Nghệ sĩ Mai Thanh Sơn: Âm nhạc truyền thống là con đường và đích đến

Mai Thanh Sơn là một nghệ sĩ âm nhạc truyền thống tài năng.

Trên con đường âm nhạc của mình, Mai Thanh Sơn đã hợp tác với nhiều nhà soạn nhạc đương đại, bao gồm: Nhật Tân (Hà Nội), Nguyễn Thiện Đạo (Pháp), Mael Baily (Pháp), và Remi Gernet (Pháp). Đồng thời, anh đã giành huy chương Vàng trong Cuộc thi Âm nhạc Thiếu niên năm 1999, Giải Đặc biệt tại Liên hoan Nghệ thuật Giai điệu quê hương TPHCM năm 2000, nhiều huy chương vàng, bạc hòa tấu và gần đây nhất là giải Nhì trong Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu Quốc gia do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức.

Mai Thanh Sơn thường xuyên biểu diễn với tư cách là nghệ sĩ độc tấu với các dàn nhạc uy tín trong và ngoài nước, đồng thời, cũng thường được mời tham gia các lễ hội và buổi hòa nhạc trên toàn cầu, thể hiện tài năng và sự cống hiến của mình đối với âm nhạc truyền thống Việt Nam trên sân khấu quốc tế.

Vừa là nghệ sĩ biểu diễn, vừa giữ vai trò quản lý, nghệ sĩ Mai Thanh Sơn luôn mong muốn đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống đến với các khán giả của TPHCM qua các hoạt động biểu diễn. Việc bảo tồn văn hóa truyền thống giữa dòng chảy mạnh mẽ của nền kinh tế năng động như TPHCM với Mai Thanh Sơn gặp được nhiều thuận lợi nhưng cũng phải trải qua nhiều khó khăn.

Nhìn ở góc độ tích cực thì có cơ hội và rất nhiều việc phải làm. Nhưng cần giải bài toán khó là làm sao có kinh phí để làm, cần tìm giải pháp cả ở hướng nhà nước và doanh nghiệp.

Niềm đam mê, sự hy sinh thầm lặng của các nghệ sĩ với nghề nghiệp, với việc bảo tồn, phát triển để gìn giữ văn hóa nghệ thuật truyền thống luôn thắm đượm, cháy sáng giữa dòng chảy mạnh mẽ của nền kinh tế năng động như TPHCM.

Nghệ sĩ Mai Thanh Sơn chia sẻ, TPHCM là thành phố năng động, là nơi hội tụ văn hóa, con người tứ xứ nên con người TPHCM cởi mở và dễ dàng chấp nhận sự khác biệt. Dân số TPHCM cũng là dân số trẻ nên năng động, thích tiếp cận với cái mới. Nếu làm hay, hấp dẫn thì không quá khó tiếp cận được số đông công chúng. Vì vậy, yếu tố thuận lợi cũng có thể nhận diện để dám dấn thân khai phá.

Khó khăn thì có nhiều và luôn hiện hữu ở đó và dường như ngày càng khó khăn hơn. Nghệ sĩ Mai Thanh Sơn chia sẻ: “Cuộc sống hiện đại người dân thường thích xem những gì đơn giản, dễ hiểu, sôi động, tiết tấu nhanh trong khi các loại hình nghệ thuật dân tộc đòi hỏi phải am hiểu thơ văn cổ, phải “tĩnh” phải “thiền” để cảm thụ. Khó khăn lớn nhất của nước ta là trẻ em không được tiếp cận với các loại hình nghệ thuật truyền thống một cách phù hợp dẫn đến khi lớn hơn, họ không cảm thụ được. Chưa kể yếu tố việc giới trẻ đa số thích những gì thời thượng, quốc tế và xem những loại hình truyền thống là lạc hậu, là quê mùa…”.

