Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lò Văn Hợp và cái duyên với Báo Đồng Nai
Ở tuổi lục tuần, nhưng nghệ sĩ nhiếp ảnh Lò Văn Hợp vẫn đầy năng lượng và không ngừng sáng tác. Sau những thành công với nhiếp ảnh nghệ thuật, ông “thử sức” với ảnh bảo chí, khéo léo lồng ghép giữa nghệ thuật và thời sự. Hiện ông đang là cộng tác viên ảnh của Báo Đồng Nai với nhiều phóng sự ảnh chất lượng. Phóng viên Báo Đồng Nai cuối tuần có dịp trò chuyện với ông.
* Được biết ông đến với nhiếp ảnh khi tuổi đời đã không còn trẻ. Vậy ông đã “bén duyên” với nhiếp ảnh như thế nào?
- Đúng là tôi không phải một người làm nhiếp ảnh có nhiều thâm niên như các đồng nghiệp. Khi còn trẻ, tôi là một người lao động bình thường, bươn chải với nhiều nghề khác nhau để lo kinh tế gia đình.
Trong nhiều công việc từng làm, tôi may mắn được một người thầy dạy nghề quay phim dịch vụ, sự kiện. Nhờ đó tôi tiếp cận và làm quen nhanh hơn với ánh sáng, bố cục, đường nét, màu sắc... - những yếu tố quan trọng nhất của nhiếp ảnh.
Cơ duyên đến với nhiếp ảnh của tôi mãi tới năm 2015 mới tới, khi ấy tôi đã ngoài 50 tuổi và lần đầu tiên cầm chiếc máy ảnh trong tay. Có máy rồi, tôi tham gia CLB Nhiếp ảnh Long Khánh, “bám đuôi” những đàn anh lúc bấy giờ để học về nhiếp ảnh nghệ thuật.
Hành trình đến với nhiếp ảnh nghệ thuật của tôi cũng không hề dễ dàng. Phải mất nhiều năm, kỹ năng, góc nhìn mới dần hoàn thiện và có thể tiệm cận với nhiếp ảnh nghệ thuật.
* Dù đến với nhiếp ảnh muộn, nhưng ông đã đạt được nhiều giải thưởng nhiếp ảnh lớn và đã khẳng định tên tuổi của mình?
- Tôi không dám nhận mình là một “nghệ sĩ lớn”. Với tôi, nhiếp ảnh là đam mê, nhưng là thách thức thật sự để vượt qua những rào cản của bản thân.
Nhiếp ảnh là môn... nhà giàu, nhiều người nói như vậy (cười), vì đòi hỏi thiết bị (máy, ống kính, bộ lọc màu...) với số tiền thường tính bằng... ngàn đô. Nhưng với tôi thì không cho phép mình “đua” thiết bị, vì nghèo quá không đủ khả năng (cười). Thế nên, tôi cố gắng làm tốt nhất với những gì mình có trong tay.
Mỗi tác phẩm tôi đoạt giải, đều là một kỷ niệm. Như tác phẩm Chung sức (năm 2017 - giải A duy nhất của Giải thưởng Văn học nghệ thuật năm 2018) mà chủ thể là những công nhân nối nhịp cầu Ghềnh, là một trong những tác phẩm thành công của cá nhân tôi.
Tác phẩm này, tôi không phải là người duy nhất có thể chụp được. Nhưng khi có thời gian suy nghĩ lại, tôi nhận thấy kết quả của tác phẩm đó, là tổng hòa của sự nhạy bén, kinh nghiệm và... may mắn. Bởi nếu không có nhạy bén thì tôi không thể có được góc chụp tốt, không có kinh nghiệm thì không kịp set thông số để có thể chụp “trúng” khoảnh khắc, và nếu không có may mắn thì biết đâu, tác giả là ai đó chứ chưa chắc đã là Lò Văn Hợp.
* Thời gian qua, tác phẩm của Lò Văn Hợp có tần suất xuất hiện trên Báo Đồng Nai, Đồng Nai cuối tuần nhiều hơn. Phải chăng ông đang “lấn sân” sang ảnh báo chí?
- Tôi đến với nhiếp ảnh với khát khao chụp ảnh nghệ thuật và say mê với nghệ thuật. Ảnh báo chí, ban đầu tôi không có nhiều ý niệm. Chỉ khoảng hơn 1 năm nay, tôi có duyên được gặp gỡ một số phóng viên của Báo Đồng Nai, và được các đồng nghiệp trẻ gợi mở nhiều hơn về loại hình nhiếp ảnh này.
Ảnh nghệ thuật và ảnh báo chí, nghe có vẻ khác nhau, nhưng khi thực hiện nhiều bộ ảnh, tôi rút được kinh nghiệm, rằng 2 loại hình này có thể đan cài, tương hỗ lẫn nhau. Một bức ảnh nghệ thuật sẽ tạo cảm xúc, nhưng ảnh báo chí nếu kết hợp nghệ thuật, thì ngoài cảm xúc, còn mang tính thời sự.
Một tấm ảnh thời sự nóng bỏng nhưng bằng sự dụng công, sáng tạo của người nghệ sĩ, còn có khả năng lay động lòng người.
Tôi rất vui khi nhiều tác phẩm của tôi được đăng trên Báo Đồng Nai và một số tờ báo khác. Đó là sự khẳng định công sức, nỗ lực học hỏi của mình đã được công nhận.
Nói như thế không có nghĩa là tôi đang “lấn sân” hay cạnh tranh với các phóng viên chuyên nghiệp. Nhưng tôi vẫn mong muốn một chút khả năng mang hơi hướng nghệ thuật của mình có thể tạo ra những cảm xúc tích cực hơn với bạn đọc.
* Báo Đồng Nai đã và đang tiếp tục đổi mới và có thêm nhiều “đất diễn” cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh. Ông sẵn sàng chứ?
- Dĩ nhiên. Tôi sẽ tiếp tục sáng tạo. Và trong khả năng, sẽ cống hiến phần tâm huyết của mình cho nhiếp ảnh báo chí.
Và tự đáy lòng tôi biết ơn sâu sắc Ban Biên tập Báo Đồng Nai cùng các anh chị em phóng viên đã tạo điều kiện cho tôi có mặt trong “sân
chơi” này.
* Xin cảm ơn ông!
Xuân Lượng - Thành Nhân (thực hiện)