Nghệ sĩ vội giải thể công ty
Nghệ sĩ Trung Quốc có nhiều cách để giảm thuế thu nhập cá nhân. Nhưng hiện tại, các cơ quan quản lý đã ra những quy định rất gắt gao để kiểm soát thuế.
QQ đưa tin ngày 7/5, khi quy định mới về việc nhận thù lao của nghệ sĩ được áp dụng, hai diễn viên Hầu Minh Hạo và Chu Nhất Long cũng trình đơn xin giải thể hai công ty mà trước đó họ thành lập.
Theo QQ, chưa đầy 2 tháng sau khi Đặng Luân bị buộc tội trốn thuế và mất hết sự nghiệp, hơn 20 nghệ sĩ đã hủy bỏ các văn phòng đại diện, công ty con liên quan.
QQ bình luận hành động xóa bỏ sự liên quan tới các công ty con của nghệ sĩ là dấu hiệu báo trước, cho thấy một đợt kiểm tra gắt gao khác của cơ quan quản lý về thuế thu nhập của các ngôi sao.
Quy định mới về cát-xê và cách ngôi sao trốn thuế
Thepaper đưa tin Liên đoàn phát thanh và truyền hình Trung Quốc (thuộc Tổng cục phát thanh truyền hình Trung Quốc), Hiệp hội dịch vụ truyền thông mạng Trung Quốc (tổ chức ngành nghề cấp quốc gia) phối hợp phát hành Văn bản mẫu của hợp đồng tuyển dụng diễn viên, áp dụng thử trong lĩnh vực sản xuất phim truyền hình, web drama.
Một số quy định mới được nêu ra, trong đó nêu rõ các hình thức nhận thù lao của diễn viên như nghệ sĩ không được nhận cát-xê bằng tiền mặt, phải có hợp đồng bằng văn bản. Các công ty, cá nhân không được trả thù lao bằng cổ phiếu, bất động sản, vàng bạc đá quý, tranh, thư pháp, đồ cổ, đồ sưu tầm... gây mập mờ về thu nhập. Hợp đồng cát-xê không phải là dạng hợp đồng thu nhập sau thuế, hợp đồng đầu tư hay lập kế hoạch.
Nghệ sĩ phải phân biệt chặt chẽ thu nhập cá nhân, thu nhập của công ty hay của văn phòng đại diện.
Hợp đồng lao động giữa diễn viên và công ty chủ quản hay hãng phim phải quy định rõ việc phân chia thù lao, cũng như các nghĩa vụ hợp đồng tương ứng.
Nghệ sĩ không được phép dùng danh nghĩa người thân, hoặc người không có liên quan đến lĩnh vực biểu diễn để ký hợp đồng nhằm tách thu nhập thành các khoản khác nhau, che giấu thù lao thực nhận.
Theo QQ, các quy định mới đã "chặn đứng" nhiều chiêu trò trốn thuế của nghệ sĩ như sử dụng "hợp đồng ma".
Ví dụ trường hợp của Trịnh Sảng, khi đóng phim Thiến nữ u hồn năm 2018, cô ký hai bản hợp đồng cát-xê với nhà sản xuất.
Tổng thù lao Trịnh Sảng nhận được là 160 triệu NDT, trong đó, cô ký một hợp đồng trị giá 46 triệu NDT, đây là "hợp đồng dương". Theo quy định, Trịnh Sảng phải đóng 45% thuế thu nhập với bản hợp đồng này. Số tiền 112 triệu NDT còn lại trở thành tiền tăng vốn cổ phần giữa đoàn phim và công ty con đứng tên Trịnh Sảng và nữ diễn viên chỉ chịu mức thuế 20%.
Cô có thể tiết kiệm mấy chục triệu NDT nhờ việc "lách luật". Đồng thời, trong điều khoản hợp đồng Trịnh Sảng được trả 5 triệu tiền mặt, số tiền này có thể không phải nộp thuế.
QQ cho biết ngoài việc sử dụng "hợp đồng ma", việc đăng ký thành lập các công ty nhỏ cũng là phương thức để trốn thuế phổ biến trong giới giải trí.
Theo Luật thuế thu nhập cá nhân, với những người thu nhập trên 1 triệu NDT sẽ phải đóng khoản thuế lớn là 45%. Đối với thu nhập từ kinh doanh, sẽ chịu mức thuế 35%. Nhưng nếu ngôi sao đăng ký thành lập công ty mới và là nghệ sĩ trực thuộc thì chỉ cần trả 20% thuế, tương đương với việc giảm một nửa số tiền thuế phải nộp.
