Nghệ thuật 'thắng từng bước để đạt thắng lợi cuối cùng' trong bảo vệ tổ quốc
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, vì là quốc gia nhỏ, Việt Nam liên tục phải đấu tranh, đương đầu với các đế chế hùng mạnh gấp nhiều lần, luôn lăm le xâm chiếm..., do đó, cần biết thắng từng bước để đạt thắng lợi cuối cùng.
Theo sử sách chép lại, trước khi ra lệnh xuất quân ra Bắc, đại phá quân Thanh, Vua Quang Trung đã suy tính trước: “Quân Thanh sau khi thua, tất lấy làm xấu hổ, quyết không muốn hòa hiếu. Nhưng, hai nước đánh nhau, cũng không phải là phúc cho dân. Nên nay, chỉ có người nào khéo về giấy tờ (giỏi thương lượng, đàm phán), mới có thể ngăn được họa binh đao. Việc ấy, cần nhà ngươi (Ngô Thì Nhậm) chủ trương lấy”. Cuối cùng, sự việc diễn ra đúng như vậy.
Kiên quyết, kiên trì, vừa đánh vừa đàm, biết thắng từng bước để đạt thắng lợi cuối cùng, cũng là một trong những bản sắc truyền thống nổi bật của ngoại giao Việt Nam. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, do đặc điểm là quốc gia nhỏ, Việt Nam liên tục phải đấu tranh, đương đầu với các đế chế hùng mạnh gấp nhiều lần, luôn lăm le xâm chiếm..., do đó, cần biết thắng từng bước để đạt thắng lợi cuối cùng.
Đánh kết hợp với đàm là một bài học lớn của ông cha ta. Cùng với đấu tranh quân sự, ông cha ta đã vận dụng hết sức linh hoạt, hiệu quả các chính sách ngoại giao mềm dẻo, khôn khéo; nhưng kiên quyết, khẳng định tư duy, trí tuệ, khí phách của một dân tộc không chịu khuất phục, không chịu làm chư hầu, lệ thuộc, để giữ yên bờ cõi.
Để ngăn chặn mưu đồ mở rộng lãnh thổ của nhà Tống, vua Lý Nhân Tông đề cao cảnh giác, kết hợp nhiều hình thức đấu tranh ngoại giao, như bang giao chính thức thông qua các sứ bộ, giao dịch buôn bán, trao đổi ở khu vực biên giới và tổ chức các hoạt động định biên, thống nhất biên giới; chủ động cử sứ giả sang nhà Tống cầu phong, xin kinh Đại tạng, thậm chí chấp nhận cống nạp, làm phiên thần để đạt được mục đích quốc gia - dân tộc, bảo vệ cương vực, lãnh thổ. Hoạt động đấu tranh ngoại giao trong thời kỳ nhà Lý, nhất là các chính sách bang giao mềm dẻo không chỉ làm giảm bớt căng thẳng, ngăn chặn ý định xâm lược Đại Việt của nhà Tống, mà còn đòi lại được vùng đất Quảng Nguyên (Thuận Châu) vào năm 1079.
Mặc dù ba lần đánh bại quân xâm lược Nguyên - Mông, bảo vệ vững chắc biên cương phía Bắc, vua Trần vẫn kiên trì thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo với nhà Nguyên để ngăn ngừa âm mưu tái xâm lược nước ta, giữ vững chế độ nhà Trần trong 175 năm.
Có thể thấy, những chính sách trên thể hiện sâu sắc văn hóa ứng xử nhân văn, nghệ thuật ngoại giao “kiên quyết, kiên trì”, “biết người, biết ta”, “biết thời, biết thế”, “cương nhu kết hợp”, “tiến lúc mạnh, thoái lúc yếu”, “khoan hòa, linh hoạt” của cha ông ta trong lịch sử.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đảng ta đề ra và kiên trì thực hiện phương châm chiến lược “vừa đánh vừa đàm” xuất phát từ nghệ thuật kết hợp giữa mặt trận quân sự, mặt trận chính trị và mặt trận ngoại giao; đồng thời, từ cục diện tình hình và so sánh lực lượng cụ thể trên chiến trường lúc đó.
Chúng ta không thể giải quyết thắng lợi cuộc chiến tranh chỉ bằng quân sự vì Mỹ là một đế quốc hùng mạnh, có lực lượng quân đội lớn và vũ khí tối tân, trong khi về so sánh sức mạnh, ta chưa ở thế áp đảo, các lực lượng ủng hộ ta lại bị chia rẽ nghiêm trọng, đặc biệt nổi lên mâu thuẫn Xô - Trung và việc cả hai nước lớn này đều muốn hòa hoãn với Mỹ.
