Nghệ sĩ Ưu tú Cao Chí Thành: Hạnh phúc khi thấy học trò trưởng thành
Cao Chí Thành là người Việt Nam đầu tiên đoạt giải chính thức của Cuộc thi ballet quốc tế Helsinki - nằm trong top 4 cuộc thi ballet danh tiếng nhất thế giới, từng đảm nhận nhiều vai diễn nặng ký trong các vở ballet cổ điển. Hơn 10 năm qua, anh rời ánh đèn sân khấu để tập trung cho việc giảng dạy tại khoa Múa nước ngoài, chuyên ngành Múa cổ điển châu Âu (ballet), Học viện Múa Việt Nam. Mới đây, anh đã có cuộc trao đổi với Hànôịmới Cuối tuần.
- Chúng ta phải nhìn vào sự phát triển của xã hội, nhiều người có quan điểm rằng làm nghệ thuật không thể giàu được, nên không theo học múa. Đầu vào bị hạn chế về số lượng và chất lượng thì đầu ra không thể tốt.
Thời của tôi, rất đông học viên dự tuyển vì hồi ấy mọi người đều khó khăn như nhau. Đặc biệt là khi học nghệ thuật thì được hỗ trợ, cụ thể như không mất học phí, học giỏi thì có học bổng, khi ra trường có công việc ổn định. So với mặt bằng chung thì điều kiện ấy rất ổn nên nhiều người theo, mong muốn được đứng trên sân khấu. Còn bây giờ, khi xã hội phát triển, người ta cho rằng đàn ông là trụ cột gia đình, nếu đi theo nghệ thuật thì lương ba cọc ba đồng... Vì thế, chỉ những người rất đam mê mới theo học múa. Bây giờ, người đi theo nghề múa mà hội tụ đầy đủ các yếu tố như năng khiếu, điều kiện cơ thể, sự tâm huyết, đam mê thì hiếm lắm. Bản thân tôi cũng thấy lo cho tương lai của bộ môn này nếu như không có chế độ đãi ngộ đặc thù.
- Gia đình anh có hai anh em đều theo nghệ thuật múa. Tuy nhiên, em trai anh đã rẽ sang con đường kinh doanh. Có khi nào anh chạnh lòng suy nghĩ hay so sánh?
- Thời trẻ mình thích cái gì là làm cái đó. Đến khi lập gia đình, có con thì phải suy nghĩ rất nhiều. Ngoài công việc giảng dạy ở trường, tôi đi làm thêm ở nhiều nơi để có thể trang trải, lo cho gia đình. Tôi rất yêu nghề, nhưng nhiều lúc thấy người thân trong gia đình chịu thiệt thòi một chút thì cảm thấy có lỗi. Có lúc cũng muốn rẽ ngang nhưng rồi lại thôi, có lẽ đúng là cái nghiệp rồi.
- Công việc làm thêm của anh có thuận lợi không?
- Tôi tham gia giảng dạy tại một số studio hoặc dạy cho những cá nhân thực sự yêu thích bộ môn này. Đi dạy ở ngoài mới thấy có những người tuy không theo múa chuyên nghiệp nhưng lại rất chăm chỉ, say mê. Họ học để bổ trợ cho bộ môn khác, cũng có thể là học theo niềm yêu thích của mình.
- Tên tuổi của anh cùng với một số nghệ sĩ khác như Lê Ngọc Văn, Đàm Hàn Giang... được nhắc đến như là niềm tự hào của nghệ thuật múa cổ điển Việt Nam. Đến giờ, mỗi người đã có một con đường riêng. Khi nói đến chữ “nghiệp”, anh có băn khoăn gì với lựa chọn của mình không?
- Mỗi người có một cơ duyên khác nhau. Cống hiến cho bộ môn nghệ thuật này thì ở đâu cũng như nhau, nhưng cơ duyên khác nhau thì đường đi cũng khác nhau. Tôi trở về với nghiệp giảng dạy sau khi rời sân khấu, muốn dành tất cả kinh nghiệm cũng như kiến thức để truyền lại cho thế hệ sau. Tôi mong mình có thể giúp các em rút ngắn thời gian, trưởng thành nhanh hơn, thăng hoa nhiều hơn. Vì tuổi nghề của một diễn viên múa ngắn lắm.
Ngoài ra, gắn bó với công việc giảng dạy, tôi được nhìn thấy hình bóng của mình, tuổi trẻ của mình một lần nữa. Được nhìn thấy các em trưởng thành qua mỗi ngày, tự nhiên thấy nghề giáo rất cao quý.
- Ai là người có sức ảnh hưởng với sự nghiệp của anh?
- Người thầy đầu tiên của tôi là thầy Vũ Dương Dũng, người đã hướng dẫn, đào tạo và truyền ngọn lửa đam mê cho tôi từ khi bước chân vào trường học cho đến khi tốt nghiệp. Tôi đã từng du học tại Hồng Kông (Trung Quốc) trong một năm rưỡi, sau đó về công tác tại Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, được các bậc tiền bối chỉ bảo rất nhiều. Đó là chú Hà Thế Dũng, Vũ Anh Quân... cùng rất nhiều đồng nghiệp khác.
- Theo đuổi sự nghiệp giảng dạy hơn 10 năm, cho đến giờ anh đã tìm được học trò “chân truyền” của mình?
- Nói là chân truyền thì cũng đúng đấy! Đó là nghệ sĩ trẻ Nguyễn Đức Hiếu, hiện đang công tác tại Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Từ khi Hiếu bắt đầu vào trường học cho đến khi tốt nghiệp đều do một tay tôi dìu dắt. Trong nghệ thuật múa, có một điều đặc biệt là “tài không đợi tuổi”. Nếu trẻ mà có tài thì bạn vẫn được giao những vai chính. Không có gì ngăn cản bước tiến của bạn được. Với Hiếu, tôi thấy được điều ấy khi cậu ấy chịu khó tập luyện, học hỏi và hoàn thiện vai diễn một cách tốt nhất. Cậu ấy bây giờ đã trưởng thành rồi, đã có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình. Mỗi khi cậu ấy cần sự giúp đỡ, tôi rất sẵn lòng!
- Trân trọng cảm ơn anh đã chia sẻ!