Nghệ sĩ Diệu Thảo độc tấu tỳ bà 54 bản nhạc cách mạng lan tỏa lòng yêu nước

Với 54 bản tỳ bà mộc mạc mà lay động, Vũ Diệu Thảo đã biến âm nhạc dân tộc thành một cây cầu kết nối quá khứ và hiện tại, như một khúc tri ân lặng lẽ mà vang vọng đến triệu trái tim Việt Nam.

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nghệ sĩ tỳ bà Vũ Diệu Thảo khởi xướng một dự án âm nhạc dân tộc đầy ý nghĩa: Độc tấu 54 bản nhạc cách mạng trên cây đàn tỳ bà. Không đơn thuần là biểu diễn, dự án của cô là hành trình tri ân, kết nối lịch sử và âm nhạc, lan tỏa giá trị tinh thần Việt Nam bằng giai điệu mộc mạc, sâu sắc từ nhạc cụ truyền thống.

Album gồm 54 ca khúc nổi tiếng như "Tiến về Sài Gòn", "Như có Bác trong ngày đại thắng", "Người đi xây hồ Kẻ Gỗ", "Tiếng chày trên sóc Bom Bo", "Cô gái mở đường", "Đường Trường Sơn xe anh qua", "Nổi lửa lên em", "Năm anh em trên một chiếc xe tăng"… được Vũ Diệu Thảo biểu diễn bằng cây đàn tỳ bà – một nhạc cụ đặc trưng trong âm nhạc dân tộc Việt Nam. Mỗi bản nhạc được cô đăng tải đều đặn lúc 18 giờ hàng ngày, khởi đầu từ bản "Đất nước trọn niềm vui" (17/2/2025) và kết thúc đúng dịp sinh nhật Bác Hồ.

Nghệ sĩ tỳ bà Vũ Diệu Thảo (giữa)

Nghệ sĩ tỳ bà Vũ Diệu Thảo (giữa)

Không dàn dựng cầu kỳ, không xử lý hậu kỳ âm thanh, các video được ghi lại bằng điện thoại, thể hiện sự mộc mạc, gần gũi. Mỗi bản nhạc đi kèm một phần giới thiệu ngắn gọn về hoàn cảnh ra đời, tác giả, và bối cảnh lịch sử, giúp người nghe hiểu sâu sắc hơn giá trị của từng ca khúc.

Chia sẻ về động lực, Vũ Diệu Thảo nói: “Tôi là một người Việt Nam yêu nước. Trước lịch sử hào hùng và sự hy sinh của bao thế hệ vì độc lập dân tộc, tôi luôn xúc động và mang trong lòng niềm biết ơn sâu sắc. Âm nhạc là cách tôi thể hiện lòng tri ân với những thế hệ đã đi trước”.

Dự án ban đầu chỉ xuất phát từ niềm yêu thích cá nhân. Nhưng sự đón nhận từ cộng đồng, đặc biệt là những cựu chiến binh, khiến cô cảm nhận rõ trách nhiệm và sứ mệnh của mình. “Một bác cựu chiến binh nhắn: ‘Thay mặt hơn 4 triệu cựu chiến binh, bác cảm ơn cháu Diệu Thảo’. Tim tôi như nghẹn lại. Vậy là tiếng đàn mộc mạc của tôi có thể trở thành món quà tinh thần cho những người đã trải qua cuộc chiến”, cô chia sẻ.

Không chỉ dừng lại ở biểu diễn, Vũ Diệu Thảo còn lan tỏa tình yêu âm nhạc cách mạng tới học trò. Nhiều em học sinh học đàn với cô đã xin bản nhạc để luyện tập, thậm chí có em còn được mẹ hát theo mỗi khi chơi đàn. “Tôi tin rằng, nếu được kể bằng cách gần gũi và cảm xúc, âm nhạc truyền thống sẽ đến với giới trẻ, góp phần giữ gìn bản sắc nhưng vẫn phát triển hiện đại, bền vững”, cô nhấn mạnh.

Bên cạnh 54 bản độc tấu, dự án còn có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ như NSƯT Việt Hồng, nhóm Tứ quý, các tốp đàn tranh – tỳ bà, mang đến sự đa dạng về hình thức thể hiện và màu sắc âm nhạc.

Sau khi hoàn thành album, Vũ Diệu Thảo tiếp tục chuyển soạn các ca khúc cách mạng cho chuyên ngành tỳ bà tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam – nơi cô đang giảng dạy. Đây là bước đi mang tính hệ thống, không chỉ lưu giữ mà còn đưa âm nhạc cách mạng vào giảng dạy chính thức, tạo tiền đề cho các thế hệ học sinh tiếp nối tinh thần yêu nước qua nhạc cụ dân tộc.

“Hy vọng đây là đóng góp nhỏ nhưng thiết thực cho sự phát triển của ngành đàn tỳ bà, và để âm nhạc truyền thống luôn đồng hành cùng tinh thần dân tộc trong tương lai”, Vũ Diệu Thảo bày tỏ.

Với 54 bản tỳ bà mộc mạc mà lay động, Vũ Diệu Thảo đã biến âm nhạc dân tộc thành một cây cầu kết nối quá khứ và hiện tại, như một khúc tri ân lặng lẽ mà vang vọng đến triệu trái tim Việt Nam.

Hà Phương/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/am-nhac/nghe-si-dieu-thao-doc-tau-ty-ba-54-ban-nhac-cach-mang-lan-toa-long-yeu-nuoc-post1194231.vov