Tình hình đó ảnh hưởng sâu sắc đến tiến trình cách mạng và các bước triển khai chiến lược của ta nhằm kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn đã viết: “Tuy nói Mỹ phải ra vì thua, vì yếu nhưng ta biết rằng Mỹ vẫn còn tiềm lực lớn... Ta tuy thắng liên tiếp và đã mạnh lên nhưng còn gặp nhiều khó khăn. Đến lúc này, sự viện trợ của phe ta không phải đầy đủ và kịp thời như ta mong muốn…
Trong hoàn cảnh đó, ta phải tạo ra một thế đi lên vững nhất, một thế thắng chắc nhất. Chính vì lẽ đó mà ta ký Hiệp định Pa-ri… Ý định của ta là giữ nguyên thế và lực của mình ở miền Nam để tiến lên tiếp tục tiến công địch” . “Vừa đánh vừa đàm” chính là phương châm thích hợp nhất để tiếp tục đẩy mạnh cuộc cách mạng ở miền Nam để đi tới thắng lợi cuối cùng “Bắc Nam sum họp”.
Ngoại giao Việt Nam đã thể hiện vai trò chủ động, kịp thời nắm bắt và khai thác những cơ hội khách quan và chủ quan, biết phát huy tác động và ý nghĩa của những thắng lợi trên chiến trường để giành thắng lợi trên bàn đàm phán và góp phần tạo điều kiện, thời cơ cho những thắng lợi tiếp theo.
Ngày 18/1/1969, phiên họp đầu tiên của Hội nghị Pa-ri về Việt Nam khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Pa-ri (Pháp). Bốn đoàn đại biểu của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã bàn thảo chuẩn bị cho phiên họp toàn thể lần thứ nhất.
Ngày 25/1/1969, Hội nghị bốn bên chính thức khai mạc. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đưa ra tuyên bố chính trị với lập trường năm điểm, và đến tháng 5/1969 đưa ra giải pháp toàn bộ mười điểm về vấn đề miền Nam Việt Nam.
Ngày 14/5/1969, Mỹ đã đối phó bằng cách đưa ra kế hoạch tám điểm đòi gắn việc rút quân Mỹ với việc rút quân miền Bắc và duy trì chính quyền Sài Gòn, đồng thời tăng viện cho chính quyền Sài Gòn để thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, thực chất là dùng người Việt đánh người Việt và buộc Việt Nam phải thương lượng dưới sức ép của bom đạn Mỹ.
Ngày 6/6/1969, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, chính phủ hợp pháp duy nhất của nhân dân miền Nam Việt Nam, được thành lập và ngay sau đó đã được 23 nước công nhận, trong đó có 21 nước đặt quan hệ ngoại giao. Hoạt động ngoại giao Việt Nam bước sang một giai đoạn mới với sự tồn tại đồng thời của Bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Bộ Ngoại giao Cộng hòa Miền Nam Việt Nam - cả hai đều hoạt động dưới sự chỉ đạo thống nhất của Đảng và cùng nhằm một mục tiêu chiến lược là buộc Mỹ chấm dứt mọi hoạt động xâm lược, rút hết quân khỏi Việt Nam, công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Ngày 25/8/1969, trả lời thư của Tổng thống Mỹ Ních-xơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam và của dân tộc Việt Nam, không có sự can thiệp của nước ngoài. Đó là cách đúng đắn để giải quyết vấn đề Việt Nam phù hợp với quyền dân tộc của nhân dân Việt Nam, với lợi ích của nước Mỹ và nguyện vọng hòa bình của nhân dân thế giới. Đó là con đường để Mỹ rút khỏi cuộc chiến tranh trong danh dự”.
Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cũng kiên quyết đòi Mỹ rút ngay toàn bộ quân Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam, thành lập một chính phủ hòa hợp dân tộc ba thành phần và tiến tới tổng tuyển cử. Đảng ta đã đề ra nhiệm vụ chiến lược là kiên trì và đẩy mạnh kháng chiến, tiến hành tổng tiến công liên tục, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân Mỹ và thế giới nhằm đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ cả về chính trị, quân sự và ngoại giao.
Trước sự lớn mạnh không gì ngăn nổi của phong trào cách mạng ở miền Nam, sự thất bại của Mỹ trong chiến dịch ném bom đánh phá miền Bắc và công luận rộng rãi trên thế giới, kể cả nhân dân Mỹ, lên án cuộc chiến tranh xâm lược và đòi Mỹ rút khỏi Việt Nam, Mỹ đã buộc phải ngồi vào bàn đàm phán và cuối cùng ký kết “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”.