Nghệ sĩ Thanh Thế: 'Thần nữ chạy gối' - kiếp tằm không mỏi

Giới mộ điệu cải lương từng mê mẩn với các lần đi xuyến, chạy gối, múa thương xoay một tay, ra quyền xuống tấn, thậm chí đi ngựa một chân trong các tuồng hát điển tích cổ xưa. Đó là một phần làm nên sự cuốn hút của Hồ Quảng. Thế hệ vàng của làng cải lương Hồ Quảng khi đó, giờ còn sót lại chỉ vài người, trong đó có 'Thần nữ chạy gối' Thanh Thế.

Những biệt danh xác tín tài năng

“Hồ” là biến âm của “Hò”, nghĩa là lời ca tiếng hát, còn “Quảng” nghĩa là Quảng Đông. Chính xác hơn, cải lương Hồ Quảng chính là sự phối hợp giữa ba loại hình nghệ thuật: cải lương, tuồng kịch Bắc Kinh và tuồng kịch Quảng Ðông. Cuối thập niên 1940 sang đầu thập niên 1950, những nghệ sĩ Phùng Há, Cao Long Ngà, Năm Phỉ, có dịp sang Quảng Ðông học hỏi “vũ đạo” của các nghệ sĩ tuồng kịch truyền thống ở nơi đây. Khi về nước, các nghệ sĩ đã đem “vũ đạo” áp dụng trên sân khấu và đạt được nhiều thành công.

Nghệ sĩ Thanh Thế trong vai Đào Tam Nương.

Nghệ sĩ Thanh Thế trong vai Đào Tam Nương.

Giữa thập niên 1950 sang đầu thập niên 1960, các nghệ sĩ Khánh Hồng, Bảy Huỳnh và Minh Tơ vào Chợ Lớn, tìm đến những gánh hát người Hoa, mua lại một số trang phục sân khấu của họ. Những trang phục này rất rực rỡ, khi mặc lên sân khấu thì đào, kép vô cùng nổi bật, làm cho sân khấu cũng rực rỡ theo. Những nghệ sĩ này cũng học hỏi từ các gánh hát người Hoa nhịp điệu trống, bắt nguồn từ cách diễn tuồng của phái Bắc Kinh. Tiếng trống rộn rã giúp cho buổi trình diễn thêm tưng bừng náo nhiệt. Tiếng trống còn có tác dụng thay đổi tâm tình khách xem trình diễn, tùy theo nhịp điệu nhanh, chậm, cách ngắt quãng.

Trở về, các nghệ sĩ đã pha điệu hát Hồ Quảng, vọng cổ vào các tuồng cải lương. Qua cách trình diễn của các nghệ sĩ, tất cả các loại hình nghệ thuật này phối hợp một cách nhuần nhuyễn với nhau, tạo nên một sắc thái riêng. Khán giả thưởng thức một vở tuồng diễn theo lối cải lương Hồ Quảng là sẽ nhìn thấy ngay là nó “rất Việt Nam”. Ðó chính là cái tài của người nghệ sĩ, cũng là đặc thù trong văn hóa nghệ thuật Việt Nam, tiếp nhận văn hóa bên ngoài rồi biến hóa, thăng tiến để hay hơn, đẹp hơn mà lại mang cái hồn của nghệ thuật nước nhà.

Thập niên 1960, cải lương Hồ Quảng phát triển sáng chói. Đoàn Đồng Ấu Minh Tơ do cố nghệ sĩ tài danh Minh Tơ là cái nôi đào tạo ra thế hệ vàng của nhánh cải lương này. Từ đó những tên tuổi đình đám hoạt động bền bỉ, duy trì từ thế hệ này qua thế hệ khác như NSND Thanh Tòng, NSƯT Ngọc Đáng, Bo Bo Hoàng, cặp đôi NSƯT Trường Sơn - Thanh Loan, cặp đôi “sóng thần” Bạch Mai - Đức Lợi, cặp đôi “tài danh” NSƯT Bửu Truyện - Thanh Thế, cặp đôi “vàng” Minh Cảnh - Xuân Yến… Họ tạo nên những dấu ấn riêng biệt với mỗi người là một sở trường, và nghệ sĩ Thanh Thế nổi bật lên với những vai diễn đào võ khiến công chúng hâm mộ cuồng nhiệt.

