Nghệ nhân xứ Mường và khát vọng giữ gìn bản sắc

Có thể nói, việc duy trì và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Hòa Bình có vai trò rất quan trọng của những 'nghệ nhân xứ Mường'.

Hòa Bình cách Hà Nội khoảng 75km về hướng Tây Bắc, là 1 trong 10 tỉnh có người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm tỷ lệ cao, tới 74,43% dân số, gồm các dân tộc: Mường, Thái, Tày, Dao, Mông. Nơi đây được coi là thủ phủ của người Mường, cái nôi của văn hóa Mường. Trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội, người dân địa phương không chỉ mong muốn nâng cao đời sống vật chất mà còn có ý thức mạnh mẽ về việc giữ gìn bản sắc văn hóa, cả vật thể và phi vật thể. Trong đó, những nghệ nhân xứ Mường là những người đi tiên phong.

Nghệ nhân xứ Mường và khát vọng giữ gìn bản sắc

Nghệ nhân xứ Mường và khát vọng giữ gìn bản sắc

Nói đến văn hóa Mường ở Hòa Bình, nhiều người nhắc đến nghệ nhân Bùi Huy Vọng. Ông là một người con đất Mường, yêu văn hóa Mường, tìm tòi, nghiên cứu, sưu tầm và am hiểu về văn hóa dân gian Mường. Hiện ông là ủy viên BCH Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh. Nghệ nhân Bùi Huy Vọng đang sinh sống tại xã Hương Nhượng, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Với vai trò là văn nghệ sĩ, người sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến các giá trị tốt đẹp của văn hóa Mường, ông đã thực hiện cùng lúc nhiều công việc như: Tham gia sưu tầm, khảo cứu, phục dựng các di sản văn hóa Mường đặc sắc ở huyện Lạc Sơn; biên dịch trang tiếng Mường trên Báo Hòa Bình điện tử; tham gia phản biện trong các Hội đồng khoa học do tỉnh thành lập. Ông cũng viết các công trình như: Tục thờ cây Si của người Mường (đã in thành sách); khảo sát tục thờ cúng tổ tiên và các vị thần bảo trợ tại nhà của người Mường; tham gia đề tài nghiên cứu "Bản sắc văn hóa Mường cổ truyền và xu hướng biến đổi hiện nay”; đóng góp vào chuyên đề: Nghề dệt cổ truyền Mường và xu thế biến đổi hiện nay…

Với những nỗ lực không mệt mỏi, năm 2017, nghệ nhân Bùi Huy Vọng được được Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về Văn học-nghệ thuật.

“Tôi bắt đầu nghiên cứu văn hóa Mường từ năm 2001 và được giới thiệu vào Hội văn nghệ dân gian Việt Nam. Các công trình nghiên cứu của tôi về văn hóa Mường được lưu giữ ở nhiều thư viện. Một số nhà nghiên cứu ở Hà Nội cũng tìm đến sách của tôi. Rất vui là có cả những người kinh doanh, họ mở nhà hàng về món ăn Mường họ cũng tìm tôi vì tôi là tác giả của cuốn sách “Ẩm thực dân gian dân tộc Mường”. Sách của tôi không phải sách văn học mà là sách về phong tục tập quán”- Nghệ nhân Bùi Huy Vọng cho hay.

Nghệ nhân Bùi Huy Vọng -

Nghệ nhân Bùi Huy Vọng -

Nếu như người Mường ở Hòa Bình sống rải rác ở khắp các huyện thị thì người Thái lại sống tập trung ở huyện Mai Châu. Tuy sống gần với người Mường lâu đời và đã bị ảnh hưởng nhiều về phong tục, lối sống (đặc biệt là trang phục), nhưng họ vẫn giữ được những nét văn hóa độc đáo. Đây là vốn quý để phát triển du lịch cộng đồng và bảo lưu vốn văn hóa truyền thống. Hiện nay, khu du lịch Bản Lác của người Thái là một trong những điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước hàng đầu ở Hòa Bình.

Nghệ nhân Hà Thị Bích, 61 tuổi, dân tộc Thái ở xã Nà Phòn, huyện Mai Châu là một nghệ nhân hát Khắp Thái (dân ca Thái) nối tiếng. Bà yêu Khắp Thái từ nhỏ và 15 tuổi bắt đầu học hát.

“Làn điệu dân ca Thái có từ bao đời nay, nó thể hiện tình cảm của con người với quê hương, đất nước; giúp cho họ thêm yêu quê hương của mình. Khắp Thái thường được hát vào ngày lễ, ngày Tết như mừng em bé mới sinh, mừng nhà mới hay hát trong các dịp hội họp. Trong lễ hội Xên Mường của người Thái ở Mai Châu thì chúng tôi hát ca ngợi công ơn tổ tiên khai phá ra vùng đất này”- Nghệ nhân Hà Thị Bích cho biết.

