Nghề nuôi cá lồng ở Mường Khiêng
Khai thác lợi thế vùng lòng hồ sông Đà, nhân dân xã Mường Khiêng tập trung phát triển nghề nuôi cá lồng, đánh bắt thủy sản, mang lại thu nhập ổn định.

Mô hình nuôi cá lồng của nhân dân bản Ban Xa, xã Mường Khiêng.
Mường Khiêng có hơn 1.030 ha mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La, với hơn 700 lồng cá; có 2 HTX nuôi thủy sản trên địa bàn đang hoạt động. 6 tháng đầu năm, sản lượng nuôi và khai thác thủy sản của xã đạt hơn 550 tấn.
HTX Nuôi trồng thủy sản - trồng cây ăn quả và dịch vụ tổng hợp, xã Mường Khiêng thành lập năm 2020, với 46 thành viên, nuôi hơn 400 lồng cá. Các thành viên HTX đã được các cơ quan, đơn vị chuyên môn hướng dẫn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nuôi, đảm bảo năng suất và chất lượng sản phẩm; thực hiện các thủ tục để chứng nhận VietGAP, có tem truy xuất nguồn gốc và giấy phép kinh doanh, nên việc bán cá thuận lợi hơn.
Anh Quàng Văn Hợp, Giám đốc HTX, chia sẻ: Từ năm 2021, HTX liên kết với các thương lái khu vực Hà Nội lên thu mua trực tiếp tại khu vực nuôi cá lồng. Nhờ áp dụng nghiêm quy trình chăm sóc, phòng bệnh, nên đàn cá phát triển tốt, đảm bảo chất lượng và được thương lái ưa chuộng. Mỗi lồng cho thu hoạch 3 tạ cá các loại/năm, giá bán từ 110.000 - 150.000 đồng/kg. Mỗi hộ thành viên thu nhập từ 100 triệu đồng đến hơn 500 triệu đồng/năm.

Cá lồng là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân bản Huổi Pản, xã Mường khiêng.
Là một trong những hộ nuôi cá lồng nhiều của xã, anh Quàng Văn Sâm, bản Ban Xa, chia sẻ: Gia đình nuôi 15 lồng cá, mỗi năm cho thu hoạch hơn 3 tấn cá. Ngoài đầu tư mua thức ăn cho cá và phòng, chống dịch bệnh, gia đình còn tận dụng phụ phẩm nông nghiệp như sắn, ngô hoặc tự đánh bắt thủy sản để giảm chi phí đầu tư. Bình quân mỗi năm, gia đình thu lãi hơn 150 triệu đồng từ bán cá lồng.
Tuy nhiên, với số lượng lồng cá ngày càng tăng mạnh, đặt ra bài toán xây dựng thương hiệu, thị trường tiêu thụ và giá cả không ổn định, các mối liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm chưa bền vững. Ông Quàng Văn Tiếp, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Hiện nay, xã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân duy trì chăm sóc đàn cá nuôi đảm bảo chất lượng, chủ động phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa lũ; chỉ đạo cán bộ xã phối hợp với các bản rà soát lượng cá cần xuất bán để xã có phương án tiêu thụ. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm cá lồng Mường Khiêng. Tìm kiếm doanh nghiệp, đơn vị thu mua sản phẩm, phối hợp thực hiện sơ chế phi lê thịt cá hút chân không, để bán vào các nhà hàng, siêu thị, giúp bà con tiêu thụ sản phẩm...

Người dân xã Mường Khiêng thu hoạch cá.
Nghề nuôi cá lồng đã góp phần giải quyết vấn đề việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân trên địa bàn xã Mường Khiêng. Bên cạnh những nỗ lực của các hộ nuôi cá, rất cần sự đồng hành của chính quyền địa phương và các sở, ngành trong việc liên kết tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định, giúp nhân dân phát triển nghề nuôi cá lồng, nâng cao thu nhập, góp phần quan trọng vào sự phát triển của địa phương.
Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/nghe-nuoi-ca-long-o-muong-khieng-0cxsN5yNg.html