Thanh Thế tên thật là Nguyễn Thị Thanh Thế, sinh năm 1945 tại Mỹ Tho. Cha là nhạc sĩ đàn tranh Ba Tần, ông qua đời lúc Thanh Thế được 7 tuổi. Kế phụ của cô là nghệ sĩ hát bội tài danh Tám Văn, một trong những sáng lập viên của Hội Khuyến Lệ Cổ Ca. Mẹ là nữ nghệ sĩ hát bội Năm Túy. Hai nghệ sĩ Tám Văn và Năm Túy là đôi diễn viên trụ cột của đoàn hát Tấn Thành Ban Bầu Cung.

Năm 10 tuổi, Thanh Thế gia nhập đoàn Đồng Ấu Minh Tơ, được nghệ sĩ Minh Tơ truyền nghề trong vòng 7 năm. Năm 1965, nữ nghệ sĩ Thanh Thế hát cho đoàn Khánh Hồng. Đến năm 1968, Thanh Thế về hát cho đoàn Phước Thành ở Tân Định. Sau năm 1975, Thanh Thế hát ở Đoàn Cải lương tuồng cổ Minh Tơ qua nhiều vở tuồng "Phụng Nghi Đình", "Mã Siêu báo phụ thù", "Lưu Bị cầu hôn Giang Tả", "Thần Nữ dâng Ngũ Linh Kỳ", "Đào Tam Xuân báo phu cừu"…

Rồi tới năm 1979 bà về hát cho đoàn Huỳnh Long qua các tuồng "Tấm Cám", "Nàng Tiên", "Lá Chắn Biên Thùy", "Tình sử A Nàng", "Bí mật Thành Cổ Loa", "Anh Hùng bán than", "Thất Trảm Sớ", "Trọng Thủy Mỵ Châu"… Đặc biệt trong vai Thần Nữ, khi xin tội cho Tiết Ứng Luông, Thanh Thế đã hát kỹ thuật chạy gối thật điêu luyện, kèm thêm bộ múa võ, múa thương, múa đao thật đẹp. Giọng hát của Thanh Thế nghe ngọt lịm, tươi mát như giọng hát của một diễn viên của sân khấu tuồng xã hội, không có chất giọng khàn như phần lớn các nghệ sĩ hát bội.

Dù đã 60 năm trôi qua nhưng giới mộ điệu Hồ Quảng vẫn nhắc đến bà như một “Thần nữ” chạy gối của cải lương Hồ Quảng, hay một nữ soái Phàn Lê Huê xoay thương vun vút chỉ bằng một tay cực kì cuốn hút, và một Chung Vô Diệm với màn thi triển kĩ năng nhào lộn xoay tròn trên sân khấu mà giọng hát vẫn đầy nội lực sang sảng. Thanh Thế cũng thành công khi đóng các vai “phản xuyến” tức là làm kép như Lữ Bố trong Phụng Nghi Đình, vai Triệu Tử Long trong tuồng Lưu Bị cầu hôn Giang Tả và trong tuồng Triệu Tử Long đoạt Ấu chúa. Bà diễn đạt đến mức khán giả gọi bà là “Hồ Quảng Phản Xuyến” như một lời xác tín cho tài năng của bà.

