Nghề review: Đánh giá sản phẩm hay quảng cáo trá hình ?

Nghề review giờ chẳng khác gì bán niềm tin. Những trải nghiệm thật được quảng cáo với lời hứa ngọt ngào, nhưng thực chất chỉ là chiêu trò để chốt đơn.

Người tiêu dùng bây giờ không mua hàng bằng tiền mặt. Họ trả giá bằng niềm tin. Và những người làm đánh giá sản phẩm (reviewer), người có sức ảnh hưởng (Influencer), người có chuyên môn (KOL) đang ngày càng bán món hàng ấy rẻ như... lời hứa trước livestream.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chân thật hay chiêu trò?

Vừa qua, Quang Linh Vlog và Hằng Du Mục - hai cái tên được nhiều người yêu mến vì hình ảnh “chân thành, mộc mạc” - đã khiến dân tình phẫn nộ khi quảng bá loại kẹo rau củ Kera “ một viên kẹo bằng một bó rau xanh” nhưng lại chứa chất nhuận tràng.

Không cần là chuyên gia dinh dưỡng, người ta cũng hiểu: Bó rau thật và viên kẹo có vị rau là hai phạm trù khác nhau. Nhưng chỉ sau vài câu nói, vài đoạn clip chỉnh chu hình ảnh, tiếng nhạc nền êm tai và những lời cam đoan không ai kiểm chứng, hàng trăm nghìn người tin và mua. Khi sự thật vỡ lở, lời xin lỗi được đưa ra, tiền được hứa hoàn lại. Nhưng ai đền nổi vết nứt trong lòng công chúng?

Sự việc của Quang Linh Vlog và Hằng Du Mục chẳng phải là những hiện tượng cá biệt. Trước họ, đã có cả danh sách dài các nghệ sĩ từng “vướng vết” quảng cáo sai sự thật. Và không khó để bắt gặp những lời quảng cáo “trải nghiệm thật”, “review chân thực” tràn lan trên TikTok, YouTube, Facebook.

Người ta không còn phân biệt nổi đâu là tư vấn khách quan, đâu là kịch bản dựng sẵn. Từ bánh ăn dặm, mỹ phẩm, thuốc giảm cân cho đến thuốc sinh lý - tất cả đều được lồng vào một câu chuyện cảm động, một biểu cảm chân thật, một lời cam đoan “đã dùng và rất hiệu quả”. Và cũng giống nhau ở điểm, sau mỗi scandal là một lời xin lỗi, một chút lặng im, rồi... quay lại quảng cáo như chưa có gì xảy ra!

Vòng lặp ấy cứ tiếp diễn, bởi chẳng ai phải chịu trách nhiệm đến cùng. Và chính công chúng, những người đặt niềm tin vào “sự thật đời thường” của các reviewer, mới là kẻ thua thiệt.

Thị trường review hiện nay giống như một chợ phiên đông đúc, nơi ai nói to, nói khéo - người ấy bán được hàng. Không mấy ai quan tâm đến việc sản phẩm có thật sự tốt, có an toàn, có phù hợp với người dùng hay không. Bởi mục tiêu chính không phải là đưa ra lời khuyên, mà là “chốt đơn”.

Ai sẽ bảo vệ người tiêu dùng?

Người ta hay nói “review là trải nghiệm cá nhân”, nghe thì có vẻ vô hại. Nhưng khi trải nghiệm cá nhân được “tài trợ”, được trả tiền, được đạo diễn từ nội dung đến cảm xúc, thì nó đã không còn là review, mà là quảng cáo trá hình. Và điều nguy hiểm là người tiêu dùng không biết - hoặc không được biết - điều đó.

Tại nhiều quốc gia phát triển, các hành vi tương tự từng bị lên án mạnh mẽ. Nhưng sự khác biệt nằm ở cách xử lý. Tại Hoa Kỳ, Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) yêu cầu rõ ràng: Mọi nội dung có yếu tố tài trợ phải được gắn nhãn “Được tài trợ ” (sponsored) hoặc “Đối tác trả phí” (paid partnership). Các trường hợp vi phạm bị xử phạt công khai, thậm chí cấm hoạt động.

Còn tại Hàn Quốc, từng có những đợt “thanh trừng” các YouTuber nổi tiếng vì hành vi quảng cáo trá hình. Không ít người đã phải lên tiếng xin lỗi, công khai các mối quan hệ tài chính với nhãn hàng, thậm chí mất luôn sự nghiệp sau khi bị công chúng quay lưng.

Còn ở Việt Nam, dù đã có những điều khoản quy định về minh bạch trong truyền thông, nhưng thực tế triển khai vẫn lỏng lẻo. Các nền tảng mạng xã hội, nơi chiếm phần lớn “sân chơi” của reviewer vẫn chưa có cơ chế kiểm duyệt hiệu quả. Việc gắn nhãn nội dung tài trợ chủ yếu dựa trên ý thức cá nhân, trong khi nhiều người làm nội dung sẵn sàng lách luật để tối ưu hóa lợi ích.

Đã đến lúc chúng ta không thể thờ ơ. Cơ quan quản lý cần ra tay mạnh hơn, không chỉ bằng quy định chung chung mà bằng những chế tài rõ ràng, đó là phạt thật, truy trách nhiệm thật, công khai sai phạm.

Nền tảng mạng xã hội cần minh bạch hơn trong gắn nhãn nội dung tài trợ. Và trên hết, người tiêu dùng phải tỉnh táo, không trao niềm tin một cách dễ dãi.

Hãy bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ những giá trị chân thật trong nghề review, vì đó chính là cách duy nhất để xây dựng một cộng đồng tiêu dùng văn minh và bền vững. Bởi niềm tin không phải thứ để rao bán. Và một xã hội văn minh không thể được xây dựng trên những lời khen… được trả tiền.

Phương Trang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nghe-review-danh-gia-san-pham-hay-quang-cao-tra-hinh-383287.html