Nghệ sĩ Mai Thanh Sơn nói, việc tự chủ tài chính dẫn tới các đơn vị nghệ thuật và cả các cơ quan truyền thông sẽ lựa chọn những gì kiếm ra tiền để làm nhiều hơn là bảo vệ những giá trị truyền thống khó tạo ra kinh phí… Việt Nam chưa có những quỹ văn hóa để nghệ sĩ có thể tự xây dựng dự án và gõ cửa tìm kiếm sự đầu tư như ở các nước phát triển nên việc tổ chức các hoạt động biểu diễn đến với công chúng thành phố rất khó khăn: “Nghệ sĩ vừa phải tâm huyết xây dựng chương trình, vừa biểu diễn, kiêm hết các vị trí và đầu tư cả tiền từ túi của chính mình. Nghệ sĩ vốn chỉ “giàu tình cảm” nên kinh tế cũng rất hạn hẹp, để đi đường dài thì cần lắm những cơ chế, những người đồng âm, đồng cảm và đồng hành…”.

Qua những đêm diễn, khán giả đã đón nhận nhiệt tình những giá trị truyền thống mà nghệ sĩ Mai Thanh Sơn và ekip đã cố gắng thể hiện. Đó là động lực lớn nhất để anh chị em nghệ sĩ tiếp tục làm những số tiếp theo. “Thật khó để diễn tả hết sự vui mừng và xúc động khi có những khán giả biết chúng tôi khó khăn, trân quý những gì chúng tôi tâm huyết và dày công thực hiện đã gợi ý hỗ trợ về kinh phí cho chương trình. Có nhiều khán giả cảm động, nước mắt lưng tròng cầm chặt tay chúng tôi để khen ngợi, động viên và cảm ơn nghệ sĩ đã truyền tải nghệ thuật truyền thống sao mà gần gũi, ấm cúng và đi vào nội tâm đến như vậy… Khán giả đến với chương trình có cả sinh viên, có trung niên và cả cao niên và tất cả đều tỏ ra thích thú. Tôi thấy đó là phần nào thành công của chương trình và những gì Sơn và bạn bè trình diễn không chỉ dành riêng cho những người lớn tuổi”, nghệ sĩ Mai Thanh Sơn chia sẻ.

Âm nhạc truyền thống với cá nhân Mai Thanh Sơn là nghiệp, là đam mê, là con đường và là đích đến. Vì thế, anh cùng một lúc đang làm khá nhiều việc. Đối với giáo dục âm nhạc nói chung và âm nhạc dân tộc nói riêng, Mai Thanh Sơn đã cùng một số bạn bè chuyên về công nghệ thông tin đầu tư phần mềm hỗ trợ giảng dạy âm nhạc trực tuyến. Dự án này dài hơi và cần vốn đầu tư khá lớn. Sau dịch Covid-19, dự án gặp nhiều khó khăn và vẫn đang loay hoay chưa tìm được hướng đi.

Bên cạnh đó, Mai Thanh Sơn cũng đang xây dựng thêm những mô hình mới tương tự như loạt chương trình “Tinh văn diễn ca” nhưng với hướng đi khác để có thể xây dựng cộng đồng yêu âm nhạc truyền thống.

Về biểu diễn, Mai Thanh Sơn tiếp tục việc kết nối với bạn bè quốc tế để đưa âm nhạc dân tộc Việt Nam, cụ thể là bộ gõ và đàn nguyệt để đối thoại đồng đẳng với nghệ thuật đương đại thế giới. Cùng với em trai Mai Thành Nam đang giảng dạy tại Pháp, hai anh em đang ấp ủ một Liên hoan âm nhạc quốc tế dành riêng cho nhạc khí gõ, hơi và múa. Đây là tiếng nói chung và dễ hòa hợp với mọi quốc gia trên thế giới.

Tháng 10/2024, Mai Thanh Sơn cùng với một nghệ sĩ piano jazz của Nhật Bản sẽ tổ chức liên hoan piano cho thiếu nhi. Đây là lần đầu anh tổ chức một hoạt động quy mô lớn tại Trung tâm đào tạo và thực nghiệm văn học nghệ thuật TPHCM. Sau đó sẽ tiếp tục tìm kiếm sự hợp tác để có thể tổ chức các liên hoan tương tự cho thiếu nhi nhưng tập trung vào các loại hình nghệ thuật truyền thống.

Việt Quỳnh (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nghe-si-mai-thanh-son-am-nhac-truyen-thong-la-con-duong-va-dich-den-10288038.html