Nghe nói là

Những ngày cuối tháng 9, lục lọi lại ký ức mạng xã hội của mình, ở đúng cái ngày cuối cùng của hạn nộp bài, một ký ức cũ, được tôi biên dài dằng dặc, từ 8 năm trước, đã kịp trở lại đúng lúc để tôi đủ hứng khởi ngồi vào bàn viết và nói về chuyện rất 'ơ kìa' năm xưa nhưng vẫn không quá 'ơ kìa' nếu soi chiếu vào những hoàn cảnh hôm nay.

8 năm trước, anh Nguyễn Nhật Ánh, một nhà văn tôi quý mến vô cùng, có tham gia trong vai trò khách mời ở một buổi hội thảo ở Hà Nội. Chương trình hội thảo ấy hình như cũng gắn liền với hoạt động ra mắt một tiểu thuyết mới của anh thì phải. Thú thực, tôi quý mến anh Ánh nhưng tôi không đọc tiểu thuyết của anh nhiều.

Những cuốn tiểu thuyết nổi như cồn dành cho tuổi hoa niên của anh với sức sống mạnh mẽ trải qua nhiều thế hệ lại không hợp tạng của tôi lắm. Tôi thích thơ của Nguyễn Nhật Ánh hơn, dù anh ít công bố các tác phẩm thơ của mình. Và hơn hết, tôi thích cách anh nhậu, trò chuyện, cư xử với bạn bè. Ở anh Ánh, tôi nhìn thấy sự chân thành.

Sau buổi hội thảo ấy của anh Ánh, có một giáo sư toán học đã lên đăng đàn trên facebook với một bài viết dài, nói về sự kiện đó và từ đó mở rộng ra đánh giá về rất nhiều hội thảo khoa học đã và vẫn diễn ra khắp cả nước. Phải thừa nhận, vị giáo sư đã có một đánh giá rất đúng mực, sắc bén và chuẩn xác về các hội thảo khoa học hiện nay. Ông chỉ ra được những điểm yếu kém, những hời hợt, những thiếu chuyên môn và tất nhiên là cả những tốn công vô ích. Nhưng ở phần cuối của bài viết, với tít phụ là "Dư chấn", vị giáo sư đưa ra một thông tin đầy giật gân đại ý "nghe nói là Nguyễn Nhật Ánh thuê người khác viết văn cho mình". Và chính cái phần thông tin giật gân kia khiến bài viết đạt lượng ưa thích, chia sẻ, bình luận chóng mặt. Đa số các bình luận xoi mói vào chi tiết "nghe nói là" ấy chứ không hề tập trung vào phần phân tích đầy xác đáng về các hội thảo khoa học hiện nay.

8 năm trước, điều kéo tôi vào bài viết của vị giáo sư nọ chính là một bình luận của một thầy giáo cũ của tôi, thầy hiệu trưởng trường đại học tôi từng theo học. Cũng như chủ nhân của bài viết, thầy tôi cũng là giáo sư toán. Công nhận, dân toán tưởng như khô khan nhưng nhiều người hành văn rất tốt. Thầy tôi cũng không phải là một ngoại lệ. Câu cú của thầy chắc chắn, logic, nhịp nhàng và hơn nữa lại có thêm chút thâm sâu của một người Huế. Nhưng cũng chính từ bình luận của thầy, tôi đã có một tranh luận với thầy về trường hợp Nguyễn Nhật Ánh. Thầy đưa ra chuyện "xưởng sản xuất văn chương" ở Nhật để cho rằng việc thuê người viết thay cho mình cũng là bình thường.

Tôi thì khác. Tôi thừa nhận có chuyện "xưởng viết", với người đứng tên tác giả là người đưa ra ý tưởng, đưa ra khung sườn và gia cố lại những gì mà người ấy thuê các thợ viết gia công cho mình. Song, tôi phủ nhận chuyện Nguyễn Nhật Ánh thuê viết. Thầy tôi thì khăng khăng theo ý rằng "nếu ông Ánh không thuê, sao ông ấy không công khai lên facebook mà giải thích và làm sao không nghi ngờ cho được khi sức viết khỏe đến thế". Trong khi đó, tôi lý giải đơn giản "Nguyễn Nhật Ánh không chơi facebook và bản thân Nguyễn Nhật Ánh cũng không có nhu cầu phải lý giải nghi vấn nào cũng như sức viết của Nguyễn Nhật Ánh khỏe thật nhưng chưa phải là ngưỡng giới hạn của một nhà văn. Có nhiều nhà văn còn viết nhanh, viết khỏe hơn Nguyễn Nhật Ánh nhiều". Nhưng vượt trên tất cả, tôi thắc mắc điều mà giáo sư toán học kia và thầy giáo của tôi vẫn đưa ra làm cơ sở tranh luận. Đó là tính khoa học. Câu hỏi của tôi với thầy rất đơn giản "Nếu căn cứ vào tính khoa học thì không thể ngờ vực một ai đó về tính công chính của họ chỉ dựa vào mấy thứ được gọi là 'nghe nói là'". Đáng buồn, sau tranh luận ấy trên facebook của thầy giáo cũ, thầy đã xóa bình luận của tôi, mặc cho rất nhiều học trò của thầy, cũng là các nhà khoa học tự nhiên trẻ tuổi, vào mắng tôi là "Ếch ngồi đáy giếng".

