'Nghe sửa Luật Đất đai, dân mừng lắm!'

Là 1 trong hơn 200 đại biểu dự hội thảo tham vấn về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức chiều qua, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) kể: 'Dân nghe sửa Luật Đất đai họ mừng lắm dù chưa biết sẽ sửa thế nào'. Một chi tiết nhỏ cho thấy người dân và cử tri cả nước quan tâm và kỳ vọng chừng nào ở sự kiện pháp lý đặc biệt này!

Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền:

Mong muốn đóng góp thiết thực vào quá trình sửa Luật Đất đai

“Như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, quá trình xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) không chỉ là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV mà còn là ví dụ sinh động nhất để đánh giá năng lực xây dựng pháp luật của Chính phủ, Quốc hội, các tổ chức hữu quan, đánh giá năng lực thể chế hóa chủ trương của Đảng.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình và mong muốn đóng góp thiết thực vào quá trình sửa Luật Đất đai - một sự kiện pháp lý đặc biệt được người dân cả nước mong đợi và gửi gắm nhiều kỳ vọng, Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế về một số chính sách quan trọng của dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Hội thảo nhằm cung cấp thông tin đầy đủ, toàn diện tới các đại biểu về những định hướng lớn, nội dung cơ bản của dự thảo Luật, đặc biệt là ghi nhận ý kiến, đề xuất của các đại biểu Quốc hội và chuyên gia… qua đó, góp phần hoàn thiện dự án Luật với chất lượng cao nhất”.

Sáng nay, tại Hội trường Diên Hồng, Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ngay trước thềm phiên họp này, Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến đại biểu Quốc hội và chuyên gia về một số nội dung quan trọng trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) với mong muốn góp phần hoàn thiện dự án Luật với chất lượng cao nhất.

Chia sẻ của các đại biểu tại hội thảo một lần nữa cho thấy, người dân và cộng đồng doanh nghiệp cả nước rất quan tâm và gửi gắm nhiều kỳ vọng vào việc sửa đổi Luật Đất đai lần này. Người dân quan tâm bởi chính sách đất đai liên quan mật thiết tới đời sống, sinh kế, tài sản của họ. Nhìn rộng hơn, chính sách tốt, quy định hay sẽ phát huy cao nhất hiệu quả nguồn lực đất đai trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và người dân sẽ được thụ hưởng thành quả đó. Người dân kỳ vọng bởi thâm tâm họ mong muốn sửa đổi Luật Đất đai sẽ giải quyết được rất nhiều vướng mắc nảy sinh trong gần 10 năm thực hiện Luật Đất đai năm 2013. Có thể kể đến sự không thống nhất, đồng bộ trong trong hệ thống pháp luật có liên quan đến đất đai; cơ chế thu hồi đất nhiều bất cập…. Cùng với đó, chức năng đại diện chủ sở hữu đất đai và chức năng thống nhất quản lý của Nhà nước về đất đai cũng chưa được minh định rõ, Nhà nước có rất nhiều quyền nhưng chưa thực sự quản lý chặt chẽ được đất đai. Đây là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền lạm quyền, tiêu cực trong việc quyết định số phận pháp lý của đất đai, tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng.

Tuy nhiên, như các đại biểu đã thống nhất tại hội thảo, không phải sửa Luật Đất đai là sẽ giải quyết hết được những vướng mắc liên quan hiện nay. Bởi lẽ hàng loạt vấn đề tiêu cực hiện nay như tình trạng đầu cơ, thổi giá đất, quy hoạch treo, thu hồi đất dẫn đến khiếu nại tố cáo, tham nhũng và lãng phí trong lĩnh vực đất đai… không hoàn toàn xuất phát từ bất cập của Luật Đất đai mà liên quan đến cả hệ thống pháp luật. Để đáp ứng được kỳ vọng của người dân, tiến trình sửa đổi Luật Đất đai cần bám sát kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp chuyên đề tháng 9.2022.

Theo đó, cần thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5. Sửa Luật phải khắc phục bất cập trong thực tiễn nhưng cũng phải bảo đảm tính tổng thể, chiến lược. Cùng với đó, phải rà soát sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất, có phương án xử lý phù hợp và tiếp tục cải cách thủ tục hành chính đất đai. Đặc biệt, phải tách bạch rõ để quy định vào Luật quan hệ đất đai mang tính chất công (quan hệ quản lý nhà nước về đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, đối tượng sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; xác định giá đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…) và quan hệ đất đai mang tính chất tư (giao dịch góp vốn, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, tặng, cho quyền sử dụng đất…).

Những yêu cầu trên cũng là những vấn đề cốt lõi, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và cụ thể hóa thành các chính sách, quy định đúng đắn, dễ hiểu, khả thi. Tại hội thảo chiều qua, các đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế không chỉ chuyển tải kỳ vọng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp mà còn đề xuất nhiều giải pháp cho những vấn đề gốc rễ của chính sách đất đai như vậy. Không hẹn mà gặp, các đại biểu đều ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, khẩn trương, quyết tâm và đặc biệt là tinh thần cầu thị của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong tiến trình sửa đổi Luật Đất đai. Hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) gửi tới các đại biểu Quốc hội hết sức đồ sộ, lên tới cả nghìn trang cho thấy luật đang được sửa đổi hết sức công phu, kỹ lưỡng với trách nhiệm cao nhất để đáp ứng mong mỏi của người dân. Đây cũng là chỉ dấu củng cố niềm tin rằng vào Kỳ họp cuối năm sau, Quốc hội sẽ bấm nút thông qua một dự Luật Đất đai có chất lượng tốt nhất với sức sống thật lâu bền, đưa đất đai thành động lực thúc đẩy Việt Nam tiến tới đích thịnh vượng.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/nghe-sua-luat-dat-dai-dan-mung-lam-i307731/