Nghệ sĩ quê lúa '5 tấn' gắn bó với cây đàn dân tộc
Hơn 20 năm gắn bó với cây đàn tranh, đàn bầu, nghệ sĩ Mai Thương đã đi được đi biểu diễn hàng trăm chương trình lớn, nhỏ ở trong và ngoài nước. Với chị, âm nhạc dân tộc là nguồn cảm hứng bất tận cho những sáng tạo nghệ thuật được bay lên.
Nghệ sĩ Mai Thương sinh năm 1991, tại xã Đông La, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật khi ông ngoại từng là người chơi đàn bầu ở Đoàn nghệ thuật Cu Ba. Với mong muốn người cháu ngoại theo nghề của mình, ông của Thương đã truyền dạy đàn bầu cho cô cháu gái khi mới 10 tuổi. Khi ấy hai ông cháu cứ ngày 8 tiếng vừa học đàn bầu vừa học ký xướng âm.Ngày qua ngày tập luyện khiến đôi tay của Thương bị chai sần đi. Sau 1 năm rèn giũa, trau dồi kiến thức,Thương đã được ông đưalên Hà Nội để thi vào Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).
Thời sinh viên, đàn bầu chỉ là chuyên ngành 2 của Mai Thương, đàn tranh mới là chuyên ngành 1 của chị. Chơi đàn tranh cũng gian nan không kém đàn bầu. “Khi ấy, cứ sáng tôi học văn hóa, chiều lại tập đàn khoảng 3 tiếng. Tôi tập đến bay cả móng đàn. Đàn đứt dây còn chảy cả máu tay. Thế nhưng, tôi mê đàn lắm, khó khăn không làm tôi chùn bước”, nghệ sĩ Mai Thương chia sẻ.
Nghĩ lại thời sinh viên, Mai Thương bảo, xa bố mẹ khi còn rất nhỏ nên mọi thứ phải tự túc. Gia đình rất nghèo nên mọi chi tiêu phải rất tiết kiệm. Đến năm lớp 7, chị phải bảo lưu 1 năm vì gia đình không cho đủ tiền đi học. Khi đó, chị đã phải lăn lội kiếm các show bên ngoài để có tiền đi học tiếp. Cuộc sống nhiều vất vả nhưng chưa khi nào chị có ý định rời xa cây đàn tranh, đàn bầu. Chị nghĩ khó khăn càng làm mình thêm quyết tâm, nỗ lực để theo đuổi nó.
Sau 13 năm học tập nghiêm túc, siêng năng, chăm chỉ, ra trường Mai Thương về công tác tại Đoàn Nghệ thuật Phòng không – Không quân rồi Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Cuối cùng, Thương chọn công việc làm tự do. Hiện, Mai Thương đang cùng các nghệ sĩ biểu diễn trong nhiều chương trình phục vụ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, những chương trình nghệ thuật quan trọng và có những chuyến biểu diễn nước ngoài. Đặc biệt, chị đã từng được chọn là người biểu diễn đàn tranh trong bữa tiệc cậu thủ nổi tiếng người AnhDavid Beckham đến Việt Nam.
Thành công nhất của Mai Thương là chị đã giành được Huy chương Vàngtrong một cuộc thi do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức, khi chơi bài “Nhịp cầu quê hương”. Chia sẻ ý nghĩa tác phẩm này, chị cho biết: “Sống ở vùng quê sông nước, mấy ai còn lạ với những nhịp cầu, đủ loại, từ cầu dừa bắc qua mương liếp; cầu khỉ, cầu ván bắc qua kênh, rạch; cầu lớn bắc qua sông… Những cây cầu theo năm tháng chứng kiến bao bận đổi thay ở những miền quê. Ngoài gắn kết đôi bờ trong hiện tại, nhịp cầu còn “bắc” qua được tới một vùng nhớ thương, với nhiều mảnh ghép kỷ niệm, ký ức vui buồn… trên vùng quê cách mạng”.
Ngoài biểu diễn, hiện Mai Thương còn quản lý một công ty tổ chức sự kiện của gia đình. Với quy mô 50 người, công ty của chị thường tổ chức gọi các nghệ sĩ tham gia các chương theo “đơn đặt hàng” của các cá nhân, đơn vị. Mỗi chương trình, Thương luôn chuẩn bị một cách kỹ lưỡng nhất từ âm thanh, ánh sáng đến chất lượng của các giọng ca. Theo chị, đây là nghề khá hót hiện nay khi nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của người dân ngày càng tăng lên. Nhưng đồng thời, chị cũng cho rằng, số lượng phải luôn đi kèm chất lượng, làm sao mỗi chương trình tổ chức phải có bản sắc riêng và mang lại cảm xúc cho khán giả.
Là người giảng dạy Mai Thương đàn tranh suốt hơn 10 năm dưới mái trường Nhạc viện Hà Nội, Tiến sĩ, NSND Phạm Trà My nhận xét: “Ở Mai Thương có một tinh thần và sự vươn lên không ngừng nghỉ. Gia đình quá nghèo khó nhưng em đã biết vượt lên, sống và đam mê với cây đàn dân tộc. Tiếng đàn của Mai Thương đẹp, bay bổng, da diết. Đàn dân tộc hiện nay vẫn đang bị lép vế so với các cây đàn hiện đại khác, bởi thế có những người nghệ sĩ tâm huyết như Mai Thương sẽ làm cho âm nhạc dân tộc ngày càng thêm phong phú, đa dạng hơn”.