Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Đình Nghĩ - cánh chim đầu đàn của nghệ thuật ca - múa - nhạc
Mấy lần lỡ hẹn do khách quan, nhưng đến tháng 8/2019, nhạc sĩ (NS) Đình Nghĩ (tên đầy đủ là Nguyễn Đình Nghĩ) đã chính thức được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Là người đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng được tôn vinh danh hiệu này, sự khẳng định công lao của một cá nhân đóng góp tài năng và nhiệt huyết cho Lâm Đồng suốt gần 40 năm liên tục.
NS Đình Nghĩ quê ở thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, sinh ngày 15/8/1958. Ở tuổi lên 8, anh đã được học nhã nhạc cung đình. Với niềm đam mê và được sống trong môi trường âm nhạc tinh hoa của đất nước và di sản văn hóa thế giới, Nguyễn Đình Nghĩ chơi nhạc cụ rất sành sỏi. Ví dụ như nhị, sáo, kèn... và những bộ gõ khác trong dàn nhạc bát âm. Năm 1976, Nguyễn Đình Nghĩ được lựa chọn cử đi học Trường Âm nhạc Việt Nam, nay là Học viện Âm nhạc quốc gia. Tốt nghiệp, năm 1980, anh vào tỉnh Lâm Đồng công tác tại Phòng Văn nghệ, Ty Văn hóa - Thông tin, chuyên sưu tầm nghiên cứu, sáng tác văn nghệ dân gian. Từ năm 1985, NS Đình Nghĩ chuyển qua Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Lâm Đồng, với cương vị chỉ đạo nghệ thuật, anh trụ cho đến lúc nghỉ hưu, năm 2018.
Nói đến sự nghiệp của NS Đình Nghĩ, anh có nhiều thành công và đóng góp lớn cho tỉnh Lâm Đồng trên nhiều lĩnh vực: sáng tác âm nhạc; chỉ đạo nghệ thuật; xây dựng các chương trình tham gia liên hoan nghệ thuật ca múa nhạc; dàn dựng các chương trình nghệ thuật cho các cơ quan, đơn vị; dìu dắt nhiều thế hệ ca sĩ... Với sáng tác, NS đã dàn dựng, biểu diễn và tham dự liên hoan nghệ thuật đoạt nhiều huy chương vàng, huy chương bạc và giấy khen. Có thể nêu một số tác phẩm ấn tượng như các ca khúc: Trở về đồi cỏ cháy, Kể chuyện dòng suối, Cô gái Đariam, Hoa LangBiang, Ầu ơi tiếng Việt, Nu mê nu lơi, Ngàn năm mây trắng, Đà Lạt nhịp thời gian, Say trăng, Ồ kìa! Suối thác mùa Xuân, Điệu ru mặt trời... Đó còn là những sáng tác khí nhạc, hòa tấu nhạc cụ dân tộc tre nứa như: Đồng dao ngày mùa, Suối Tía, Đỉnh ngàn sao... Thành công nổi bật và cũng là đặc trưng trong sáng tác âm nhạc của NS Đình Nghĩ là anh sử dụng nhuần nhị chất liệu dân gian Tây Nguyên của các dân tộc thiểu số Kơ Ho, Mạ, trong sự “ngấm máu âm nhạc Huế nghìn đời” như tác giả tâm sự và sự tri ân. Với tài năng và niềm đam mê ấy, tác phẩm âm nhạc của Nguyễn Đình Nghĩ hòa trộn chất mượt mà với sâu lắng, sự bay bổng với da diết. Tác giả rất dụng công trong cuộc tìm kiếm về ca từ và giai điệu. Đức tính chau chuốt và kỹ lưỡng ấy đã giúp tác phẩm đến với công chúng theo một lối mĩ cảm rất riêng của Nguyễn Đình Nghĩ. Đó là sự đồng điệu của những cảm xúc thăng hoa và phiêu linh. Và đó, để cùng chạm vào những miền ký ức miên man, thăm thẳm, không giới hạn...
