Nghệ sĩ ứng xử thiếu văn hóa: Không chỉ có biện pháp 'phong sát'

Kinhtedothi – Ngày 19/4, Trung tâm Tổ chức biểu diễn nghệ thuật và sự kiện văn hóa của Nhà hát Lớn Hà Nội (Bộ VHTT&DL) phối hợp với Công ty CP truyền thông Việt Nam Like và Công ty LeBros tổ chức tọa đàm 'Thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng của nghệ sĩ và giới trẻ'.

Rác mạng xã hội tấn công người dùng

Theo thông tin của BTC tại tọa đàm, khảo sát mới được công bố của Microsoft, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng (DCI).

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Lại Tấn

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Lại Tấn

Kết quả này đã được Microsoft công bố nhân ngày quốc tế An toàn trên Internet. Hiện Việt Nam đứng thứ 5 sau Nga, Columbia, Peru và Nam Phi. Cuộc khảo sát của Microsoft cho thấy văn hóa ứng xử của người Việt Nam đang dần bị mai một.

Nhiều YouTuber đưa ra những thông tin tiêu cực, nguy hại để câu view, like bất chấp. Điển hình như clip “nấu cháo gà nguyên lông”; video dạy trẻ tự tử trên YoutubeKids; đưa trọng tài lên bàn thờ; thách thức, chửi bới của những gian hồ mạng.

Chủ tịch HĐQT Công ty LeBros Lê Quốc Vinh phát biểu. Ảnh: Lại Tấn.

Chủ tịch HĐQT Công ty LeBros Lê Quốc Vinh phát biểu. Ảnh: Lại Tấn.

Tại buổi tọa đàm, Chủ tịch HĐQT Công ty LeBros Lê Quốc Vinh chia sẻ: “Trên mạng xã hội, các thông tin tích cực thường không thu hút mọi người. Nhưng những ngôn từ mang tính thách thức, văng tục lại thu hút nhiều like, comment. Đó là rác trên internet và chúng ta đang phải sống cùng những điều xấu xí đó”.

Rác trên MXH đang tấn công người sử dụng. Giới trẻ dễ tổn thương với những tấn công đó. “Chúng tôi có báo cáo về hậu quả của giới trẻ khi bị tấn công trên mạng. 28% nghĩ tới tự sát; 41% mắc chứng lo âu, hoảng sợ; 9% nghĩ tới sử dụng rượu bia, bỏ học, hoảng loạn trên môi trường số. ” – ông Lê Quốc Vinh cho hay.

Đối với nghệ sĩ, GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, nghệ sĩ có thể công bố tác phẩm của mình, đưa đến công chúng những sản phẩm sáng tạo nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật không biên giới. Song có một bộ phận người hoạt động nghệ thuật có ứng xử xấu xí trên không gian mạng như tranh cãi, đấu tố đồng nghiệp, quảng cáo sai sự thật nhằm thu lợi.

Giảm tác động tiêu cực

Tại buổi tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn Trần Hướng Dương chia sẻ không thích sử dụng các từ phong sát, cấm sóng đối với các nghệ sĩ. Ông Trần Hướng Dương cho rằng nên tránh dùng cụm từ “phong sát” bởi đó là cách làm của nước ngoài, không phù hợp với đời sống văn hóa nghệ thuật trong nước.

“Cục Nghệ thuật biểu diễn đang làm việc với các bộ, ngành như Bộ Công an, Bộ TT&TT để đưa ra quy chế phối hợp nhằm giảm tác động tiêu cực của các nghệ sĩ vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục. Biện pháp quản lý nhà nước chắc chắn có. Chúng tôi đang xin ý kiến, phối hợp các bộ, ngành khác, sau đó sẽ trình lãnh đạo Bộ VHTT&DL phê duyệt, dự kiến công bố trước tháng 10” – ông Trần Hướng Dương chia sẻ.

Diễn viên Hàn Trang phát biểu. Ảnh: Lại Tấn

Diễn viên Hàn Trang phát biểu. Ảnh: Lại Tấn

Trao đổi tại tọa đàm, đại diện Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, các chuyên gia văn hóa, các nghệ sĩ trẻ cũng đồng tình với những biện pháp xử lý nghiêm, kịp thời từ cơ quan Nhà nước để dọn rác trên không gian mạng.

Ở góc độ người nổi tiếng, diễn viên Hàn Trang (phim “Lối về miền hoa”) cho rằng khán giả sẽ là người phán xét công tâm nhất, có ảnh hưởng lớn nhất đối với những hành vi lệch chuẩn.

“Khi nghệ sĩ hành xử trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật thì tình cảm từ khán giả sẽ không còn. Họ sẽ không được các nhãn hàng mời tham gia quảng cáo, sự kiện nữa. Đó là những hình phạt nghiêm khắc không kém chế tài phong sát hay cấm sóng” - diễn viên Hàn Trang chia sẻ.

Người mẫu Hạ Vy phát biểu.

Người mẫu Hạ Vy phát biểu.

Nêu quan điểm tại tọa đàm, người mẫu Hạ Vy đồng tình với việc bổ sung các biện pháp mạnh dành cho những người nổi tiếng vi phạm quy tắc ứng xử trên mạng. Cô cho rằng cơ quan chức năng có thể khóa kênh, xóa tài khoản YouTube, TikTok của các cá nhân vi phạm để cảnh cáo.

Minh An

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nghe-si-ung-su-thieu-van-hoa-khong-chi-co-bien-phap-phong-sat.html