Nghệ sĩ vi phạm: Ngoài công chúng tẩy chay, cần chế tài nghiêm minh

Nghệ sĩ vi phạm không chỉ mong chờ sự tẩy chay của công chúng mà cần một hành lang pháp lý rõ ràng, đủ mạnh.

Những ngày qua, lùm xùm liên quan đến việc một số nghệ sĩ quảng cáo cho sản phẩm không đúng sự thật, thậm chí liên quan đến hàng giả, hàng kém chất lượng, đã khiến dư luận phẫn nộ.

Một lần nữa, câu hỏi được đặt ra: Trách nhiệm của nghệ sĩ ở đâu? Có nên chỉ trông chờ vào sự "quay lưng" của công chúng để xử lý sai phạm?.

Việc khán giả tẩy chay nghệ sĩ vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thiếu trách nhiệm với công chúng là phản ứng tự nhiên, thậm chí cần thiết. Hình ảnh nghệ sĩ vốn gắn liền với sự tin tưởng, sự ngưỡng mộ. Một khi niềm tin đó bị phản bội, khán giả có quyền lựa chọn rời xa.

Tuy nhiên, sự quay lưng của công chúng là cần nhưng chưa đủ. Không thể chỉ dựa vào sức mạnh dư luận để răn đe những hành vi sai trái. Bởi lẽ, thiệt hại do quảng cáo sai sự thật không chỉ dừng lại ở lòng tin mà còn gây hậu quả vật chất, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng. Những thiệt hại ấy cần được bù đắp bằng trách nhiệm pháp lý rõ ràng.

 Nghệ sĩ vi phạm không chỉ mong chờ vào sự tẩy chay của công chúng, cần chế tài nghiêm minh. Ảnh minh họa: AI

Nghệ sĩ vi phạm không chỉ mong chờ vào sự tẩy chay của công chúng, cần chế tài nghiêm minh. Ảnh minh họa: AI

Nghệ sĩ, dù ở vai trò cá nhân, khi tham gia quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo thực phẩm, dược phẩm liên quan đến sức khỏe con người, phải chịu trách nhiệm liên đới. Bởi tiếng nói của họ không còn đơn thuần là "ý kiến cá nhân" mà trở thành công cụ thúc đẩy hành vi tiêu dùng. Khi sản phẩm họ đại diện vi phạm, nghệ sĩ phải bị xem xét và chịu chế tài tương xứng.

Trong bối cảnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, trình Quốc hội xem xét, với nhiều quy định mới nhằm siết chặt trách nhiệm của nghệ sĩ và người nổi tiếng khi tham gia quảng cáo.

Trong đó, có nội dung quy định người nổi tiếng phải trực tiếp sử dụng sản phẩm trước khi chia sẻ cảm nhận, đặc biệt với các sản phẩm như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Người tham gia quảng cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung quảng cáo, không thể viện lý do "chỉ đọc kịch bản" để né tránh trách nhiệm khi quảng cáo sai sự thật.

Đồng thời, người tham gia quảng cáo phải cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung quảng cáo, doanh thu, tên sản phẩm, số lượng sản phẩm phát sinh từ hoạt động quảng cáo định kỳ theo yêu cầu của cơ quan thuế hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu

Nghệ sĩ khi bước vào lĩnh vực quảng cáo, không chỉ đơn thuần đại diện cho hình ảnh sản phẩm mà còn tham gia vào quá trình thuyết phục người tiêu dùng. Với sức ảnh hưởng đặc biệt, nghệ sĩ phải ý thức được rằng mỗi lời giới thiệu, mỗi sự xác nhận của mình có thể khiến hàng triệu người đặt niềm tin.

Khi nghệ sĩ không kiểm chứng kỹ thông tin sản phẩm, hoặc cố tình tiếp tay cho các hành vi gian dối, thì đó không chỉ là lỗi đạo đức nghề nghiệp, mà còn phải chịu trách nhiệm pháp luật.

Các quy định rõ ràng về mức phạt, thậm chí cấm hành nghề quảng cáo trong thời gian nhất định, là cách để xây dựng một môi trường quảng cáo minh bạch, công bằng hơn.

Xử lý nghiêm minh không phải để triệt hạ nghệ sĩ, mà để giữ gìn sự trong sạch cho chính giới nghệ thuật, bảo vệ người tiêu dùng và xây dựng lại niềm tin vốn rất mong manh của xã hội.

Nghệ sĩ cần hiểu rằng, danh tiếng không chỉ là ánh hào quang của những vai diễn, những sân khấu lớn, mà còn được bồi đắp từ trách nhiệm với công chúng trong từng hành động, từng lời nói. Khi đã là người của công chúng, mỗi quyết định của họ không còn là chuyện riêng của bản thân nữa.

Đã đến lúc cần một hành lang pháp lý rõ ràng, đủ mạnh, để mỗi nghệ sĩ khi cầm kịch bản quảng cáo trong tay sẽ cân nhắc kỹ hơn: Không chỉ nghĩ tới cát-xê, mà còn nghĩ tới hậu quả nếu sản phẩm đó gây hại cho xã hội.

VIẾT THỊNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/nghe-si-vi-pham-ngoai-cong-chung-tay-chay-can-che-tai-nghiem-minh-post844876.html