông vượt qua biết bao biến cố, thăng trầm trong cuộc đời. Ngẫm về cuộc đời ông, về cách ông cống hiến với nghề, chúng ta càng thêm trân quý giá trị của nghệ thuật dân tộc.