Nghệ thuật tuồng - Lửa thiêng cháy mãi!
Với bề dày 65 năm, Nhà hát Tuồng Việt Nam có nguồn tư liệu dồi dào để khai thác.
“Còn cháy mãi lửa thiêng/Lửa hội tụ bao khát khao trí tuệ/Lửa soi đường bừng sáng tạo niềm tin/Lửa lung linh kết nối những tâm hồn/Lửa từ óc, từ tim, rạng ngời nhiệt huyết/Của bao thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân đã lao động, luyện rèn, miệt mài cống hiến/Tiếp nối và trao truyền nghệ thuật tuồng, di sản của ông cha…”.
Tiếng thơ được chắt từ lòng biết ơn Tổ nghề; kính trọng, tri ân các thế hệ cùng dốc sức, dốc lòng, chung vai xây dựng, gìn giữ nghệ thuật tuồng – “Lửa thiêng còn cháy mãi” đang vang trên các sàn tập mừng Ngày truyền thống 65 năm Nhà hát Tuồng Việt Nam (1959 – 2024).
Khơi dậy hồn Việt
Là người dành nhiều tâm sức biên tập và chắp bút cho kịch bản đong đầy những tỏ lòng của người say mê vốn quý cha ông, ông Tạ Văn Sốp – Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam bồi hồi cùng cảm xúc nhớ về những ngày đầu xưa ấy.
Đó là, nhằm ngày Thu tháng 9 năm 1959, Đội Tuồng Bắc chính thức được thành lập, nghệ nhân tài hoa từ khắp các miền quê, có người đã là thầy tuồng và vang danh với nhiều vai diễn, cùng tìm về, tụ hội và bắt tay vào việc truyền dạy những câu hát, điệu múa, vai mẫu trong các pho tuồng cổ ở chùa Hà (Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội)… Giữa không gian ngát hương trầm nay rộn ràng trống phách cùng bao tích tuồng hay được dàn dựng, biểu diễn, thực là:
“Nghệ nhân tuồng khắp miền quê Bắc
Tâm huyết về chung một mái nhà
Trao truyền nghệ thuật của ông cha
Khơi dậy lửa thiêng hồn tuồng Việt”.
Từ khởi đầu ấy, Đội Tuồng Bắc dần lớn mạnh thành Đoàn Tuồng Bắc rồi Nhà hát Tuồng Việt Nam hôm nay. Hơn 10 thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân, cán bộ, kỹ thuật viên, nhân viên… bền bỉ gắn kết, cùng nhau đau đáu một niềm khát khao, giữ gìn, phát huy nghiệp Tổ vang mãi.
Những thế hệ ấy đã cùng làm nên hàng trăm tác phẩm để đời, điển hình như: “Mục Quế Anh dâng cây”, “Nữ tướng Đào Tam Xuân”, “Ngũ Vân Thiệu”, “Sơn Hậu”, “Tiếng gọi non sông”, “An Tư công chúa”, “Đề Thám”, “Tình mẹ”…
Đây cũng là những vở diễn có các trích đoạn sẽ được các nghệ sĩ đã nghỉ hưu như: NSND Gia Khoản, NSND Xuân Quý, NSND Văn Thủy, NSƯT Hồng Điểm, NSƯT Minh Tâm, nghệ sĩ Phạm Thị Tiên và nghệ sĩ ưu tú, diễn viên, nhạc công, cán bộ công nhân viên đang công tác cùng tái hiện trong chương trình nghệ thuật của lễ kỷ niệm sẽ được tổ chức trọng thể sáng 12/9 tại Rạp Hồng Hà, Hà Nội.
Theo ông Hoàng Văn Long, Quyền Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, Ban Giám đốc và Đảng ủy nhà hát đã thống nhất xây dựng một chương trình nghệ thuật gọn ghẽ, sâu lắng.
Dù chỉ bằng việc điểm một số tác phẩm nhưng phải đủ sức kể lại câu chuyện ngắn gọn, ấn tượng, thuyết phục mà nêu bật một số giai đoạn gian lao nhưng vinh quang, thấy được tầm vóc và đường hướng phát triển của nhà hát với sự xuyên suốt một tinh thần không ngừng đổi mới để làm tròn sứ mệnh trao truyền – gìn giữ tinh hoa nghệ thuật tuồng của lớp lớp thế hệ.
Để giải bài toán này, ông Sốp đã dành nhiều thời gian chọn lọc rồi tham mưu cũng như cùng Ban Giám đốc xin ý kiến của các nghệ sĩ gạo cội và lắng nghe các góp ý của toàn đơn vị, sau đó biên tập, chỉnh sửa và hoàn thiện.
“Đây là việc khó nếu như người đảm nhận không tận tâm, trách nhiệm. Qua “Lửa thiêng vẫn còn mãi”, chúng tôi mong muốn không chỉ kể câu chuyện về sự giữ và tiếp lửa nghệ thuật tuồng của riêng đội ngũ nhà hát mà còn hướng mọi người cùng thấy được mỗi giai đoạn lịch sử đều có những câu chuyện, nhân vật lịch sử, văn hóa cần tôn vinh, bảo vệ, giữ gìn và lan tỏa”, ông Long chia sẻ.
Đồng hành cùng dân tộc
Với bề dày 65 năm, Nhà hát Tuồng Việt Nam có nguồn tư liệu dồi dào để khai thác. Riêng những vở giành Huy chương Vàng trong các hội diễn, liên hoan đã lên đến con số mấy chục. Cùng với đó còn là mỗi thế hệ đều có nhiều nghệ sĩ tài năng đóng góp cho sự phương trưởng của nhà hát.
