Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Kiệt : Ký ức chiến trường và hành trình của ống kính lịch sử
Trong cuộc chiến đấu đi đến độc lập, thống nhất đất nước ta, có những con người lặng lẽ góp phần ghi lại lịch sử bằng những thước phim, khuôn hình và ký ức không thể xóa nhòa. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Kiệt là một trong những con người như thế.
Ký ức chiến trường từ ống kính
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Kiệt không chỉ là chứng nhân của một thời máu lửa mà còn là người đã lưu giữ những khoảnh khắc sống chết bằng ống kính và trái tim nóng bỏng yêu nước.

Phóng viên chiến trường Phạm Kiệt tại sân bay Lộc Ninh năm 1973 (Ảnh nhân vật cung cấp)
Ông Phạm Kiệt không thể quên lần suýt mất mạng khi tác nghiệp tại Củ Chi. Thấy máy bay, ông định chui xuống hầm trú ẩn thì được chủ nhà kéo chạy ra rừng. Quả bom dội trúng, phá hủy cả nhà lẫn hầm. Sáng hôm sau, người dân vẫn bình thản tưới rau, nuôi gà, cày ruộng như không có gì xảy ra. Ông khâm phục sự gan dạ và tinh thần thép của họ: “Người dân Củ Chi không chỉ dũng cảm mà còn giỏi trận mạc hơn cả bộ đội”. Ký ức ấy khắc sâu trong ông, hun đúc tinh thần cho người lính trẻ cầm máy ảnh giữa chiến trường.
Thời điểm ấy, ông Phạm Kiệt là phóng viên ảnh của Cục Hậu cần, thường không được ra tiền tuyến. Thế nhưng, chính nơi hậu phương, với những con người gùi gạo, vác đạn lại là mặt trận thầm lặng nhưng sống còn. Những bức ảnh đầu tay của ông phản ánh cuộc sống gian khổ và tinh thần thép của những người lính hậu cần, người dân miền Đông Nam bộ, từ đó làm nên dấu ấn riêng trong nhiếp ảnh chiến trường.

