Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Kiều Oanh: Phải làm gì nếu mình thực sự yêu nghề?

Gần 30 năm gắn bó với sân khấu tuồng, Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Nguyễn Kiều Oanh là gương mặt quen thuộc trong các vở tuồng cổ do Nhà hát Tuồng Việt Nam dàn dựng: Nữ tướng Đào Tam Xuân, trích đoạn tuồng Ông già đi hội, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo... Sự nghiệp diễn xuất của chị ghi dấu bằng 2 Huy chương vàng, 3 Huy chương bạc và nhiều giấy khen, bằng khen trong các cuộc liên hoan, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc.

- Thưa NSƯT Kiều Oanh, đã lâu mới gặp lại chị. Hình như bên cạnh công tác chuyên môn tại Nhà hát Tuồng Việt Nam, chị còn tham gia hoạt động cùng nhóm Đông Kinh cổ nhạc! Mới đây, trong chương trình “Việt Thiền Âm” của nhóm Đông Kinh cổ nhạc, tôi thấy chị có tham gia biểu diễn...

- Thưa NSƯT Kiều Oanh, đã lâu mới gặp lại chị. Hình như bên cạnh công tác chuyên môn tại Nhà hát Tuồng Việt Nam, chị còn tham gia hoạt động cùng nhóm Đông Kinh cổ nhạc! Mới đây, trong chương trình “Việt Thiền Âm” của nhóm Đông Kinh cổ nhạc, tôi thấy chị có tham gia biểu diễn...

- Đây là niềm vinh dự đối với nghệ sĩ chúng tôi khi được tham gia chương trình nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11) của Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ. Trong chương trình ấy, tôi đã đọc một bài thơ thiền của vua Trần Thánh Tông. Đây là một trong những bài thơ được nhà nghiên cứu Đàm Quang Minh chọn để lồng điệu, làm cho những giá trị văn hóa nghệ thuật xưa trở nên gần gũi với đời sống tinh thần của ngày hôm nay.

- Bên cạnh việc tham gia biểu diễn, nghe nói chị còn là cố vấn chuyên môn cho Đoàn nghệ thuật thể nghiệm của Nhà hát Tuồng Việt Nam?

- Đây là đoàn nghệ thuật mới được thành lập, tập hợp hơn 30 diễn viên trẻ tâm huyết với nghề. Đó là sự cố gắng của Nhà hát Tuồng Việt Nam nhằm gìn giữ “lửa nghề”. Họ đã có 4 năm được đào tạo tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, 2 năm làm việc tại Nhà hát Tuồng Việt Nam. Bên cạnh đoàn nghệ thuật thể nghiệm, chúng tôi vẫn duy trì đoàn nghệ thuật truyền thống để gìn giữ vốn cổ của các cụ để lại. Đoàn nghệ thuật truyền thống gồm nhiều nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, những tên tuổi của nghệ thuật tuồng. Hai đoàn hoạt động song song, cùng có nhiệm vụ tham gia bảo tồn và phát triển nghệ thuật tuồng.

- Phải chăng Nhà hát Tuồng Việt Nam đã giải quyết được bài toán về thế hệ kế cận?

- Đây là một thế mạnh của Nhà hát Tuồng Việt Nam. Chúng tôi rất tự hào khi đã giữ và thổi được ngọn lửa nghề trong điều kiện khó khăn hiện nay. Thực sự lãnh đạo nhà hát đã rất trăn trở trước nhiệm vụ xây dựng lực lượng kế thừa. Khán giả hiện nay có đòi hỏi cao về thẩm mỹ, sự mới mẻ, trẻ trung. Trong khi đoàn nghệ thuật truyền thống chuyên phục dựng biểu diễn những vở tuồng cổ thì đoàn thể nghiệm như một lực lượng xung kích. Có thể kể tên những vở diễn gắn liền với thương hiệu của Nhà hát Tuồng Việt Nam như Đào Tam Xuân, Mộc Quế Anh, Sơn Hậu, Nghêu Sò ốc Hến...

Nghệ sĩ Kiều Oanh diễn Ông già đi hội.

- Trong khi cuộc sống có quá nhiều thứ phải lo toan, làm thế nào để những người nghệ sĩ ấy có thể “neo” lại với nghề?

- Thực sự thì chế độ bồi dưỡng, lương dành cho anh chị em nghệ sĩ là chưa đủ. Hai vợ chồng tôi đều là NSƯT nhưng thường trong cảnh “lương về đến nhà đã gần hết rồi”! Với lòng yêu nghề, mình phải làm đủ mọi cách, lấy ngắn nuôi dài. Dù làm gì, mình cũng phải xác định nghệ thuật tuồng vẫn là tình yêu, là niềm vui, là miếng cơm manh áo của mình.

Bồi dưỡng cho lực lượng trẻ là vấn đề rất quan trọng bởi nhận thức và bản lĩnh nghề nghiệp của các em chưa vững vàng. Nghệ thuật truyền thống lại rất cần có thời gian và kinh nghiệm, rèn luyện nhiều năm mới trở thành một nghệ sĩ thực thụ. Nhưng ở các em có sức trẻ, nhiệt huyết mạnh mẽ. Bên cạnh đó chúng tôi cũng phải có sự động viên liên tục, ủng hộ về tinh thần, bồi đắp về chuyên môn đối với lớp trẻ. Mình cần phải làm gì nếu mình thực sự yêu nghề? Khi đã dấn thân vào con đường nghệ thuật truyền thống thì phải như thế nào?... Đó là những vấn đề mà chúng tôi, thế hệ đi trước, luôn động viên các em.

Chúng tôi rất mừng khi lớp trẻ đã gặt hái thành công. Trong Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên tuồng và dân ca kịch toàn quốc diễn ra tại Bình Định vừa qua, chúng tôi có 12 diễn viên tham gia với 9 trích đoạn và nhiều bạn đã đoạt giải cao. Tiêu biểu như Quỳnh Liên được trao Huy chương vàng trong trích đoạn Hồ Nguyệt Cô hóa cáo. Đây là vai rất khó, mang đầy đủ những gì đặc trưng nhất, hóc búa nhất, gai góc nhất trong tâm lý nhân vật cũng như việc thể hiện các trình thức hát, múa...

- Bản thân chị từng đảm nhận rất nhiều vai diễn nặng ký trong các vở tuồng. Bây giờ, khi đã lui về làm cố vấn chuyên môn nhiều hơn, chị có thấy trống trải không?

- Với những chương trình quan trọng hay khi có những vai diễn lớn đòi hỏi kinh nghiệm thì tôi vẫn góp mặt. Gần đây nhất, tôi tham gia biểu diễn vở Chiếc bóng oan khiên - một vở diễn kinh điển của Nhà hát Tuồng Việt Nam. Với một số vai trong các phần trích đoạn, nếu cần thì tôi vẫn tham gia để hỗ trợ các bạn trẻ. Mục đích là giúp cho các em có thể soi chiếu, có thêm kinh nghiệm trong từng vai diễn.

- Cảm ơn chị đã chia sẻ!

Mai Đình

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-thoai/985161/nghe-si-uu-tu-nguyen-kieu-oanh-phai-lam-gi-neu-minh-thuc-su-yeu-nghe