Cái "nghe nói là" từ câu chuyện cũ ấy đã và vẫn tồn tại cho tới tận ngày hôm nay, trong mọi ngõ ngách đời sống. Chúng ta vốn vẫn hay có thói quen xấu là thích tọc mạch những chuyện riêng tư của người khác và mỗi một khi "nghe nói là" về người đó một cái, chúng ta lập tức dễ dãi cả tin vào cái điều "nghe nói là" ấy. Tôi cũng không biết bao nhiêu lần bị hỏi về các nhân vật trong giới văn nghệ bằng một câu hỏi bắt đầu bằng ba tiếng "nghe nói là". Ai nghe, ai nói và ai là? Những thứ tin đồn kiểu này đang tiêu hao rất nhiều thời gian của chúng ta, và nó cũng khiến năng lượng tiêu cực trong mỗi chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn, con mắt hoài nghi của chúng ta trở nên đục ngầu hơn. Còn nhớ, cách nay chừng hai mươi năm hơn, có một tờ báo có một mục vỏn vẹn chừng 3-4 trăm chữ do một nhạc sĩ đứng tên có tên là "Nghe nói là". Ấy nhưng mà cái mục đó lại toàn thông tin có thật, chứ không phải tin đồn thất thiệt. Còn bây giờ, ngay cả nhiều mục nghe tên có vẻ đáng tin cậy lắm lại đang đi theo đường lối thất thiệt của "nghe nói là".

Tôi cũng mới chứng kiến một chuyện dở khóc dở cười liên quan đến chính bản thân mình. Cách đây cũng chỉ vài tháng, sau một tranh luận trên mạng xã hội, bỗng dưng có một người viết một bài đăng về tôi mô tả tôi như một kẻ chuyên bạo hành gia đình với những tình tiết mà có lẽ chỉ có sống dưới gầm giường nhà tôi mới nắm được. Tất nhiên, với tính khí nóng nảy của mình, tôi lập tức phản pháo, yêu cầu "ba mặt một lời". Để rồi, khi một người thứ 3 quen biết cả hai bên đứng ra dàn xếp, phía bên kia mới xin lỗi với câu trả lời "nghe nói là" rất ỡm ờ. Thế mới hiểu, cái dạng thông tin "nghe nói là" ấy nó có thể xảy ra với bất kỳ ai trong chúng ta, không cứ ta làm nghề gì, mức độ uy tín xã hội nhường nào.

Nhưng điều đáng buồn hơn cả chính là thói quen tin vào cái "nghe nói là" này nó không chỉ là thứ của riêng của đại chúng mà ngay cả những người theo đuổi khoa học, thứ vốn dĩ cần căn cứ trên cơ sở dữ liệu, dữ kiện, phân tích logic… cũng đang chạy theo "nghe nói là" như một bằng chứng tin cậy. Kinh nghiệm "tam sao thất bản" đã không còn được đem ra như một cảnh tỉnh trước khi xử lý thông tin nữa rồi. Không tin, chúng ta có thể lên xem trang facebook cá nhân của những nhân vật được xem là có uy tín về khoa học là chúng ta sẽ hiểu. Không ít người trong số họ đang phân tích tình hình chính trị, xã hội, văn hóa... theo các dữ kiện "nghe nói là". Khi sử dụng dữ kiện kiểu ấy, lương tri khoa học của họ đã không còn tồn tại nữa rồi.

Và điều đáng nói hơn cả là cái bẫy "nghe nói là" này không tha một ai cả. Chúng ta rất dễ dàng sập bẫy, cả tin ngay vào một "nghe nói là" nào đó về một ai khác. Chỉ khi nào chính chúng ta là tâm điểm của cái "nghe nói là" kia, chúng ta mới giật mình nhận ra rằng mức độ nguy hiểm của cái "tai thiên hạ" lớn đến mức độ nào.

Giờ này, không biết thầy tôi có còn nhớ chuyện cũ 8 năm xưa hay không? Tôi chỉ biết rằng, anh Nguyễn Nhật Ánh vẫn thế, vẫn hồn nhiên, vẫn ra mắt các tác phẩm đều đặn, vẫn tụ bạ bạn bè tuần nhậu một bữa ở bàn số 13 mỗi chiều thứ Sáu tại quán Đo Đo. Anh ấy vượt trên tôi và nhiều người ở chỗ anh chẳng buồn quan tâm tới những "nghe nói là" nào cả. Có lẽ, vì anh giữ được tâm hồn thơ trẻ nên mới viết được nhiều cho trẻ thơ. Mà trẻ thơ, vốn dĩ, chẳng bao giờ thích tiếp nhận những điều tiếng tệ hại về người khác.

Hà Quang Minh

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/nghe-noi-la-i708984/