Tổ chọn cho một cái nghề

Thanh Thế từng chia sẻ có lẽ nhờ Tổ nghiệp thương mà ban cho cái duyên sân khấu. Còn nhớ hồi nhỏ, lúc mới bốn tuổi, bà thấy má hát vai Giả Thị trong tuồng Ngũ Vân Thiệu bị thương, Giả Thị chạy loạn, thất lạc trong rừng mà vẫn bị Thượng Sư Đồ theo truy bắt. Giả Thị sanh con trong rừng, lúc sanh con, Giả Thị bồng tượng Tổ để diễn cảnh bồng hài nhi. Má diễn cảnh đó xuất thần khiến bà coi mà khóc nức nở. Tối hôm đó, Thanh Thế nhất định đòi bế tượng Tổ mới chịu đi ngủ. Tình yêu sân khấu từ đó khiến cô đào võ lẫy lừng của cải lương Hồ Quảng đi trọn kiếp tằm nhả tơ không mỏi mệt.

Nghệ sĩ Thanh Thế luôn nhớ sân khấu dù đã không còn minh mẫn.

Nghệ sĩ Thanh Thế luôn nhớ sân khấu dù đã không còn minh mẫn.

Như một sự đặc biệt, cải lương Hồ Quảng luôn có những cặp vợ chồng tạo thành cặp đôi vàng trên sân khấu. Chính cặp đôi đó sẽ tạo nên “sóng thần” cho các xuất diễn luôn đông nghịt người xem. Chỉ duy nhất nhánh cải lương Hồ Quảng mới có những vợ chồng cùng ghi đậm dấu ấn, khiến công chúng khó thể tách rời khi nhắc đến tên. Thanh Thế bén duyên với chồng là NSƯT Bửu Truyện khi cùng tham gia đội Đồng Ấu Minh Tơ. Tài năng của vợ chồng Bửu Truyện - Thanh Thế góp phần làm nên danh tiếng của gánh hát Minh Tơ sau này.

Đam mê và mong muốn cống hiến với nghệ thuật cải lương, hai vợ chồng nghệ sĩ quyết định thành lập gánh hát Thanh Thế. Nhưng, không may đó lại là những năm khó khăn của sân khấu, các xuất diễn thưa vắng, sân khấu thoái trào so với nhiều loại hình khác. Từ cuộc sống sung túc, vợ chồng bà phá sản, bán nhà lớn chuyển nhà nhỏ. Thế nhưng căn bệnh ung thư của NSƯT Bửu Truyện khiến bà lần nữa lâm cảnh lao đao. Bà bán nhà thứ hai để trị bệnh cho chồng nhưng ông vẫn không qua khỏi. Từ ngày chồng mất bà cùng hai con dắt díu đi ở trọ và bà khóc nhiều đến nỗi bị cườm mắt.

Bà và các con phiêu dạt ở trọ khắp nơi, chỗ ở tăng giá thì bà lại chuyển đi. Khi con gái lấy chồng xa, bà sống cùng con trai, hằng ngày vẫn nhận sô diễn khắp nơi để đi hát. Mãi đến năm 2019, trong một lần té ngã ảnh hưởng phần đầu, bà mới ngưng diễn, khi đó bà đã 74 tuổi. Đến năm 2021, sau khi con trai mất vì COVID-19, bà về Hóc Môn sống cùng con gái - nghệ sĩ Thanh Liên, lúc này bà đã mắc bệnh tim và trí nhớ cũng bắt đầu suy giảm. Dù đã lẫn, sức khỏe yếu nhưng Thanh Thế vẫn nhớ mình là nghệ sĩ. Khi các nghệ sĩ đàn em đến thăm, hỏi "bữa nay có đi hát không", bà vui vẻ trả lời:"Không, mấy bữa nay nghỉ, ở nhà buồn lắm, khi nào khỏe lại tôi sẽ đi hát".

Hơn 60 năm gắn bó với sân khấu, Thanh Thế dẫu giờ đã không còn xuất hiện trước công chúng nhưng với những ai yêu cải lương Hồ Quảng thì bà vẫn là một “Hồ Quảng Phản xuyến” và “Thần nữ chạy gối” lẫy lừng trong lòng họ.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/nghe-si-thanh-the-than-nu-chay-goi-kiep-tam-khong-moi-i738550/