Nghệ sĩ Bùi Đăng Khánh: Tôi sẽ chọn cách luôn là chính mình

Câu chuyện cảm xúc của nghệ sĩ piano Bùi Đăng Khánh trong chuyến giao lưu ký kết nghệ thuật giữa Nhà hát Versailles Pháp và Nhà hát Vienna Áo với Nhà hát Hồ Gươm.

Tôi gặp nghệ sĩ piano Bùi Đăng Khánh khi anh vừa về nước sau chuyến công tác tại Pháp và Áo cùng nghệ sĩ opera hàng đầu Việt Nam Đào Tố Loan.

Chuyến công tác này của anh đi cùng Đại tướng Tô Lâm và các lãnh đạo Nhà hát Hồ Gươm trong chuyến giao lưu ký kết nghệ thuật giữa Nhà hát Versailles Pháp và Nhà hát Vienna Áo với Nhà hát Hồ Gươm.

Dư âm của chuyến đi đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế khi anh và Đào Tố Loan song kiếm hợp bích nhiều tác phẩm âm nhạc trong và ngoài nước khiến công chúng dành cho họ sự ngưỡng mộ và thán phục.

Bùi Đăng Khánh đã dành cho tôi cuộc trải lòng là những khoảnh khắc xúc động.

“Giữa Paris, khi những bài hát Việt được vang lên với giọng ca opera Đào Tố Loan, tôi được trải lòng trên những phím đàn, chúng tôi đều cảm thấy như mình được trải qua mùa xuân quê hương trong cái se se lạnh của đất Hà Thành” Bùi Đăng Khánh chia sẻ.

- Xin chào anh, vừa qua anh đã có chuyến lưu diễn dài ngày tại nước ngoài (Pháp và Áo) thành công tốt đẹp. Cảm xúc của anh ắt sẽ còn nhiều dư âm? Tôi muốn anh chia sẻ về tình cảm của khán giả tại đây đã dành cho anh và nghệ sĩ Đào Tố Loan tại Nhà hát Opera Garnier đặc biệt như thế nào?

Xin cảm ơn quý báo đã quan tâm. Phải nói rằng, dư âm của chuyến lưu diễn vừa rồi hẳn còn để lại trong tôi nói riêng và các nghệ sĩ những ấn tượng khó phai.

Sân khấu ở đây cũng là sân khấu biểu diễn ở nước ngoài đầu tiên mà tôi có cơ hội trình diễn.

Thật sự lúc đó tôi bị choáng ngợp bởi kiến trúc vĩ đại, âm thanh chuẩn mực cho cổ điển của nhà hát - nơi đã có rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thế giới biểu diễn. Bên cạnh đó, tôi còn cảm nhận được sự ấm áp trong yêu thương của đông đảo khán giả Việt Nam tại Pháp khi Đào Tố Loan ngẫu hứng đứng trên ban công hát aria 'O Mio Babbino Caro' khiến tất cả những người có mặt bất ngờ. Và tôi đã ghi lại khoảnh khắc ấy khi Loan cất giọng, tất cả những vị khách có mặt đều dừng lại để theo dõi màn trình diễn không được báo trước của giọng opera số 1 Việt Nam. Các vị khách nước ngoài đã dùng điện thoại và máy quay ghi lại màn trình diễn của Đào Tố Loan khi cô hát aria O Mio Babbino Caro trong công trình kiến trúc tráng lệ gần 150 tuổi.

Có thể thấy rằng, những tình cảm ấy là cơ hội quý báu với anh em tôi khi họ gửi lời chào đến nghệ sĩ Việt Nam có mặt tại đây.

Tôi cảm thấy rất vinh dự và may mắn khi được cùng đồng hành cùng Đoàn và Đào Tố Loan đại diện cho nghệ sĩ Việt Nam nói chung giới thiệu với các bạn về nét đẹp văn hóa của đất nước mình thông qua âm nhạc.

Bên cạnh đó,qua chuyến đi tôi còn học được khác nhiều về nền văn hóa của 2 nước và cả nếp sống văn minh với ý thức rất cao của người dân.

Thời gian sinh hoạt cùng nhau đã thắt chặt tình bạn của chúng tôi rất nhiều và tôi rất trân trọng điều đó.

Hy vọng trong tương lai tôi sẽ có dịp quay lại nơi đây, gặp lại công chúng những khán giả đáng yêu. Và tận sâu trong tim mình, tôi hy vọng đất nước chúng ta trong một ngày không xa cũng sẽ tiên tiến và văn minh như thế.

-Để có được những tiết mục hoàn hảo trong kỹ thuật giữa đàn và hát. Anh và Đào Tố Loan phải hợp tác trong rất nhiều chương trình nên mới hiểu nhau đến như vậy?

Đây là lần đầu tiên tôi hợp tác với Đào Tố Loan. Loan là một giọng ca nữ mà tôi yêu thích vì không chỉ có chất giọng nội lực mà những lời bài hát của cô ấy còn chứa đựng rất nhiều cảm xúc. Việc được hợp tác với Loan là môt sự vinh hạnh đối với tôi. Hy vọng hai anh em sẽ có thêm nhiều sản phẩm thú vị kết hợp cùng nhau trong tương lai.

-Anh ý thức thế nào về vai trò và trách nhiệm của mình cho chuyến đi lần này?

