Nghề sửa tiền rách cứu sống hàng nghìn người ở Zimbabwe

Những tờ USD rách bị từ chối giao dịch tại các siêu thị, cửa hàng sẽ được bán lại cho thợ sửa tiền với giá chỉ bằng một phần nhỏ so với giá trị gốc.

Albert Marombe (sống tại Zimbabwe) cẩn thận cầm tờ 1 USD nhăn nhúm lên và khéo léo dán lại những chỗ rách thành một mảnh. Sau khi hoàn chỉnh, anh kiểm tra tờ tiền một lần nữa rồi đưa cho khách hàng. Các thao tác của Marombe chuyên nghiệp, thuần thục vì đây là công việc anh làm hàng ngày để kiếm sống.

“Tôi không quan tâm nó bị rách như thế nào. Điều duy nhất tôi muốn thấy là số seri có thể nhìn rõ ở cả hai mặt”, Marombe nói với AP News.

Marombe bán tờ 1 USD đã được sửa với giá 80 xu và nó sẽ được lưu hành trở lại. Nhiều cửa hàng có thể từ chối nhận tiền rách nhưng với những người buôn bán ở thị trường chợ đen, đó là "cả một gia tài". Họ thường mua chúng lại với số tiền thấp hơn giá trị thực tế.

 Người dân Zimbabwe phải dán lại những tờ tiền cũ nát trong bối cảnh kinh tế suy thoái.

Người dân Zimbabwe phải dán lại những tờ tiền cũ nát trong bối cảnh kinh tế suy thoái.

Theo AP News, dù bị chuột cắn nát hoặc xé rách, tờ 1 USD vẫn là “vua” ở Zimbabwe. Đồng tiền này từng bị “đóng băng” bởi cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài.

Nó có thể mua được một ổ bánh mì hoặc những mặt hàng thiết yếu khác. Theo lệnh cấm của chính phủ, những tờ tiền mới sẽ không được đưa vào lưu hành tại Zimbabwe. Vì vậy, thợ sửa tiền được xem như là “vị cứu tinh” cho những khách hàng tuyệt vọng.

“Mua đi, bán lại”

Việc những đồng tiền rách bị từ chối giao dịch tại các doanh nghiệp như siêu thị, cửa hàng đã buộc nhiều người phải bán chúng cho thợ sửa như Marombe với giá chỉ bằng một phần nhỏ so với giá trị gốc.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), sự nở rộ của nền kinh tế phi chính thức đang chiếm khoảng 2/3 dân số Zimbabwe. Vì vậy, có rất nhiều đồng tiền không hợp pháp được sử dụng tại đây.

Tờ USD đã trở thành tiền tệ thống trị các điểm giao dịch ở Zimbabwe kể từ khi siêu lạm phát của quốc gia này tăng vọt lên hơn 5 tỷ phần trăm. Năm 2009, trước tình hình kinh tế căng thẳng, chính phủ Zimbabwe đã ban hành lệnh cấm sử dụng nội tệ.

Đến năm ngoái, họ chính thức đưa một số đồng nội tệ mới vào lưu thông và cấm sử dụng ngoại tệ, bao gồm cả USD, khi mua bán.

 Nghề sửa tiền phát triển mạnh ở quốc gia Nam Phi.

Nghề sửa tiền phát triển mạnh ở quốc gia Nam Phi.

Tuy nhiên, trong khi thị trường chợ đen phát triển mạnh, đồng nội tệ lại nhanh chóng mất giá.

Vào tháng 3 năm nay, chính phủ đã nới lỏng và bỏ lệnh cấm đồng USD. Hiện tình trạng thiếu tiền mệnh giá nhỏ đang trở thành cơn ác mộng với người dân ở đất nước của “những tỷ phú nghèo”.

John Robertson (đến từ Harare) cho biết nền kinh tế từng thịnh vượng của quốc gia Nam Phi bắt đầu tụt dốc do quá trình phi công nghiệp hóa, đầu tư không hiệu quả, xuất khẩu yếu kém và nợ nần chồng chất. Những nguyên nhân này khiến các nhà lãnh đạo đất nước không kiểm soát được chính sách tiền tệ nội địa.

“Nếu đồng tiền có mệnh giá quá nhỏ, người dân sẽ không muốn gửi chúng vào ngân hàng. Họ sẽ giữ nó cho riêng mình. Các ngân hàng không trả cho chủ tài khoản bằng tiền mặt”, Robertson - nhà kinh tế học - giải thích.

Làm giàu nhờ sửa tiền

Thợ sửa tiền như Marombe đành phải cân bằng khoảng cách thông qua việc chắp vá những tờ USD bị rách có nhiều mệnh giá khác nhau.

“Tôi ở đây vào 6 giờ sáng mỗi ngày và về nhà lúc tối muộn. Công việc kinh doanh của tôi rất suôn sẻ. Nhờ nó tôi mới sống sót qua cuộc khủng hoảng”, thợ sửa tiền Albert Marombe chia sẻ.

Marombe mua lại mỗi đồng USD với giá từ 40-60 xu tùy thuộc vào tình trạng của chúng. Người đàn ông 38 tuổi cho hay cách đây 6 tháng anh còn là một người bán quần áo cũ.

Trong một lần tình cờ, Marombe đã nhìn thấy cơ hội làm giàu qua việc vá lại những tờ tiền rách và bán chúng kiếm lời. Nhờ công việc này, anh đủ sức nuôi cả gia đình, gồm người vợ đang mang thai và hai đứa con.

 Công việc sửa tiền mang lại nguồn thu nhập ổn định cho Marombe.

Công việc sửa tiền mang lại nguồn thu nhập ổn định cho Marombe.

Tại các thành phố trên khắp cả nước, thợ sửa tiền xếp hàng dài trên các con đường sầm uất và cầm theo cọc tiền trong nước lẫn USD.

Mặc dù biết rằng hành vi này là bất hợp pháp và có thể bị cảnh sát truy quét, song họ cũng không còn sự lựa chọn nào khác.

Nếu mua đồ tại siêu thị mà thu ngân không có tiền lẻ để thối, người tiêu dùng sẽ được trả lại phiếu giảm giá cho lần sau.

"Đôi khi họ hết những phiếu giảm giá này thì tôi buộc phải lấy kẹo. Thật là bất tiện vì tôi không thể đi xe buýt vào thị trấn bằng phiếu giảm giá", Innocent Chirume - một khách hàng tại siêu thị Harare - bức xúc.

Những tờ 1 USD còn tốt sẽ được trả thêm 10%. Thợ sửa tiền thường mua những tờ tiền đẹp từ các chủ cửa hàng, công nhân và người bán hàng rong.

Theo Zimbabwe Ralph Watungwa, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Zimbabwe, các cơ sở giao dịch đang khuyến khích người dân thanh toán điện tử vì đồng USD nhập khẩu vào nước này có chi phí quá cao.

“Khách hàng có thể đổi những tờ tiền đã bị bẩn để lấy những tờ có thể sử dụng được, mặc dù quy trình xuất nhập khẩu là một giai đoạn lâu dài và tốn kém đối với các ngân hàng”, ông Watungwa cho biết.

Thảo Ngân
Ảnh: AP News

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nghe-sua-tien-rach-cuu-song-hang-nghin-nguoi-o-zimbabwe-post1155074.html