Nghệ nhân Hà Thị Bích - dân tộc Thái ở xã Nà Phòn, huyện Mai Châu

Nghệ nhân Hà Thị Bích - dân tộc Thái ở xã Nà Phòn, huyện Mai Châu

Không chỉ đem lời ca tiếng hát của mình phục vụ cho du lịch cộng đồng ở Mai Châu, nghệ nhân Hà Thị Bích mong muốn gây dựng các câu lạc bộ hát Khắp Thái. Bà đã thành lập được 1 câu lạc bộ với 30 người, tập trung học hát 2 buổi tối mỗi tháng. Bà cũng nhiều lần được mời ra Hà Nội để biểu diễn Khắp Thái.

Nghệ nhân Hà Thị Bích tâm sự: “Bảo tồn và giữ gìn được nét đẹp của người Thái là mong muốn lớn nhất của tôi. Đó là tài sản phi vật thể của dân tộc chúng tôi. Mỗi dân tộc có một làn điệu dân ca khác nhau. Sợ mai một đi nên tôi phải cố gắng để giữ gìn nó, không ngừng học hỏi để bồi đắp thêm”

Sau 25 năm hát Khắp Thái, năm 2022, bà Hà Thị Bích được công nhận là nghệ nhân hát Khắp Thái của tỉnh Hòa Bình.

Ông Hà Văn Ngân, Chủ tịch UBND xã Nà Phòn, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình

Ông Hà Văn Ngân, Chủ tịch UBND xã Nà Phòn, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình

Xã Nà Phòn, huyện Mai Châu hiện có hơn 780 hộ với 3320 nhân khẩu, 90% là người dân tộc Thái. Ông Hà Văn Ngân, Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm 2023, xã được hỗ trợ bởi chương trình dự án 8 giúp đồng bào dân tộc miền núi giữ gìn bản sắc. Hiện Nà Phòn đã thành lập được 1 câu lạc bộ hát Khắp Thái và 1 câu lạc bộ múa Keng Loóng nhằm bảo tồn bản sắc của người Thái ở Nà Phòn nói riêng và Mai Châu nói chung. Keng Loóng là sinh hoạt văn hóa dân gian nổi bật của cộng đồng người Thái ở Mai Châu, đã được Bộ VHTT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.”

Cũng ở huyện Mai Châu, nếu như khách du lịch chủ yếu biết đến Bản Lác thì người dân địa phương, không ai không biết đến đền Làng Bôn – ngôi đền thờ gốc tổ của người Thái ở Mai Châu.

Ông Lò Văn Luần - người mặc áo đen ngồi giữa

Ông Lò Văn Luần - người mặc áo đen ngồi giữa

Ông Lò Văn Luần, người trông coi đền Làng Bôn ở xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu từng là một bác sĩ, là trưởng phòng Y tế huyện. Từ năm 18 tuổi, ông đã có ý thức tìm tòi, nghiên cứu, sưu tầm về phong tục tập quán, văn hóa, tín ngưỡng của người Thái ở Mộc Châu. Năm 2020, ông nghỉ hưu, trở về địa phương và trở thành người trông coi đền Làng Bôn. Ông cũng là một thầy Mo Thái nổi tiếng ở Mai Châu.

“Tôi tham gia mạng lưới bảo tồn gốc trí thức bản địa, đã tham gia hội thảo với 7 tỉnh phía Bắc có người Thái thì thấy đặc điểm chung là người Thái có chữ viết, tất nhiên là chữ Thái cổ, có phong tục tập quán, kể cả cách sinh hoạt, ăn uống, cưới xin, ma chay cơ bản giống nhau. Tuy nhiên, mỗi vùng cũng có một chút biến đổi”- Ông Lò Văn Luần cho biết.

Đền Làng Bôn không chỉ là nơi thờ cúng, tri ân tổ tiên của người Thái ở Mai Châu mà còn là nơi diễn ra Lễ hội Sen Mường nổi tiếng của người Thái vào ngày 9-10 tháng 1 âm lịch. Ngôi đền với diện tích hàng ngàn m2 đã trở thành nơi lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Thái vào những ngày lễ hội như các trò chơi dân gian (bắn cù, bắn nỏ, kéo co), hát Khắp Thái hay múa Keng Loóng…

Đền Làng Bôn ở xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu- Hòa Bình

Đền Làng Bôn ở xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu- Hòa Bình

Có thể nói, việc duy trì và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Hòa Bình có vai trò rất quan trọng của những "nghệ nhân xứ Mường”. Đến nay, toàn tỉnh có 18 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú” trong các lĩnh vực di sản văn hóa DTTS, trong đó là người DTTS có 17 nghệ nhân, chiếm 94%. Toàn tỉnh có 1.482 đội văn nghệ quần chúng tại thôn, xóm, tổ dân phố với hàng chục nghìn diễn viên, nghệ nhân không chuyên. Họ chính là những hạt nhân nòng cốt tại cơ sở góp phần bảo tồn, giữ gìn để mạch nguồn văn hóa mãi chảy về sau.

Giáng Hương/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/nghe-nhan-xu-muong-va-khat-vong-giu-gin-ban-sac-post1067598.vov