Nghệ sĩ gây họa, hàng trăm con người điêu đứng
Showbiz Trung Quốc, Hàn Quốc những năm gần đây chứng kiến không ít ngôi sao 'rớt đài' vì vi phạm pháp luật. Đằng sau những ồn ào đó là nỗi lo thực tế, khi hàng loạt bộ phim có sự tham gia của họ bị cấm chiếu, gỡ bỏ, các thương hiệu gấp rút chấm dứt hợp đồng quảng cáo gây thiệt hại cho công ty quản lý.
Kiện ngược
Khi các thương hiệu hoặc công ty sản xuất đệ đơn kiện vi phạm hợp đồng, họ thường nhắm vào cả người nổi tiếng và công ty quản lý. Phía đơn vị chủ quản được coi là nơi giám sát nghệ sĩ của mình và đảm bảo họ tuân thủ các nghĩa vụ theo hợp đồng.
Nam diễn viên Ji Soo bị loại khỏi bộ phim truyền hình của KBS năm 2021 do cáo buộc bắt nạt học đường. KeyEast, công ty quản lý của anh, đã bị yêu cầu bồi thường thiệt hại 1,42 tỷ won mặc dù đã chấm dứt hợp đồng với nam diễn viên.
Tuy nhiên, nếu hành vi phạm tội xảy ra trong đời tư của người nổi tiếng và nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty, thì chỉ có cá nhân đó mới phải chịu trách nhiệm. Nam diễn viên Kang Ji Hwan đã bị kết tội tấn công tình dục các nhân viên nữ vào năm 2019. Ban đầu, công ty quản lý của anh chia sẻ trách nhiệm nhưng sau đó đã kiện anh để đòi bồi thường. Cuối cùng, tòa án phán quyết riêng Kang Ji Hwan phải trả 3,48 tỷ won (2,7 triệu USD) vì hành động của anh nằm ngoài trách nhiệm của công ty.

Kim Sae Ron.
Một số trường hợp nghệ sĩ vi phạm pháp luật, công ty nhanh chóng hủy hợp đồng. Như trường hợp của cố diễn viên Kim Sae Ron. Cô từng say rượu lái xe gây tai nạn. Scandal khiến sự nghiệp cô tụt dốc, công ty quản lý Gold Medalist cắt hợp đồng độc quyền. Tuy vậy, đơn vị này đã thay mặt diễn viên chi trả toàn bộ số tiền bồi thường và vi phạm hợp đồng. Nữ diễn viên khi đó cam kết trả lại số tiền khi rời công ty.
Trường hợp công ty quản lý phải chịu trách nhiệm cùng nghệ sĩ
Năm 2021, Hiệp hội Nghệ thuật Biểu diễn Trung Quốc đã ban hành “Thông báo về việc tăng cường quản lý đạo đức đối với tổ chức đại diện nghệ sĩ”, yêu cầu các công ty quản lý phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm giáo dục, quản lý nghệ sĩ.
Cơ quan này nhấn mạnh các công ty cần thường xuyên kiểm tra, tự soi sửa. Nghệ sĩ không tuân thủ kỷ luật, thiếu nhận thức đạo đức, công ty quản lý phải chấm dứt hợp tác. Những đơn vị buông lỏng quản lý, bao che hoặc tiếp tay cho hành vi sai trái sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của ngành.

Trịnh Sảng vướng scandal trốn thuế, vi phạm luật cấm mang thai hộ của Trung Quốc và bị cấm sóng năm 2021.
Công ty luật Gaopenglaw chỉ ra công ty quản lý không thể né tránh trách nhiệm khi nghệ sĩ xảy ra sự cố. Nếu vì lợi ích mà cố tình che giấu, dàn xếp thông tin hoặc thao túng dư luận để làm nhẹ vấn đề, họ không chỉ phải đối mặt với chế tài nội bộ mà còn có thể vướng vào vòng lao lý. Khi đó, chính công ty quản lý sẽ phải trả giá cho việc buông lỏng trách nhiệm và hành xử sai lệch.
Thực tiễn cho thấy trong các vụ tranh chấp phát sinh từ việc nghệ sĩ vướng bê bối khiến phim bị cấm chiếu, hợp đồng quảng cáo bị hủy bỏ, tòa án thường xác định hình ảnh nghệ sĩ là yếu tố được công ty kiểm duyệt và định hướng sử dụng.
Do đó, công ty có nghĩa vụ đảm bảo nghệ sĩ thể hiện hình ảnh tích cực, đúng chuẩn mực. Trong một số trường hợp, tòa án dựa vào nguyên tắc trung thực và công bằng để buộc công ty quản lý bồi thường một phần thiệt hại cho nhà sản xuất phim hoặc đối tác thương mại.
Công ty quản lý có thể tránh bị liên đới
Nếu công ty đã thực hiện đầy đủ vai trò quản lý, giáo dục nghệ sĩ và không có hành vi che giấu, bao che, họ có thể tránh được việc phải gánh chịu hậu quả do nghệ sĩ gây ra.
Tại Trung Quốc, thông thường nghệ sĩ ký kết hợp đồng biểu diễn, quảng cáo thông qua công ty quản lý, công ty con hoặc studio cá nhân, ít khi đứng tên cá nhân trực tiếp. Khi nghệ sĩ xảy ra sự cố đạo đức, các đối tác thường khởi kiện công ty quản lý đòi bồi thường.
Để phòng tránh rủi ro này, công ty nên đưa vào hợp đồng quản lý với nghệ sĩ một “điều khoản đạo đức”, quy định rõ nếu nghệ sĩ vi phạm chuẩn mực gây thiệt hại, phải đền bù cho công ty.
Bên cạnh đó, trong các hợp đồng quảng cáo hoặc đóng phim, công ty nên để nghệ sĩ trực tiếp ký tên, kèm điều khoản quy định rõ ràng. Nếu nghệ sĩ vi phạm đạo đức, phải tự chịu trách nhiệm và bồi thường.

Với những hợp đồng mà nghệ sĩ không trực tiếp đứng tên, trong một số trường hợp, tòa án vẫn có thể xác định trách nhiệm của nghệ sĩ.
Chẳng hạn, trong vụ kiện giữa công ty Cự Hào Quảng Đông và nghệ sĩ Phạm Băng Băng cùng Công ty TNHH truyền thông văn hóa Trung nghệ Mỹ Đào, tòa án phán quyết dù Phạm Băng Băng không ký tên trên hợp đồng, nhưng xét về nội dung, quyền lợi, nghĩa vụ và quá trình thực hiện, cô là bên đại diện hình ảnh cho sản phẩm.
Diễn viên thừa nhận ký hợp đồng năm 2009 và không có bằng chứng phủ nhận. Tòa kết luận Phạm Băng Băng chấp nhận lời mời từ phía Cự Hào khi ký hợp đồng bằng hình thức khác và phải chịu trách nhiệm tương ứng.
Chuyên gia trong ngành nhận định trước nguy cơ nghệ sĩ vướng scandal đạo đức, công ty quản lý cần thực hiện đầy đủ vai trò giáo dục, giám sát, không bao che dung túng.
Việc phòng ngừa từ đầu không chỉ giúp công ty giảm thiểu tổn thất mà còn góp phần thúc đẩy môi trường hoạt động lành mạnh, minh bạch trong giới giải trí.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nghe-si-gay-hoa-hang-tram-con-nguoi-dieu-dung-post1744390.tpo