Ông Kiệt (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam năm 1975 (Ảnh nhân vật cung cấp)
Ông kể, một lần giả gái đột nhập vào ấp Bàu Tràm (Tây Ninh), ông ghi lại cảnh thu mua lương thực cho vùng giải phóng. Tác phẩm “Thu mua lương thực đưa ra vùng giải phóng” sau đó được đăng trên Báo Quân đội Nhân dân, mở đầu cho sự nghiệp nhiếp ảnh chuyên nghiệp của ông.
Ông từng trải qua nhiều lần “đặt trước cái chết”, như khi vượt cửa rừng vào Tây Ninh giữa những trận pháo rền vang. “Không còn nghĩ đến ác liệt hay sợ hãi, chỉ là không biết mình sẽ chết kiểu nào, tuổi thanh xuân của mình chỉ có hai chữ cống hiến”.
“Trong một chuyến công tác, hồi đó nguyên một dàn pháo từ Dầu Tiếng cứ bắn 15 phút mỗi lần vào cửa rừng. Muốn đi thì phải qua cửa rừng để tới Củ Chi, Thanh An, Bến Súc, Tây Ninh vì lúc đó đều phải qua đây… Pháo bắn rất dữ dội, khi đó đã đặt trước cái chết rồi, chỉ biết là chết kiểu nào, chứ không còn nghĩ đến khó khăn ác liệt hay gì nữa” - ông Kiệt kể lại.
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Phạm Kiệt, sinh năm 1950 tại huyện Cần Đước (Long An). Mồ côi cha từ nhỏ, ông sớm dấn thân vào kháng chiến khi mới 15 tuổi. Ban đầu ông tham gia đội vận tải, sau đó được chuyển sang làm phóng viên ảnh cho Cục Hậu cần miền Nam vào năm 1972, một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời.
Không được đào tạo bài bản, ông Kiệt học nghề bằng đam mê và sự tự học miệt mài. Ngay chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972, ông cầm máy ảnh lần đầu ra trận.
Những hình ảnh ông ghi lại cảnh rừng núi, đồng đội gùi hàng, những phút nghỉ ngơi giữa bom đạn đã làm sống lại một thời máu lửa trong từng khuôn hình.
“Mặc dù hậu cần nhưng cũng ác liệt không kém, bởi lúc đánh nhau, giặc không dám thả bom chỗ bộ đội vì có lúc sợ nhầm lính của họ nên đều thả ở phía sau. Chính vì vậy lực lượng hậu cần gánh chịu cũng nặng nề. Đánh nhau xong thì giặc cũng thả bom bắn pháo tiếp vào phía sau để chặn đường về, cho nên nói hậu cần thôi chứ rất ác liệt”, ông Kiệt chia sẻ.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Kiệt chia sẻ về một thời tuổi trẻ làm "lính ảnh" (Ảnh: Nguyễn Quang)
Đầu năm 1975, ông Kiệt được điều về Cục Chính trị, chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh. Khi Sài Gòn giải phóng, ông cùng đơn vị tiếp quản Trung tâm Điện ảnh Sài Gòn. Ông và một phóng viên khác phải canh giữ cả kho phim ảnh và máy móc, không rào chắn. Những đêm đầu ông không dám ngủ, nhưng vẫn không rời máy ảnh.
Những thước phim lịch sử và cũng là tâm huyết cả đời ông với nghề ảnh. “Những tháng ngày đó là đẹp nhất cuộc đời tôi” - ông Kiệt nói.
Gieo mầm nghệ thuật trên quê hương Long An
Sau ngày đất nước thống nhất, ông trở lại Long An, công tác tại Ty Thông tin – Văn hóa. Từ một người "lính ảnh", ông trở thành người sáng lập phong trào nhiếp ảnh địa phương, thành lập Công ty Dịch vụ Nhiếp ảnh và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật cho người dân.
Năm 1990, ông được bầu làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Long An. Dưới sự dẫn dắt của ông, nhiều thế hệ nghệ sĩ trẻ được truyền cảm hứng, tiếp lửa đam mê sáng tác.
Nhà báo Nguyễn Phấn Đấu, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Long An - Trưởng ban Biên tập Tạp chí Văn Nghệ Long An cho biết: “Xuất thân từ phóng viên trong chiến trường, khi hòa bình anh Kiệt vẫn tiếp tục sáng tác. Anh Kiệt luôn quan tâm và có nhiều tình cảm với anh em hội viên. Anh luôn là phóng viên, nghệ sỹ, là chủ tịch hội rất có tâm của hội Văn học nghệ thuật tỉnh Long An. Từ đó anh truyền cảm hứng cho tôi cũng như nhiều anh em khác tìm hiểu, sáng tác ở lĩnh vực này. Chính anh cũng là người dìu dắt tôi tham gia hội cho đến ngày nay”.
Dù từng trải qua bao khốc liệt, nghệ sĩ Phạm Kiệt vẫn giữ cho mình một tinh thần lạc quan, đằm thắm. Những bức ảnh như “Biên giới tình em” (Giải thưởng Quốc gia), “Nhớ ơn liệt sĩ” (Giải II Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam), “Tiềm năng Đồng Tháp Mười” (Giải II ảnh nghệ thuật Đồng bằng sông Cửu Long) đều mang dấu ấn của một trái tim từng lăn lộn trong gian khổ, máu và nước mắt.
Giờ đây, ở tuổi 75, ông sống bình yên bên con cháu ở ở một căn nhà bên dòng Vàm Cỏ Tây. Vượt qua căn bệnh suy thận giai đoạn cuối, ông vẫn kể lại ký ức chiến trường bằng giọng kể trầm ấm, như thể từng thước phim vẫn sống mãi trong tâm trí ông.

Tác phẩm “Nhớ ơn liệt sĩ” - Giải II Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam (Ảnh nhân vật cung cấp)
Khi nhắc đến nghệ sỹ nhiếp ảnh Phạm Kiệt, ông Nguyễn Hữu Lý, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo tỉnh Long An chia sẻ: “Anh Phạm Kiệt là một người lính nên anh rất hòa đồng. Anh cũng là một trong những người lãnh đạo đầu tiên giúp cho phong phong trào nhiếp ảnh và văn học nghệ thuật của Long An đi lên. Tôi cũng là thành viên đầu tiên của phong trào do anh Kiệt khởi xướng. Anh Kiệt có kinh nghiệm nghề nên ai cũng tôn trọng. Anh là người anh cả của phong trào nhiếp ảnh Long An”.
Dù nay không còn bôn ba tác nghiệp, ông Phạm Kiệt vẫn giữ lửa nghề, vẫn kể lại những ký ức chiến trường bằng một giọng kể trầm ấm, nhiều cảm xúc, như thể từng khung hình vẫn còn sống động trong tâm trí ông.