Bên cạnh đó, tại một số địa phương của Trung Quốc, để thúc đẩy kinh tế, chính quyền giảm mức thuế phải nộp xuống rất thấp chỉ khoảng 5%. Nhiều nghệ sĩ mở hàng chục công ty ở khắp Trung Quốc để tận dụng mức thuế thấp này, đây là một chiến lược tránh thuế phổ biến trong ngành giải trí Trung Quốc. Thực tế, các công ty này chỉ nằm trên giấy tờ, không có hoạt động cụ thể.
Theo điều tra của China Daily, giai đoạn 2019-2020, showbiz Hoa ngữ hình thành trào lưu "dựa người nhà, nhờ người quen, mở công ty cho cha, lập doanh nghiệp cho mẹ".
Cụ thể thay vì nhận tiền thù lao trực tiếp từ đối tác sau khi ký hợp đồng, nghệ sĩ sẽ tìm bên thứ 3 hỗ trợ giao dịch bất hợp pháp về thu nhập. Họ lợi dụng danh tính người quen thành lập một doanh nghiệp độc quyền ở địa phương hưởng ưu đãi thuế. Với cách thức này, giới sao Trung Quốc chỉ phải đóng khoảng 9,5% thuế thu nhập, thay vì mức 45% theo quy định.
Theo Sina, các doanh nghiệp thành lập dưới dạng này nếu không may bị thanh tra, nghệ sĩ cũng không chịu liên đới do không đứng tên giấy tờ kinh doanh. Hơn nữa, việc giải tán công ty cũng dễ dàng, chỉ cần nộp đơn hủy bỏ kinh doanh.
Giải thể 647 công ty
Theo QQ, hoạt động kiểm tra gắt gao thuế thu nhập của nghệ sĩ bắt đầu từ năm 2016. Từ đó đến nay, nhiều nghệ sĩ hạng A như Phạm Băng Băng, Trịnh Sảng, Đặng Luân, Vi Á đã khiến công chúng bất ngờ khi phải nộp phạt số tiền lớn tới hàng chục triệu USD vì hành vi trốn thuế.
Theo thống kê từ QQ, sau khi Trịnh Sảng bị phạt 46 triệu USD tiền trốn thuế vào tháng 8/2021, chỉ trong một ngày có 75 nghệ sĩ nổi tiếng nổi tiếng đã giải thể studio hoặc công ty mà họ đứng tên. Trong đó, có Hà Cảnh, Đặng Siêu, Đường Yên, Huỳnh Hiểu Minh.
Sau khi Đặng Luân nhận hình phạt cấm sóng vì bê bối trốn thuế vào ngày 15/3, giới sao Trung Quốc tiếp tục ồ ạt thoái vốn công ty, văn phòng đại diện. Trong nửa cuối tháng 3, có tổng cộng 20 công ty điện ảnh truyền hình và văn hóa do nghệ sĩ đứng tên "tan đàn xẻ nghé". Những ngôi sao như Huỳnh Hiểu Minh, Chương Tử Di, Hà Cảnh, Phùng Thiệu Phong, Diêu Thần, Lý Thần... đã giải thể công ty đến đợt thứ ba.
Theo thông tin điều tra từ trang thông tin doanh nghiệp Qichacha APP, chỉ trong 8 tháng, đã có 647 công ty con liên quan tới các nghệ sĩ bị xóa bỏ.
Trước đó, Tổng Cục quản lý Phát thanh, Truyền hình và Điện ảnh Trung Quốc đã ra thông báo sẽ điều tra các hành vi trốn thuế, rửa tiền, khai khống doanh thu, sử dụng hợp đồng âm dương tránh việc để thù lao quá cao... Những nghệ sĩ vi phạm sẽ bị tẩy chay trên diện rộng, không được phép hoạt động nghệ thuật.
Do đó, các nghệ sĩ đều thể hiện tích cực tuân theo pháp luật. Tuy nhiên, theo giới luật sư, dù nghệ sĩ có giải thể công ty, cơ quan chức năng vẫn có nhiều biện pháp điều tra, xử phạt.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nghe-si-voi-giai-the-cong-ty-post1316213.html