Song để sự lựa chọn cho chương trình nghệ thuật của lễ kỷ niệm đạt mục tiêu đề ra và nhận được những cái gật đầu đồng tình từ các nghệ sĩ giỏi, tâm huyết với nghề thì cần có những cơ sở thuyết phục.
Theo ông Sốp, phần: “Trao truyền nghệ thuật, gìn giữ tinh hoa” sẽ giới thiệu 5 trích đoạn tuồng cổ, trong đó mở màn là một lớp trong vở “Mục Quế Anh” vì đây là một trong những vở đầu tiên được Đội Tuồng Bắc phục dựng và trao truyền ở chùa Hà. Nghệ nhân Quang Tốn, Bạch Trà là những người trao truyền cho NSND Mẫn Thu.
Phần: “Son sắt niềm tin với Đảng, hết lòng phục vụ vì dân” bắt đầu bằng việc tái hiện lớp diễn trong vở “Tiếng gọi non sông”, kể về vua Ngô Quyền diệt thù trong, giặc ngoài, trung hưng đất nước. Đây là vở tuồng lịch sử đầu tiên của Đoàn Tuồng Bắc và giành Huy chương Vàng trong Hội diễn Sân khấu năm 1962.
Nối tiếp đó là lớp chia tay giữa phò mã Phi Hùng và công chúa An Tư trong vở “An Tư công chúa” (tác giả Tống Phước Phổ). Vở diễn này được nhà hát dàn dựng trong những năm 1960 - 1970 khi đất nước bị chia cắt, bao thế hệ thanh niên sẵn sàng “gác tình riêng vì nghĩa lớn” để ra trận đánh đuổi giặc ngoại xâm.
Đây là tác phẩm được đánh giá mang những yếu tố tinh hoa của nghệ thuật tuồng truyền thống được thể hiện ở cấu trúc kịch bản chặt chẽ, lời văn học, âm nhạc xuất sắc; các nhân vật có số phận... Nhất là, những câu hát nam trong đó thì rất quen thuộc với người trong nghề, vì đã là diễn viên tuồng đều phải học và hát nằm lòng:
“Nước nhà một gánh hai vai
Tấm thân đành đã gác ngoài tử sinh....”
Còn lớp Đề Thám trò chuyện với vợ Ba là được trích trong vở tuồng đồ sộ, từng có 500 đêm diễn liên tục, khán giả xếp hàng mua vé. Đó là vở “Đề Thám” giành Huy chương Vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp năm 1970 và đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong sự phát triển, xác lập hướng đi, phong cách nghệ thuật, đưa nhà hát lên tầm quốc gia.
Vở diễn có điều đặc biệt là đã mang những mảng miếng rất đặc sắc của tuồng truyền thống chuyển sang kể câu chuyện về thời kỳ cận đại một cách đặc sắc, hấp dẫn. Hơn nữa, ở đây còn có tính logic của những người được đi đào tạo ở nước ngoài về là đạo diễn, NSND Nguyễn Ngọc Phương; cũng như tập hợp được tất cả trí tuệ của các nghệ nhân tuồng rất nổi tiếng để làm nên tác phẩm.
Chương trình được khép lại bằng lớp diễn bọn mật thám đưa anh Lê ra gặp mẹ trong vở tuồng hiện đại “Tình mẹ” – vở diễn đã từng gây xúc động bao thế hệ khán giả.
“Khi điểm lại chúng tôi nhận thấy, mỗi nhân vật đều là trung tâm của các thời kỳ lịch sử và đều được phản ánh qua nghệ thuật tuồng.
Điều đó cho thấy, trong quá trình từ khi thành lập đến nay, cùng với sự đi lên của đất nước, rõ ràng nhà hát luôn đồng hành cùng dân tộc, các thế hệ nghệ sĩ đã cống hiến, hy sinh và nỗ lực để có được những đứa con tinh thần tròn sứ mệnh: Tôn vinh, ca ngợi, lan tỏa các giá trị của lịch sử cũng như góp phần vào công cuộc đấu tranh và xây dựng đất nước.
Đến thời điểm này, rõ ràng sự nghiệp của nhà hát rất vẻ vang, góp phần xây dựng nền văn hiến Việt Nam. Chúng tôi tự hào là những người được tiếp nối và đang trao truyền cho các thế hệ sau sự nghiệp này”, hướng ánh mắt đong đầy niềm tin vào tương lai tiếp lửa thiêng và bền bỉ đổi mới, sáng tạo của các thế hệ mai sau, ông Sốp bày tỏ.
Kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống (1959 – 2024), Nhà hát Tuồng Việt Nam tổ chức chuỗi sự kiện đặc sắc, gồm: Biểu diễn vở tuồng “Mục Quế Anh dâng cây” (20h ngày 8/9 tại Rạp Hồng Hà, Hà Nội); hội thao (9h), chương trình nghệ thuật chào mừng (20h ngày 9/9) và lễ tế Tổ (8h ngày 13/9) cùng tại Khu Văn hóa Nghệ thuật Mai Dịch, Hà Nội.
Đặc biệt, sáng 12/9 tại Rạp Hồng Hà sẽ diễn ra lễ kỷ niệm với chương trình nghệ thuật “Lửa thiêng còn cháy mãi” – “như một món quà với những hoài niệm đẹp, để chúng ta không ngừng tự hào, tin yêu và tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật Tuồng Việt Nam”, ông Hoàng Văn Long - Quyền Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam nhấn mạnh.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nghe-thuat-tuong-lua-thieng-chay-mai-post699705.html