Thực ra, tôi thực sự bất ngờ khi nhận được lời mời trong chuyến đi biểu diễn lần này cùng đồng nghiệp Đào Tố Loan. Hai anh em cũng không có nhiều thời gian để tập luyện. Nhưng chúng tôi hoàn toàn tin vào bản thân. Là người học âm nhạc và hoạt động nghệ thuật, tôi và Loan luôn ý thức sứ mệnh của mình là xây dựng cầu nối văn hóa. Tôi rất tự hào khi được sử dụng những kiến thức của mình, cũng như âm nhạc để chia sẻ đến bạn bè quốc tế những nét đẹp văn hóa, con người Việt Nam. Qua những ngày được biểu diễn và đồng hành những hoạt động trong chuyến đi, tôi càng tự hào khi nhìn thấy những người yêu âm nhạc trên thế giới, họ đã có một cái nhìn mới về Việt Nam thông qua âm nhạc.

Ðiều này càng thôi thúc, củng cố thêm niềm tin cho những nghệ sĩ trẻ đang bền bỉ trên hành trình đưa âm nhạc cổ điển Việt Nam từng bước khẳng định vị thế trong dòng chảy âm nhạc thế giới.

- Câu chuyện cảm xúc của anh sẽ còn rất nhiều. Trong khuôn khổ bài viết này, có lẽ thật thiếu sót khi không nhắc đến chuyện nghề của anh. Trên con đường âm nhạc, Bùi Đăng Khánh cũng là một kẻ “dị” bởi có biết bao nghệ sĩ đã tự nhủ rằng cứ kiếm tiền, tìm danh vọng? Anh thì đi ngược lại với số đông?

Sự xa hoa, hào nhoáng, phù phiếm của showbiz vẫn đủ mạnh để lôi chúng ta đi mãi mà không thể quay đầu. Vậy nên, tôi sẽ chọn cách luôn là chính mình. Cái tôi đi tìm là một hạnh phúc trọn vẹn trên con đường âm nhạc mà mình lựa chọn. Đó là phải sáng tạo, phải làm những điều mới mẻ, phải cống hiến những gì tinh hoa nhất cho công chúng. Thế là đủ.

Khó khăn trong hạnh phúc, đó cũng là một cái phúc. Nghệ thuật không thiên vị ai, chỉ có thể là tài năng và niềm đam mê mới giúp người nghệ sĩ thành công.

- Anh có quan tâm đến văn hóa thần tượng không? Tôi nhận thấy: Văn hóa thần tượng hôm nay luôn phân định rạch ròi đúng - sai và đòi hỏi cao hơn từ phía nghệ sĩ, rằng tài năng phải đi đôi, tương thích cùng nhân cách. Anh có suy nghĩ gì về nhận định trên?

Cảm ơn bạn đã hỏi tôi vấn đề này. Để có thể trở thành thần tượng trong cách nhìn của một ai đó. Theo quan điểm của cá nhân tôi: Hơn ai hết người nghệ sĩ cư xử phải đẹp. Vì chúng ta làm ra những sản phẩm đẹp, chúng ta sáng tạo ra cái đẹp, chúng ta trước hết phải đẹp. Mà muốn đẹp thì phải tử tế cái đã. Không chỉ nghệ sĩ tử tế, chúng ta trong cuộc sống hằng ngày, trong cộng đồng càng phải luôn yêu thương tử tế với nhau, trên cơ sở con người với con người. Chữ tử tế với tôi trước hết là đàng hoàng. Đàng hoàng với bản thân mình và đàng hoàng với những người chung quanh mình. Người nghệ sĩ là người làm nên cái đẹp, cùng với mọi người làm nên cái đẹp.

-Thành công trong hình dung của Bùi Đăng Khánh là gì?

Là khi mình cảm thấy đủ đầy nhất, hạnh phúc nhất, và làm được nhiều điều giá trị nhất mà không đặt ra nấc thang hay vinh quang nào cho bản thân. Được thăng hoa, chia sẻ âm thanh từ tâm hồn là khát vọng của người nghệ sỹ. Và tôi mong rằng, tiếng đàn của tôi sẽ giúp mọi người kết nối, đến gần nhau hơn để yêu thương thì đấy chính là giá trị sống.

- Nghệ sỹ Bùi Đăng Khánh không chỉ dừng lại ở niềm đam mê âm nhạc. Anh còn được biết đến là một người thầy đến với con đường truyền lửa bằng một hành trang vững chắc về kinh nghiệm cũng như những kiến thức âm nhạc sau những chặng đường hoạt động nghệ thuật chân chính của mình? Vậy khát vọng lớn nhất của anh là gì?

Khát vọng của tôi chính là mang âm nhạc nghệ thuật đến cho mọi người. Tôi muốn tất cả trẻ em ở Việt Nam đều được học âm nhạc và các phụ huynh sẽ hiểu được âm nhạc không phải là những điều cũng nên có mà là nhất định phải có cho sự phát triển của trẻ. Âm nhạc mang lại những tác động tích cực đến sự phát triển toàn diện. Âm nhạc cũng là ngôn ngữ toàn cầu mà bất cứ ai cũng có thể cảm nhận và giao tiếp được. Con đường nào cũng nhiều thử thách, đòi hỏi sự kiên trì theo đuổi lâu dài. Và tôi luôn cố gắng lắng nghe bên trong mình để chủ động tìm hướng đi phù hợp. Điều gì có giá trị thực sự với khán giả thì mình sẽ nỗ lực thực hiện.

- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Lê Hằng (thực hiện)

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/nghe-si-bui-dang-khanh-toi-se-chon-cach-luon-la-chinh-minh-a22576.html