Với vai trò là Trưởng đoàn, chỉ đạo nghệ thuật của Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Lâm Đồng, NS Đình Nghĩ đã xây dựng rất nhiều chương trình phục vụ các sự kiện chính trị - xã hội của đất nước và của địa phương. Anh đưa Đoàn đi biểu diễn phục vụ Nhân dân các vùng sâu, vùng xa suốt mấy chục năm qua, như cánh chim không lựa chọn vùng trời. Người viết bài này đã có khá nhiều dịp theo Đoàn nghệ thuật của NS Đình Nghĩ đến nhiều vùng sâu như “nơi tận cùng con đường 725” ở huyện Cát Tiên hơn 20 năm trước; hay nơi giáp ranh với huyện Đăk Nông ở huyện Đam Rông... Những đêm diễn thiếu thốn rất nhiều thứ đối với Đoàn, nhưng luôn để lại dư ba trong Nhân dân các dân tộc những ngọt ngào, sôi động và lắng sâu. Sự dấn thân và tận hiến ấy đem đến đồng bào trong tỉnh Lâm Đồng một đời sống văn hóa tinh thần vô giá. Chưa hết, tập thể cán bộ, nhân viên và văn nghệ sĩ của đơn vị NS Đình Nghĩ còn nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ cả công chúng thưởng thức là người nước ngoài. NS Đình Nghĩ còn xây dựng các chương trình cho Đoàn tham gia liên hoan ca múa nhạc vùng biên giới, nơi biển đảo và các tỉnh, thành phố trong khu vực và toàn quốc, gặt hái nhiều giải thưởng là huy chương vàng, huy chương bạc, bằng khen và giấy khen. Anh bộc bạch: “Nhân đây, tôi cũng cảm ơn anh chị em nghệ sĩ trong Đoàn Ca múa nhạc Lâm Đồng qua các thời kỳ. Chính họ đã góp phần quan trọng để cá nhân tôi có được những thành công. Bên cạnh đó, tôi và Đoàn cũng được sự quan tâm của nhiều vị lãnh đạo và các ngành của tỉnh cũng như các địa phương mỗi khi chúng tôi đến biểu diễn”.
Là nhà quản lý gần như trọn đời với một đoàn nghệ thuật nhiều thiếu thốn và chẳng ít gian khó, nhưng vị Trưởng đoàn Nguyễn Đình Nghĩ dấn thân chèo chống để vượt qua. Hơn thế, anh luôn trăn trở với dòng chảy cuộc sống, để say mê lao động sáng tạo, để cháy hết mình với nghệ thuật, như con tằm nhả tơ cho đời. Tôi có thể dẫn một vài ca từ trong các ca khúc của anh, đủ để hiểu những con sóng dặt dìu, cuồn cuộn, chở xao xuyến của một cá thể hòa vào dòng chảy âm nhạc ra với biển lớn: “Ôi mông lung đêm đông, thương con tằm ăn rỗi ươm nong. Trăng chơi vơi, lăn lóc soi dặm đời” (Bên trời tơ bay); hay “Lang thang miền hoang, tiếng kêu giữa chiều hoang. Rơi đỉnh sầu nước mắt...” (Nghìn trùng cao xanh). Có thể hiểu, người nghệ sĩ ấy luôn muốn độc hành, lang thang giữa ngàn trùng, dù biết nhiều trở ngại, để “lặng nhìn đàn chim lang thang bến vắng si tình...” như ca từ trong một tác phẩm của anh chưa công bố. Vì thế và nhờ thế, Nguyễn Đình Nghĩ đồng thời gặt hái nhiều thành công trong dàn dựng các chương trình nghệ thuật. Ở đó, anh là linh hồn, là thuyền trưởng, có sức hút mãnh liệt, có lực đẩy tiềm tàng, để con tàu vượt lên sóng lớn đến với bến bờ thành công. Nguyễn Đình Nghĩ không chỉ là tấm gương sáng về lao động nghệ thuật, anh còn là động lực, là tấm lòng đại lượng của bậc cha chú dìu dắt nhiều ca sĩ vốn là thành viên Đoàn thành danh ở các thành phố lớn. Có thể kể đến; một Nguyên Thảo, Dũng Đà Lạt hay một Ka Thiếu, Cil K’Rao... Cũng phải nói thêm, anh là một trong những hội viên sáng lập Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng, góp phần quan trọng, giúp đỡ nhiều đồng nghiệp trở thành hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam như anh, từ 4 nhạc sĩ đến nay đã đến con số 15 nhạc sĩ.