Nghệ sỹ nhiếp ảnh Hồ Thăng - Người lưu giữ những khoảnh khắc

Nhiếp ảnh gia Hồ Viết Thạnh (nghệ danh Hồ Thăng) không chỉ sở hữu bộ ảnh quý của quân và dân Tuyên Quang giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, mà ông còn là người đam mê ghi lại những khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống, sinh hoạt của 22 dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Hiện ông đang có bộ ảnh quý về trang phục truyền thống nguyên bản của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Hồ Thăng.

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Hồ Thăng.

Nhiếp ảnh gia Hồ Thăng sinh năm 1935 tại Hà Nội, tốt nghiệp chuyên ngành thể thao. Năm 1957, ông lên Tuyên Quang. Năm 1958, ông nhận công tác tại phòng Cổ động, Ty Văn hóa Tuyên Quang. 38 năm gắn bó với ngành văn hóa cho ông cơ hội đi nhiều. Ông luôn xác định ý thức cần lưu giữ lại những khoảnh khắc quý giá “một đi không trở lại” của hiện tại, lưu lại cho các thế hệ mai sau. Các di tích lịch sử, nhịp sống, sinh hoạt của đồng bào các dân tộc, các sự kiện diễn ra trên địa bàn tỉnh… là những ưu tiên hiện diện trong ống kính của ông. Vì vậy mà ông đã có một bộ sưu tập ảnh về những di tích lịch sử cách mạng; sắc thái phong phú, đa dạng của 22 dân tộc ở Tuyên Quang; nhịp cầu phao nối đôi bờ sông Lô một thuở, sắc màu văn hóa chợ phiên… Đó là những ký ức rất đỗi tự hào, thân thương về một xứ Tuyên xưa.

Nhớ lại một thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, ông kể: thời đánh Mỹ, nhiều người sợ nguy hiểm đe dọa tính mạng, sợ chết lắm. Còn ông thì cứ chỗ nào có Mỹ là ông lao đến. Nghĩ lại những năm tháng xông xáo, dấn thân của tuổi trẻ, giờ mới thấy giá trị vì hầu hết những tác phẩm tư liệu của ông đều được Bảo tàng tỉnh trân trọng lưu giữ, sử dụng thường xuyên. Năm 2016, ông đã vinh dự được tặng Giải thưởng Tân Trào (lần 2) với cụm tác phẩm ảnh đen trắng “Xác máy bay Mỹ 21 bị quân dân Tuyên Quang bắn rơi tại Lang Quán”, “Dân quân xã Đạo Viện bắt sống giặc lái Mỹ”, “Tội ác của giặc Mỹ ném bom vào khu dân cư xã An Tường”, “Cánh máy bay Mỹ rơi tại xã Thái Long năm 1966”, “Cán bộ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hỏi cung phi công Mỹ bị bắt tại Xuân Vân”, “Xuất quân vào Nam chiến đấu của tiểu đoàn Bình Ca 2 năm 1967”… Đây là bộ ảnh quý, có giá trị lịch sử, trong đó có ảnh được lưu giữ tại Bảo tàng Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam, nhiều ảnh được in trong cuốn sách ảnh “Tuyên Quang - những hình ảnh lịch sử, cách mạng và kháng chiến”. Bộ ảnh thể hiện tinh thần yêu nước, dũng cảm vượt mọi hy sinh gian khổ, chiến đấu và tập trung chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Sau khi nghỉ hưu, ông vẫn nồng nàn một tình yêu với nhiếp ảnh. Ông là một trong những người tiên phong đặt nền móng thành lập Câu lạc bộ (CLB) Nhiếp ảnh thành Tuyên, thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh. Liên tiếp gần 10 năm, ông đều được hội viên tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm CLB. Về già có niềm vui của tuổi già, ông vẫn tích cực tham gia lĩnh vực mà cả đời mình đã gắn bó. Năm 2009, ông đạt giải nhì tại triển lãm ảnh đất nước và con người 4 tỉnh: Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang trao tặng. Năm 2018, ông đạt giải khuyến khích cuộc thi thiết kế sản phẩm lưu niệm du lịch tỉnh Tuyên Quang. CLB Nhiếp ảnh thành Tuyên do ông làm chủ nhiệm ông cũng đã bồi dưỡng, giúp đỡ được 6 hội viên trở thành Hội viên Hội văn học nghệ thuật tỉnh.

Ông không sở hữu những chiếc máy ảnh hiện đại và cũng đã qua cái tuổi có thể tiếp cận và làm chủ công nghệ ảnh tiên tiến, hiện đại. Nhưng với một kiến thức văn hóa nền giàu có, ông luôn cảm nhận cuộc sống bằng những rung động từ chính trái tim mình. Những rung động đó được ông thể hiện qua ống kính của mình, từng có mặt ở những thời điểm có ý nghĩa lịch sử của Tuyên Quang… Đó là lý do khiến những khoảnh khắc quý giá trong các tác phẩm của ông luôn có sức sống, có giá trị và chỗ đứng vững bền trong lòng công chúng yêu nghệ thuật nhiếp ảnh xứ Tuyên.

Ngọc Hảo

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/cuoi-tuan/tac-gia-tac-pham/nghe-sy-nhiep-anh-ho-thang-nguoi-luu-giu-nhung-khoanh-khac-143525.html