Nghệ sỹ Việt Nam, Đức sẽ kết nối trong nhiều chương trình hòa nhạc
Các nghệ sỹ Việt Nam và quốc tế sẽ giới thiệu những tác phẩm âm nhạc nổi bật trong thế kỷ 20 trong chuỗi hòa nhạc của Viện Goethe tổ chức.
Chuỗi chương trình Âm nhạc thế kỷ 20 do Viện Goethe Hà Nội tổ chức sẽ giới thiệu các tác giả, tác phẩm chưa được biểu diễn nhiều tại Việt Nam. Các buổi hòa nhạc sẽ có sự tham gia biểu diễn của các nghệ sỹ Việt Nam và quốc tế thuộc Inspirito School of Music.
Theo nghệ sỹ piano Lưu Đức Anh, đây là giai đoạn đánh dấu sự sáng tạo không giới hạn, sự phát triển phong phú và cực kỳ đa dạng của các màu sắc âm nhạc, thủ pháp sáng tác khác nhau.
“Chúng ta hay nghe những tác phẩm âm nhạc cổ điển lãng mạn từ thế kỷ 19 nhưng nay đã là thế kỷ 21 rồi, đã đến lúc cần nhìn lại một giai đoạn phát triển khác của âm nhạc thế giới,” nghệ sỹ Lưu Đức Anh nói.
“Hai cuộc chiến tranh thế giới đã làm xáo trộn cuộc sống, chính trị, xã hội, văn hóa thế giới, điều này đương nhiên có tác động khiến nền âm nhạc thế kỷ 20 cũng rất nhiều biến động. Chúng tôi sẽ giới thiệu những nghệ sỹ từ khắp nơi trên thế giới. Họ sẽ dùng những cách rất sáng tạo để chơi nhạc,” anh nói thêm.
Theo nghệ sỹ Lưu Đức Anh, rất nhiều trường phái âm nhạc đã ra đời trong thế kỷ 20 như trường phái ấn tượng, hiện thực, tiên phong, tối giản. Đây đều là những trường phái âm nhạc nổi bật, định hình âm nhạc thế kỷ 20 nhưng lại chưa được biết đến tại Việt Nam.
Ngày 19/4, khán giả sẽ được thưởng thức tác phẩm của các nhạc sỹ nổi tiếng của nước Mỹ như John Cage, John Adams, Leo Ornstein, Henry Cowell. Tiếp đó, âm nhạc thế kỷ 20 sẽ được giới thiệu trong các buổi hòa nhạc ngày 24/5, 28/6 và 14/7.
Trong buổi họp báo ngày 6/4, ông Wilfried Eckstein, Viện trưởng Viện Goethe, cho biết trong năm nay Viện Goethe sẽ tổ chức rất nhiều chương trình âm nhạc nhằm kết nối các nghệ sỹ Việt Nam và Đức. Điển hình là dự án RECONNECT, hình thành trong bối cảnh đại dịch kéo dài trên thế giới, khiến nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật gặp trở ngại.
“Hiện nay các chuyến bay quốc tế từ Đức đến Việt Nam cũng đã ngừng nhưng điều đó sẽ không ngăn cản sự trao đổi âm nhạc giữa nghệ sỹ hai nước,” ông Eckstein nói.
RECONNECT là dự án giúp hiện thực hóa các cơ hội gặp gỡ xuyên quốc gia bằng hình thức cộng tác trực tuyến. Dự án này mang đến những hỗ trợ tài chính dành cho đối thoại và hợp tác sản xuất giữa các nghệ sỹ Việt Nam và Đức thuộc lĩnh vực âm nhạc (nhạc điện tử, nhạc cổ điển, nhạc mới), video art và nghệ thuật trình diễn.
Ông Eckstein cho biết kinh nghiệm trong vài tháng qua cho thấy các buổi hòa nhạc, buổi diễn tập và khóa học ở định dạng trực tuyến không thể thay thế được hoàn toàn các buổi tập và buổi biểu diễn hòa nhạc cùng nhau và cùng một nơi, đặc biệt là khi xử lý các quang phổ mà cần dựa vào ký hiệu chính xác và hướng dẫn chi tiết giữa người biểu diễn.
“Chính vì vậy, các nhạc sỹ từ Đức và Việt Nam đã cùng nhau xây dựng một chương trình âm nhạc cho phép xử lý những bất lợi về khoảng cách địa lý, độ trễ do đường truyền mạng. Họ đã lựa chọn những sáng tác từ năm 1960 không xác định được chính xác cao độ, độ giao thoa chính xác, thời lượng bản nhạc, các nhạc cụ... Từ đó, họ vẫn có thể chơi nhạc cùng nhau bất kể khoảng cách địa lý,” Viện trưởng nói.
Ngoài các nghệ sỹ đến từ Inspirito School of Music, các chương trình hòa nhạc của Viện Goethe năm nay sẽ có sự góp mặt của nghệ sỹ Lucas Fels (cello), Nina Janßen-Deinzer (clarinet), Cedrik Fermont (nghệ sỹ nhạc điện tử) và Gabriel Hensche (nghệ sỹ trình diễn) từ Đức./.